Màu tím bụi mịn ở Hà Nội
Ngày 17/12, báo chí đăng thông tin khuyến cáo từ số liệu quan trắc chất lượng không khí, ghi nhận mức độ ô nhiễm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng tại Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc. Đây là đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trong năm và có thể còn kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tất cả mọi người.
Cụ thể, theo dữ liệu của Cổng thông tin thuộc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, lúc 10h30 sáng 17/12, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội là 221 (màu tím), đến 14h, chỉ số này giảm xuống còn 194. Đây là cảnh báo tình trạng không khí xấu, có hại cho sức khỏe con người.
Tình trạng ô nhiễm không khí liên quan đến nồng độ bụi mịn PM2.5 - loại bụi có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây ra nhiều loại bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch.
Trong bối cảnh đô thị hóa, sự gia tăng mạnh các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bùng nổ sản xuất công nghiệp - nông nghiệp, ô nhiễm không khí và đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Hà Nội và nhiều đô thị tại Việt Nam không phải là ngoại lệ. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có ít nhất 60.000 người tử vong vì các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
Hai nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm bụi mịn hiện nay tại Hà Nội là thời tiết theo mùa và sự gia tăng nguồn phát thải. Theo các báo cáo môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và khu vực miền Bắc chủ yếu xảy ra vào mùa đông (khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), tập trung vào 6-8h sáng và 17-19h chiều khi thời tiết hanh khô, sương mù, làm hạn chế sự khuếch tán của bụi mịn.
Tại Hà Nội, cùng với sự gia tăng của các nguồn phát thải từ phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp…, thì phát thải từ các công trường xây dựng, đốt rơm rạ ở ngoại thành… cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng không khí.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, nhiều nghiên cứu quốc tế cũng đã đề cập đến nguyên nhân gián tiếp của tình trạng ô nhiễm không khí từ công tác quy hoạch đô thị.
Theo đó, khi việc tổ chức không gian đô thị gồm các chức năng nhà ở, thương mại dịch vụ, giao thông, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp… còn lộn xộn, thiếu vắng hành lang lưu chuyển không khí sạch thì sẽ làm giảm khả năng khuếch tán nồng độ bụi mịn trong môi trường.
Đồng thời, việc bố trí quy hoạch các khu vực chức năng ở và sản xuất trong đô thị thiếu khoa học cũng gia tăng đáng kể tác động tiêu cực từ các nguồn phát thải bụi mịn đến môi trường. Ở quy mô từng khu vực cụ thể trong đô thị, các yếu tố như mật độ xây dựng, số lượng tòa nhà, chiều cao tán cây, mật độ giao thông, khoảng cách giữa các khu nhà ở tới các nguồn phát thải lớn… cũng tác động rất lớn đến sự ô nhiễm không khí và nồng độ bụi mịn.
Một nghiên cứu khoa học với tên gọi "Hiệu ứng bóng râm đô thị" đã chứng minh tình trạng các thành phố lớn có mật độ nhà cao tầng dày đặc khiến ánh nắng mặt trời có tác dụng diệt khuẩn một cách tự nhiên không chiếu được xuống mặt đất, không khí bẩn bị giữ quẩn bên trong môi trường giữa các tòa nhà, góp phần làm ô nhiễm môi trường sống và gia tăng dịch bệnh.
Như vậy, để hạn chế bụi mịn, bên cạnh giải pháp giảm thiểu nguồn phát thải ô nhiễm như Hà Nội đã và đang triển khai (ví dụ quy hoạch vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện cá nhân), các nhà quản lý cần tính toán thêm giải pháp về quy hoạch và nâng cấp, cải tạo đô thị.
Việc quy hoạch các khu chức năng phải đảm bảo không gian hành lang lưu chuyển không khí sạch, khuếch tán và giảm nồng độ bụi mịn. Chính quyền đô thị cần đảm bảo mật độ xây dựng, số lượng các tòa nhà (đặc biệt là tòa nhà cao tầng) phù hợp.
Ở khu vực trung tâm nội đô đông đúc, cần hạn chế việc xây dựng thêm các cụm nhà cao tầng với chiều cao và khối tích lớn, mật độ dày đặc, khoảng cách giữa các tòa nhà quá gần nhau để giảm thiểu hiệu ứng "bóng râm đô thị".
Một nghiên cứu mới công bố vào tháng 11/2024 tại TP Thẩm Dương (Trung Quốc) - vốn là đô thị công nghiệp nặng và bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cho thấy việc tổ chức tối ưu không gian cây xanh bên trong khu vực nội đô giúp giảm ô nhiễm vật chất dạng hạt, bao gồm bụi mịn PM2.5. Bề mặt lá thô và lông tơ của cây xanh có thể hấp thụ và giữ lại các hạt bụi mịn trên mặt đất bằng cách lắng đọng, hoặc rơi xuống đất cùng với lá và cành cây. Mặt khác hơi nước từ cây xanh tỏa ra cũng làm kết tủa và lắng tụ xuống đất các bụi mịn lơ lửng, giảm khả năng phát tán bụi mịn từ mặt đất vào không khí.
Kết quả nghiên cứu tại 22 công viên nội đô ở TP Thẩm Dương cũng cho thấy các công viên này với hệ thống cây xanh bên trong, giúp làm giảm đáng kể nồng độ bụi mịn trong phạm vi bán kính 300m.
Trên đây có thể xem là những kinh nghiệm tốt để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội và nhiều đô thị ở nước ta.
Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!