"Bóc mẽ" vé máy bay giá 0 đồng, đại biểu nói gì mà Bộ trưởng khen hay?
(Dân trí) - "Người dân muốn đi máy bay có giá rẻ thì cũng rẻ ở mức độ vừa phải, chứ không tới mức không mất gì", đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp nêu ý kiến và đề xuất dự thảo Luật Giá sửa đổi bổ sung nội dung.
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, góp ý dự án Luật Giá sửa đổi diễn ra ngày 6/4, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa, bên cạnh giá tối đa (giá trần) như hiện nay.
Đề xuất trên ngay lập tức được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc - đại diện cơ quan soạn thảo dự Luật Giá sửa đổi - nhận xét là "rất hay, hợp lý" và khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Lý giải nhận xét trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu giá vé 0 đồng hay 200.000 hoặc 500.000 đồng, các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói tới tiền trả lương cho người lao động, khấu hao. Như vậy, những hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ thua, hay nói cách khác là bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền.
Trao đổi với Dân trí ngày 7/4, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, giá sàn và giá trần là "hết sức cần thiết đối với dịch vụ hàng không". Điều này sẽ đảm bảo sự cạnh tranh, lành mạnh giữa các hãng hàng không với nhau.
Theo ông Hòa, khi bổ sung giá sàn và giữ giá trần sẽ phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tình trạng "mạnh ai đấy làm", không phù hợp luật cạnh tranh. Các hãng hàng không sẽ được cạnh tranh lành mạnh "cá lớn không nuốt cá bé".
"Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp có thể đưa ra chương trình khuyến mại nhưng giá vé không thể quá thấp để dẫn tới việc chịu lỗ để thu hút khách hàng. Do đó, giá vé máy bay cần phải nằm trong một khung tối đa và tối thiểu", ông Hòa nhấn mạnh.
Hiện nay có tình trạng một số hãng hàng không tung ra giá vé máy bay 0 đồng. Nhưng theo ông Hòa, đây chỉ là hình thức quảng cáo, thu hút khách hàng. Bởi dù có mua được vé máy bay 0 đồng thì khách hàng vẫn phải trả chi phí các dịch vụ khác, chứ không phải hoàn toàn khách hàng đi được máy bay mà không mất đồng nào.
Không phủ nhận ý kiến nếu áp giá sàn cho vé máy bay sẽ làm mất cơ hội để người dân được đi máy bay giá rẻ nhưng ông Hòa cho rằng, mức độ ảnh hưởng tới khách hàng không lớn, bởi giá sàn cũng sẽ ở mức thấp chứ không cao. "Người dân muốn đi máy bay có giá rẻ thì cũng rẻ ở mức độ vừa phải, chứ không tới mức không mất gì", ông Hòa nói.
Việc có nên duy trì giá trần vé máy bay hay không cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh giá trần của cơ quan Nhà nước thường chậm, không theo kịp biến động thị trường, nên gây khó khăn, làm mất đi nguồn lực, nguồn thu ngân sách.
Mặt khác, việc áp giá trần không phù hợp thông lệ quốc tế, không công bằng với các loại dịch vụ khác như vận chuyển hành khách bằng tàu hỏa, vận tải hành khách tuyến cố định, hay taxi đều do doanh nghiệp tự định giá và kê khai giá với cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đều đề nghị giữ trần vé máy bay nội địa. Nhiều lý do đã được hai bộ này đưa ra, như Nhà nước cần công cụ điều tiết, tránh trường hợp các hãng hàng không đưa ra giá vé quá cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế. Việc này sẽ làm hạn chế cạnh tranh và ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực xã hội.
Câu chuyện giữ hay bỏ, hay tăng trần giá vé máy bay đã gây ra nhiều tranh cãi từ lâu. Hồi tháng 6/2022, do giá nhiên liệu tăng cao, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines đồng loạt đề nghị nới giá trần, thậm chí bỏ giá trần vé máy bay.
Từ các kiến nghị của doanh nghiệp, Cục Hàng không đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa mức bằng thời điểm năm 2014, tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành. Đáng chú ý, đây là lần thứ ba trong 3 tháng cơ quan này đưa ra đề xuất trên. Ngay sau đề xuất, dư luận xuất hiện không ít ý kiến trái chiều, trong đó có những ý kiến không đồng tình. Thậm chí, có ý kiến đề xuất không nên can thiệp vào thị trường bằng quy định giá sàn hay giá trần, Cục Hàng không cần bỏ quy định về giá trần và không nên quy định giá sàn.
Theo khung giá vé máy bay đang được áp dụng, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500 km là 1,7 triệu đồng/lượt; 500-800 km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; 850 km - dưới 1.000 km có giá 2,79 triệu đồng; 1.000 - dưới 1.280 km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280 km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Văn Hưng