Tâm điểm
Quan Thế Dân

Khi "anh hùng áo trắng" ngồi viết giải trình

Đại dịch Covid-19 đã đến hồi kết, tưởng như âm hưởng chủ đạo khi nhìn lại gần ba năm vất vả chống dịch là vui mừng, nhưng chúng ta lại nghe thấy những phát biểu đầy băn khoăn trên nghị trường. Đó là ý kiến phản ánh thực trạng ở thời điểm dịch bùng phát, các bác sĩ được coi như "anh hùng áo trắng"; nhưng hết dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian của họ lại là viết báo cáo giải trình.

Có một thực tế ai cũng nhận thấy là từ năm 2022 trở lại đây, tin tức tiêu cực về ngành y chiếm nhiều sự chú ý của dư luận xã hội. Để giải thích về hiện tượng này, theo tôi, có hai lý do: lý do về tâm lý đám đông và lý do về khuyết điểm nội tại của ngành y.

Thật vậy, năm 2021 những bài viết từ giữa tâm dịch kể về thực tế cấp cứu cho bệnh nhân bị Covid nặng luôn nhận được cơn mưa lời khen tặng cảm ơn từ người đọc. Điều đó làm ngành y đã bội thực với lời khen. Có thể lời khen ngợi, cảm ơn ngành y trước kia là thật, là xuất phát từ đáy lòng. Trong lịch sử của ngành y chưa bao giờ nhận được nhiều lời khen ngợi đến vậy. Những mỹ từ đẹp đẽ nhất, những cấp độ so sánh cao nhất đều được dùng cho ngành y, có cả thơ, bài hát, tranh vẽ về "thiên thần áo trắng".

Khi anh hùng áo trắng ngồi viết giải trình - 1

Điều trị bệnh nhân Covid-19 thời điểm tháng 5/2021 (Ảnh minh họa: M.N).

Ngành y lúc đó có xứng đáng với lời khen đó không? Xứng đáng! Vì khi đó xã hội phải đương đầu với một dịch bệnh bí hiểm, có thể gây chết người bất kỳ lúc nào. Cả xã hội phải cách ly nhau. Người có bệnh càng cần phải cách ly tuyệt đối. Thế mà nhân viên y tế lại phải lăn xả vào những nơi nguy hiểm đó để làm việc. Vậy nên sự ngưỡng mộ, sự cảm phục mà xã hội dành cho ngành y bật ra một cách tự nhiên, như trong tiềm thức ta vẫn mong người anh hùng xuất hiện đúng lúc.

Thế nhưng cái gì quá cũng không tốt. Cơn mưa lời khen làm bội thực sức chứa của xã hội, làm bội thực ngay người vừa thốt ra lời khen. Anh khen, tôi khen, nó khen, tất cả cùng khen. Thì tự nhiên lời khen đó như bỗng trở nên sáo rỗng. Đây là quy luật tâm lý tự nhiên của con người, quy luật giữ thăng bằng của hệ thần kinh. Sau cơn hưng phấn sẽ tiếp theo sẽ là giai đoạn ức chế. Sau cơn vui sẽ là khoảng trống mênh mang…

Sau khi đại dịch qua đi, bỗng xã hội nhìn ngành y một cách khác lạ. Đây là quy luật chung cả thế giới đã trải qua, không riêng gì Việt Nam. Ở Mỹ và châu Âu, có nhiều báo cáo về bạo hành với nhân viên y tế sau đại dịch. Nhiều nhân viên y tế nói rằng sau khi được ca ngợi như những người anh hùng thì giờ đây, sau đại dịch, họ bị đối xử khắt khe hơn, thiếu công bằng hơn. Như thể họ phải chịu trách nhiệm về vụ dịch. Hoặc ít ra nhân viên y tế gợi lại ký ức không mấy dễ chịu.

Trên đây tôi vừa thử lý giải động cơ tâm lý ẩn dấu sau những ồn ào mà ngành y phải chịu trong thời gian qua. Cái động cơ tâm lý này âm thầm, chi phối hành động của đám đông một cách vô thức, ít người để ý.

Thứ hai là thực ra không có người anh hùng, chỉ có những khoảnh khắc anh hùng. Ở Việt Nam, trước đại dịch, ngành y đầy rẫy khuyết điểm, thiếu sót, cũng như các ngành khác.

Trong vụ dịch, nhân viên y tế được ca ngợi như những thiên thần. Hết vụ dịch, ánh hào quang tan đi, trở về với đời thường, thì thiếu sót khuyết điểm cũ lại hiện ra y như cũ, nhưng xã hội nhìn những cái đó bằng con mắt nghiêm khắc hơn trước bội phần.

Tất nhiên những bê bối của ngành y vừa qua, vụ nào thì cũng có nguyên nhân cụ thể của vụ đó. Các bất cập trong cơ chế quản lý của ngành y đã tồn tại trong thời gian dài, khi vấp phải thử thách khắc nghiệt thì những bất cập đó bộc lộ ra rõ nét hơn bao giờ hết. Mặt khác trong tình hình khẩn trương của chống dịch, với tinh thần cứu người như cứu hỏa, nhiều cá nhân đã lợi dụng tình hình đó để trục lợi cá nhân. Những cá nhân đó đã phản bội lại lòng tin của nhân dân, phản bội lại các đồng nghiệp của mình.

Nhân viên ngành y hết sức vui mừng khi các vụ án tham nhũng trong ngành được phát hiện, những người phạm pháp bị trừng phạt. Việc siết lại pháp luật với ngành y là việc các nhân viên trung thực trong ngành mong mỏi từ lâu. Phải nói ra là những cá nhân phạm pháp kia không đại diện cho ngành y, họ chỉ là con sâu làm xấu ngành. Việc loại bỏ những con sâu ấy làm ngành y trong sạch hơn, tốt lên.

Tuy nhiên tâm lý đám đông chán ghét ngành y sau đại dịch lại cộng hưởng với các vụ kỷ luật đó mà gán ghép nhiều điều hơn. Thậm chí đây đó xuất hiện tâm lý truy bức nhân viên y tế. Chuyện nhân viên y tế tranh thủ đi làm thêm, chuyện nhân viên y tế có người không cho con tiêm vaccine… đã nhận nhiều "gạch đá" trên truyền thông. Bởi vậy, dễ hiểu khi có đại biểu khái quát rằng ngành y trong đại dịch thì được ca ngợi như anh hùng áo trắng, sau dịch thì suốt ngày viết giải trình.

Nhân viên y tế cũng là con người. Tự nhiên bị đưa lên thành thiên thần họ không hề muốn. Và bây giờ tự nhiên bị gán hết phần xấu của thiên hạ họ cũng không thể chịu được. Nếu tâm lý xã hội vẫn mãi cư xử theo tâm lý đám đông thì người sau cùng bị thiệt hại vẫn là những người dân, bệnh nhân. Nhiều người chạy theo tâm lý đám đông tưởng chừng như đang vì dân thật ra là đang hại dân.

Hãy để các nhân viên y tế ở đúng vị trí của họ và làm đúng công việc của họ.

Tác giảTiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

 Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!