Tâm điểm
Bích Diệp

Bài học "hậu Covid"

Mùa hè năm 2022 này được ví như mùa "hồi sinh" sau hai năm đại dịch. Nhịp sống đã trở lại với những ngày bình thường cũ. Những chuyến bay, chuyến tàu, chuyến xe tấp nập xuôi ngược. Những cuộc họp lớp, hội khóa nối tiếp nhau. Khách sạn kín phòng, bãi biển đông đúc khách du lịch, phố phường tấp nập, nhộn nhịp…  Quang cảnh của hiện tại thật khó để tưởng tượng đến nếu quay lại thời gian một năm về trước. 

Để có được sự hồi phục đó là rất nhiều cố gắng, nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị, của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang… Bình yên của hôm nay phải đánh đổi bởi vô vàn mất mát, hy sinh thật khó lòng đong đếm.

Tiếc thay, từ trong đại dịch cũng đã phát lộ không ít vấn đề tiêu cực nghiêm trọng, để lại hệ lụy lớn. Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bài học hậu Covid - 1

Bộ Kít của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Ảnh minh họa).

Theo đó, cơ quan kiểm tra ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương trong công tác phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống dịch, nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kít xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái quy định; mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, cung ứng thuốc; chi hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; cải tạo, sửa chữa các cơ sở y tế; một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương và một số vị lãnh đạo đương chức hoặc đã nghỉ hưu của tỉnh Hải Dương. Vi phạm của các tổ chức, cá nhân đó đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, nguồn lực của xã hội, gây bức xúc trong Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật". 

Nhìn lại, Hải Dương từng là tâm dịch Covid-19 của cả nước, từng phải cách ly xã hội toàn tỉnh trong 15 ngày, từng trải qua trận chiến cam go kéo dài cả tháng. Trong những ngày tháng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã có nhiều nỗ lực phòng, chống dịch, như cơ quan kiểm tra ghi nhận và nêu ở trên. Nhưng khi "cơn bão" Covid vừa đi qua, nhiều người dân không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ trước những tiêu cực xảy ra trong giai đoạn chống dịch ở địa phương mà cơ quan chức năng công bố.

Trong vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan, cơ quan điều tra bước đầu xác định, Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng; Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã chi phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỷ đồng. 

Hiện công tác điều tra đang tiếp tục mở rộng, con số "hoa hồng" nêu trên phần nào cho thấy sự hưởng lợi bất chính của một số cá nhân ngay trong những ngày gian lao nhất của cả nước cũng như của Hải Dương là quá khủng khiếp. 

Không chỉ ở CDC Hải Dương. Như cơ quan kiểm tra đã thông báo, trách nhiệm đối với những vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn (được nêu cụ thể trong thông cáo về kỳ họp thứ 18 diễn ra trong hai ngày 10 và 11/8 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương) thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương và một số cán bộ.

Khi nhìn lại chuỗi vụ án, vụ việc liên quan Việt Á ở hàng loạt tỉnh thành, nhiều ý kiến cho rằng nếu những cán bộ liên quan chống dịch trên tinh thần trách nhiệm, làm đúng quy định và không màng tư lợi, có lẽ đã tránh được những bi kịch và tổn thất lớn, đã không có những vụ tiêu cực gây rúng động như chúng ta chứng kiến thời gian qua. Hậu quả nặng nề từ vụ kít test Việt Á để lại nhiều bài học đắt giá, trong đó có bài học về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; về kiểm tra, giám sát; đặc biệt là bài học về trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị trong việc thực hiện đúng các nguyên tắc công tác và thực hiện vai trò nêu gương… 

Trong cuộc sống cũng như công việc, công - tội đều cần phân minh. Những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Hải Dương trong giai đoạn chống dịch đã được báo chí, các cấp các ngành phản ánh và ghi nhận. Sự vất vả đó nằm chung trong nỗi vất vả lớn hơn của người dân trên địa bàn. Vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ ra và đang trong quá trình xem xét trách nhiệm theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Đây là điều không thể khác được. 

Cuộc sống không có "giá như". Các quy định đều rất rõ ràng, không thể biện minh vì hoàn cảnh gấp rút hay "lỗi cơ chế".

Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!