Tâm điểm
Bích Diệp

Khi Bộ trưởng có "cái nhìn khác" về giá sàn vé máy bay

Ngày 23/5, khi phát biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá sửa đổi, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đồng ý với quan điểm bỏ giá sàn, giữ giá trần vé máy bay.

Như vậy có thể thấy, người đứng đầu Bộ Tài chính đã có "cái nhìn khác" về vấn đề trên so với thời điểm đầu tháng 4 khi phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo tường thuật của báo chí tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng Phớc đánh giá: cần phải có giá sàn để bảo vệ doanh nghiệp, tránh các hãng hàng không chuyên nghiệp bị đánh bại bởi các hãng hàng không giá rẻ, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Tài chính đã có cùng quan điểm với giới chuyên gia là nên bỏ giá sàn vé máy bay. Ông cho hay, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

Khi Bộ trưởng có cái nhìn khác về giá sàn vé máy bay - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính hiện tại đã có chung quan điểm với giới chuyên gia và nhiều ĐBQH về đề xuất bỏ giá sàn vé máy bay (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất bỏ quy định về giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là những người thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không. Việc bỏ giá sàn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh, song không dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Lý do, dù doanh nghiệp hạ giá bán vẫn phải tuân thủ các quy định tại luật Cạnh tranh về vấn đề này.

Sự chuyển động về tư duy chính sách của cơ quan soạn thảo luật là rất đáng mừng, bởi bất cứ nội dung nào được đưa vào luật cũng sẽ có tác động lớn đến việc áp dụng trong thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của mọi cá nhân, tổ chức tham gia thị trường.

Như đã bày tỏ tại nhiều bài viết trước đây, chúng tôi cũng đồng ý rằng nên bỏ giá sàn vé máy bay.

Có điều, quan điểm về giá trần vé máy bay hiện vẫn chưa đạt được sự thống nhất giữa cơ quan soạn thảo và một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Từ góc độ cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, cần giữ giá trần hàng không nội địa.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật), vẫn có một số ý kiến cho rằng không nên áp dụng giá trần đối với vé máy bay vì hàng hóa, dịch vụ này chưa thật sự phù hợp tiêu chí hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; không phù hợp với nguyên tắc thị trường khi đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này. Giá trần do cơ quan quản lý Nhà nước quy định, nhưng trong một số trường hợp thấp hơn chi phí đầu tư hoặc thấp hơn chi phí đầu vào. Việc điều chỉnh giá trần thường rất chậm, không theo kịp biến động của thị trường, gây khó khăn, thua lỗ lớn cho doanh nghiệp.

Về lý thuyết, giá trần (price ceiling) là mức giá tối đa mà Nhà nước buộc những người bán phải chấp hành. Mục tiêu của Nhà nước khi thiết lập giá trần là kiểm soát giá để bảo vệ những người tiêu dùng.

Điều này có nghĩa là khi mức giá cân bằng trên thị trường được đánh giá là "quá cao" thì bằng việc Nhà nước đưa ra mức giá trần thấp hơn, người tiêu dùng sẽ có khả năng mua được hàng hóa với giá thấp hơn và điều này được coi là có ý nghĩa xã hội to lớn khi những người thu nhập thấp vẫn có khả năng tiếp cận được các hàng hóa quan trọng.

Theo đó, mấu chốt của việc có nên hay không giữ trần giá với vé máy bay chính là việc xác định mức giá cân bằng trên thị trường ra sao, liệu có xảy ra tình trạng đẩy giá quá cao hay không? Khoảng cách giữa giá trần mà Nhà nước đưa ra để khống chế doanh nghiệp và mức "giá thành" của doanh nghiệp đang thế nào?

Hiện tại, khung giá vé máy bay đang được áp dụng theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 24/7/2015 về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.

Theo thông tư này, khung giá vé máy bay đang được áp dụng, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều. Khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không cộng thêm mức thuế, phí sân bay (từ 80.000-120.000 đồng tùy theo các cấp sân bay).

Vừa qua, tất cả hãng hàng không trong nước đồng loạt kiến nghị thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, cho rằng trần giá vé máy bay quá thấp đang kìm hãm sự phục hồi và tăng trưởng của ngành. Với việc giá vé đang áp dụng theo mức điều chỉnh cách đây nhiều năm, sự "sốt ruột" của các doanh nghiệp cũng là dễ hiểu.

Các hãng hàng không cũng cho biết sự khó khăn của họ khi mà báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong ngành năm vừa qua đều báo lỗ. Tất nhiên, về lý do này cũng có ý kiến "không phục", cho rằng doanh nghiệp lỗ trong năm ngoái do yếu tố dịch bệnh (nhiều ngành nghề cũng lỗ chứ không chỉ hàng không) chứ không phải do đặt giá trần.

"Việc bỏ quy định về giá trần là vấn đề lớn, thay đổi một chính sách quan trọng và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng; trong khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ sửa đổi" -  Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.

Lý giải việc giữ quy định giá trần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là thiết yếu, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, việc đặt ra vấn đề không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ.

Trong khi bỏ hay giữ giá trần vẫn đang là cuộc tranh luận chưa đến hồi kết thì mới đây, một phương án mang tính tình thế đã được Bộ Giao thông vận tải đưa ra là nâng trần giá vé máy bay nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành từ quý II. Theo đó, các hãng hàng không sẽ có thêm cơ hội để cải thiện năng lực tài chính, có thêm nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trên góc độ người tiêu dùng, người viết đương nhiên muốn giá vé máy bay duy trì mức thấp.

Dù vậy, trong lý thuyết kinh tế, mặt trái của việc áp giá trần là tạo ra dư cầu, thiếu hụt nguồn cung (do doanh nghiệp thiếu tài chính, không có động lực để đầu tư mới trang thiết bị, tăng cung hàng), người tiêu dùng mất nhiều thời gian hơn để mua hàng hóa, thị trường ngầm có cơ hội nảy sinh… Những hậu quả này có thể làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng, nằm ngoài kỳ vọng ban đầu của Nhà nước.

Khi Bộ trưởng có cái nhìn khác về giá sàn vé máy bay - 2

Với riêng lĩnh vực hàng không, trường hợp doanh nghiệp vì vướng giá trần và không muốn bị thua lỗ do giá vé thấp, họ sẽ giảm khai thác các chuyến bay ít người. Theo đó, những người thực sự cần bay hoặc chấp nhận trả giá cao để bay có thể mất cơ hội.

Thêm nữa, mức giá chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định việc chọn hãng bay và hạng vé. Khi nhu cầu đi lại bằng máy bay ngày càng trở nên nhiều hơn, khách hàng sẽ có thêm những mong muốn hay yêu cầu khác như dịch vụ chăm sóc chu đáo hơn, sự sẵn sàng của chuyến bay, không phải chịu cảnh "delay" chậm chuyến…

Chính vì vậy, trong xu thế phát triển chung của thị trường, cần có đánh giá tác động, xem xét về tổng hòa lợi ích của tất cả người tiêu dùng. Lúc này, chúng ta lại phải "có cái nhìn khác" thấu đáo trong các trường hợp giữ hay bỏ giá trần vé máy bay.

Hiện tại, một khi còn đang có những lo ngại rằng nếu bỏ giá trần, các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội thì điều đó cũng có nghĩa là rủi ro doanh nghiệp "bắt tay thao túng giá" vẫn đang được đặt ra.

Do vậy, trong trường hợp bỏ giá trần thì Nhà nước cũng cần xây dựng được cơ chế giám sát và chế tài chống thỏa thuận giá. Người tiêu dùng có người thích vé rẻ, có người sẵn sàng chi trả giá vé cao để đạt được sự chăm sóc, nhận dịch vụ tốt nhất… nhưng chắc chắn, bất cứ ai trong số họ cũng mong muốn sự minh bạch.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!