Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đồng ý quan điểm bỏ giá sàn, giữ giá trần vé máy bay

Hà Phong

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đồng ý với các đại biểu Quốc hội về việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Bộ trưởng Phớc: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước đã bỏ giá sàn  

Phát biểu tại thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá sửa đổi chiều nay (23/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã cho ý kiến về giá sàn và giá trần của hàng không nội địa.

Theo Bộ trưởng, việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, ông cho rằng, cần giữ giá trần hàng không nội địa.

Về giá sàn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đồng ý quan điểm bỏ giá sàn, giữ giá trần vé máy bay - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm về dự thảo Luật Giá sửa đổi (Ảnh: Quochoi.vn).

Quan điểm khác nhau về giá trần, giá sàn của các đại biểu 

Góp ý dự thảo Luật Giá sửa đổi tại thảo luận này, ông Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo ông Hạ, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng XII. Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Ông Hạ cũng cho rằng vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu.

Do đó, từ kinh nghiệm quốc tế, ông Hạ cho rằng việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) thống nhất theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ giá sàn nhưng cần thiết duy trì giá trần, để người dân được hưởng giá không quá cao. Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh đến vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý giá, định giá để ổn định giá cả các mặt hàng.

Liên quan tới nội dung này, theo bà Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế), đối với "mức giá 0 đồng" của hãng hàng không, thực chất không có vé máy bay giá 0 đồng. Mức giá 0 đồng là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.

Bà Sửu cho rằng, thời gian qua, một số hãng áp dụng giá vé 0 đồng nghĩa là một hình thức ưu đãi chỉ áp dụng cho một số ít ghế, cho một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng. Do vậy, bà đề nghị cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ "mức giá 0 đồng" bằng những thuật ngữ phù hợp là giá ưu đãi hoặc giá khuyến mại nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng, lạm dụng và cũng thể hiện tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh.

Bộ trưởng từng khen hay khi đại biểu muốn áp giá sàn vé máy bay

Trước đó, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, góp ý dự án Luật Giá sửa đổi diễn ra ngày 6/4, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa, bên cạnh giá tối đa (giá trần) như hiện nay.

Đề xuất trên ngay lập tức được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc - đại diện cơ quan soạn thảo dự Luật Giá sửa đổi - nhận xét là "rất hay, hợp lý" và khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Lý giải nhận xét trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu giá vé 0 đồng hay 200.000 hoặc 500.000 đồng, các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói tới tiền trả lương cho người lao động, khấu hao. Như vậy, những hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ thua, hay nói cách khác là bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền.

Tranh cãi về giá trần 

Câu chuyện giữ hay bỏ, hay tăng trần giá vé máy bay đã gây ra nhiều tranh cãi từ lâu. Hồi tháng 6/2022, do giá nhiên liệu tăng cao, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines đồng loạt đề nghị nới giá trần, thậm chí bỏ giá trần vé máy bay.

Từ các kiến nghị của doanh nghiệp, Cục Hàng không đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa mức bằng thời điểm năm 2014, tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành. Đáng chú ý, đây là lần thứ ba trong 3 tháng cơ quan này đưa ra đề xuất trên. Ngay sau đề xuất, dư luận xuất hiện không ít ý kiến trái chiều, trong đó có những ý kiến không đồng tình. Thậm chí, có ý kiến đề xuất không nên can thiệp vào thị trường bằng quy định giá sàn hay giá trần, Cục Hàng không cần bỏ quy định về giá trần và không nên quy định giá sàn. 

Theo khung giá vé máy bay đang được áp dụng, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500 km là 1,7 triệu đồng/lượt; 500-800 km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; 850 km - dưới 1.000 km có giá 2,79 triệu đồng; 1.000 - dưới 1.280 km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280 km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Văn Hưng