Sao lại nghĩ đến việc đưa "giá sàn" vé máy bay vào luật!
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra vào ngày 6/4 vừa qua, khi tham gia góp ý về Luật Giá (sửa đổi), một đại biểu đã đề nghị bổ sung giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa bên cạnh giá tối đa (giá trần) như hiện nay.
Mục đích của đề xuất này được cho là để tránh "hàng không chuyên nghiệp bị giá rẻ đánh bại" dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền. Cụ thể, với các hãng bay chuyên nghiệp, giá vé 0 đồng hay 200.000-500.000 đồng không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói đến tiền lương cho người lao động hoặc chi phí khấu hao.
Nếu nhớ lại thì đây không phải là lần đầu tiên có đề xuất giá sàn cho vé máy bay. Năm 2021, Cục Hàng không Việt Nam từng trình Bộ Giao thông vận tải dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Trong đó, Cục đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, mức tối thiểu vé bằng 20% mức giá tối đa quy định. Tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất 320.000-750.000 đồng/chiều.
Mặc dù đề xuất lúc đó chỉ áp giá sàn trong vòng một năm, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/11/2022 nhưng cũng đã không được thông qua. Bản thân Cục Hàng không cũng từng thừa nhận nếu áp sàn giá vé máy bay sẽ tồn tại các bất cập, hạn chế, có thể gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không.
Bẵng đi một thời gian, vấn đề giá sàn vé máy bay một lần nữa được nhắc lại và lại là đề xuất đưa vào quy định luật, tôi không khỏi ngạc nhiên.
Trước hết phải hiểu giá sàn là gì? Đó là mức giá tối thiểu do Nhà nước áp đặt buộc người mua không thể trả tiền thấp hơn giá tối thiểu đó. Và như vậy, đây là loại giá không tuân theo nguyên tắc giá cân bằng cung - cầu, cạnh tranh.
Khi định ra giá sàn thì có nghĩa là Nhà nước muốn bảo vệ lợi ích của người cung ứng hàng hóa có vị trí yếu thế trên thị trường và không có sức mạnh thị trường. Ví dụ, hàng hóa nông sản khi được mùa, giá xuống thấp hơn giá thành nông dân sản xuất thì nên có quy định về giá sàn nông sản. Tiền lương của người lao động trên thị trường lao động xuống thấp hơn giá cân bằng cung - cầu thì phải có mức lương tối thiểu…
Với cách tiếp cận đó, chúng ta dễ dàng trả lời cho câu hỏi, rằng "Có nên quy định giá sàn vé máy bay không?". Đương nhiên là không!
Nếu nói giá 0 đồng, hay 200.000-500.000 đồng không đủ chi phí nhiên liệu, tiền lương, khấu hao mà một vài hãng hàng không quy định dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh là không hiểu về chiến lược phân hóa giá theo dải giá hợp lý của nhà kinh doanh, qua đó để thu hút thêm khách hàng khi chuyến bay đã bù đắp được chi phí. Thực tế làm gì có chuyến bay nào 100% hành khách được mua vé 0 đồng? Muốn xem xét giá có đủ chi phí không thì không phải xem xét từng vé, mà phải tính tổng thu các loại vé trừ đi tổng chi phí của một chuyến bay mới là cách xem xét đúng đắn.
Nên nhớ rằng, hàng không hiện đã hoạt động theo cơ chế thị trường. Với việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia, có cạnh tranh về cung ứng dịch vụ trên nhiều tuyến bay thì phải có giá cạnh tranh tuân thủ nguyên lý giá cân bằng cung - cầu. Nguyên tắc của kinh tế thị trường là vậy!
Khi quy định giá sàn cho hàng không thì có nghĩa là đã tạo ra một loại giá bảo hộ cho lợi ích của ngành hàng không, một loại giá phi thị trường theo nguyên tắc trên. Hệ quả là, gây thiệt hại cho hàng chục triệu khách hàng bởi tước đi cơ hội được hưởng mức giá rẻ hợp lý do cạnh tranh mang lại, không những thế còn tác động bất lợi lan sang ngành du lịch…
Vậy nên, việc áp dụng giá sàn cho ngành hàng không chỉ "hại đơn, hại kép" chứ không hề có lợi. Còn nếu ai đó băn khoăn rằng, không quy định giá sàn liệu có xảy ra cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá chẳng hạn, thì xin thưa, nếu xảy ra tình trạng đó đã có Luật Cạnh tranh điều chỉnh.
Tác giả: Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, hiện là Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!