Tâm điểm
Quan Thế Dân

Đôi điều nói thật khi nhìn lại "đại dịch trăm năm có một"

Vào đầu tháng 5 này, Tổ chức Y tế thế giới WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đây là động thái quan trọng để chấm dứt đại dịch đã kéo dài gần ba năm qua.

Tại Việt Nam, mới đây Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam.

Có thể nói đó là những thông tin mà các y bác sĩ như chúng tôi cũng như người dân mong chờ từ lâu, như một ngọn gió mát lành hay cơn mưa đến vào những ngày nắng gắt này. Người trong ngành y biết rằng ngày này sẽ đến, không ngạc nhiên gì, nhưng khi nó thật sự sắp đến thì vẫn không ngăn được cảm xúc bồi hồi khó tả.

Thế là đã hơn 3 năm trôi qua. Từ tháng 2/2020, ngay sau Tết âm lịch chúng ta đã nghe phong thanh về một dịch virus lây nhiễm nguy hiểm giống như SARS đã xuất hiện ở Trung Quốc. Không khí ở Việt Nam cảnh giác cao độ. Tất cả các lễ hội xuân năm ấy đều bị hủy hết. Các biện pháp bảo vệ cửa khẩu biên giới, cách ly những người bị nhiễm… được tiến hành ráo riết. Tình hình bước đầu tạm yên ổn. Nhiều người đã dự tính dịch chỉ kéo dài khoảng một năm là cùng. Cuối cùng hóa ra dịch khốc liệt hơn loài người tưởng tượng nhiều lần. Covid-19 kéo dài hơn 3 năm, trên toàn thế giới có 688 triệu người mắc, gần 7 triệu người tử vong. Ở Việt Nam có 11 triệu người mắc, khoảng 43.000 người tử vong. Thật là một đại dịch cả trăm năm chưa gặp.

Đôi điều nói thật khi nhìn lại đại dịch trăm năm có một - 1

Tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh TPHCM (Ảnh minh họa: H.N)

Khi nhìn lại, trước hết chúng ta thấy rằng Việt Nam là một trong những nước quyết liệt chống dịch từ sớm; các cấp có thẩm quyền đã triển khai nhiều biện pháp đúng đắn, kịp thời, đạt được những kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch cũng như duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống người dân.

Trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của đại dịch, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tấm gương hy sinh của lực lượng tuyến đầu, những nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người. Từ những tháng cuối năm 2021, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và Việt Nam chuyển dần sang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, sớm hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, đại dịch qua đi cũng để lại nhiều ký ức đau buồn và những bài học đắt giá. Là một người làm việc trong ngành y, được tham gia vào công tác chống dịch, tôi xin chia sẻ góc nhìn cá nhân, cho dù có những chuyện sẽ không được dễ nghe cho lắm vì nói thật thì mất lòng.

Đầu tiên là tư tưởng chống dịch không cho dịch lan ra cộng đồng, lấy cách ly là biện pháp chủ đạo. Sau những thành quả bước đầu, chưa phát hiện dịch trong cộng đồng, lại càng củng cố hiệu quả của biện pháp cách ly, khiến cho biện pháp này ở nhiều nơi bị đẩy lên mức cực đoan.

Ở cấp độ chỉ đạo vĩ mô, cách ly là một trong những biện pháp để chống dịch. Nhưng triển khai ở cơ sở thì trở thành ngăn sông, cấm chợ. Các "chiến dịch" truy tìm người nhiễm bệnh, rồi người tiếp xúc với người nhiễm, rồi người tiếp xúc với người tiếp xúc cũng bị cách ly tập trung. Các chốt kiểm tra chia cắt khu vực địa lý, khoanh vùng đến tận cấp thôn, xóm. Các biện pháp khai báo, phiếu đi chợ, giấy đi đường; có lúc xe chở sữa cũng phải "quay đầu" do không phải mặt hàng thiết yếu. Bí mật đời tư bị xâm phạm nặng nề...

Mới đó thôi nhưng giờ nhìn lại chắc hẳn nhiều người phải thốt lên "ôi có một thời như thế"!

Rốt cuộc cũng chẳng ngăn nổi virus lan ra khắp cả nước và 11 triệu người dân đã nhiễm. Biết bao nhiêu ảnh hưởng về kinh tế - xã hội do các biện pháp cách ly cực đoan gây ra, trong đó có những hoàn cảnh rất thương tâm. Ở bệnh viện tôi có bà mẹ bị uốn ván nặng, phải mở khí quản, thở máy thì anh con trai bị đưa đi cách ly do bị xếp vào diện F1. Sau 21 ngày cách ly, anh được cho ra thì mẹ đã bị người nhà xin về chờ chết, vì anh là nguồn kinh tế chính của gia đình. Anh bị cách ly nên không ai đứng ra lo về kinh tế, buộc họ hàng thống nhất xin bà về chờ chết.

Những câu chuyện tương tự đã xảy ra không phải là ít. Nhiều trường hợp bệnh nặng bị bỏ qua do cách ly, dẫn đến hệ quả xấu không đáng có.

Hàng loạt biện pháp hành chính được áp dụng để chống dịch, trong khi ý kiến của nhiều nhà khoa học bị bỏ qua, đơn cử việc phun khử khuẩn. Rất nhiều khuyến cáo là virus này bị chết nhanh chóng khi ra môi trường bên ngoài, nhưng không được lắng nghe. Nhiều nơi vẫn tiếp tục phun khử khuẩn diện rộng. Như khi phát hiện ca nhiễm thứ 17 ở Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, Hà Nội, xe hóa chất đi phun ướt sũng cả đường phố. Rồi bệnh viện Bạch Mai cũng thế, xe phun đi khắp cả bệnh viện rộng lớn. Hiệu quả của các biện pháp phun này ra sao? Xin thưa là con số không. Đến gần cuối vụ dịch, Bộ Y tế mới ra khuyến nghị ngừng phun ở môi trường. Biết bao nhiêu tiền bạc và công sức đã bị lãng phí.

Thời gian đầu dịch chưa có hậu quả thảm khốc như sau này, nhiều người tham gia chống dịch với tâm lý bề nổi, mang tính trình diễn, tính phong trào. Bài hát, khẩu hiệu, lễ xuất quân, tặng hoa cho người hết cách ly... Những việc đó bị "bơm thổi" lên, gây lãng phí thời gian của xã hội và gây tâm lý chủ quan.

Có trường hợp được tặng hoa khi hết thời hạn cách ly đã vứt ngay bó hoa vào sọt rác, vì họ vừa trải qua những ngày rất căng thẳng, nặng nề trong khu cách ly tập trung, sau này việc tặng hoa mới bớt đi.

Tuy nhiên, những cái bề nổi trên phần nào có thể cảm thông được, có thể biện minh được là do nhiệt tình chống dịch và chưa hiểu hết về virus. Nhưng qua vụ dịch này đã bộc lộ nhiều ung nhọt trong bộ máy. Các vụ án kit test, chuyến bay giải cứu với quy mô quá lớn làm bất ngờ dư luận. Tham nhũng thì đã được nói đến từ lâu, nhưng không ai có thể ngờ quy mô lớn như vậy, cấp cao như vậy, vô đạo đức đến vậy, "ăn" trên tính mạng đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Một bài học nữa là cần quy định cụ thể cho phép y tế tư nhân tham gia chống dịch có thu phí, chia sẻ gánh nặng cho nhà nước. Nhiều bác sĩ ở khối y tế tư nhân đã gia nhập đoàn cán bộ y tế của khối y tế công đi chống dịch. Nhưng cả bộ máy y tế tư nhân gồm hạ tầng, thiết bị… chưa được huy động hết.

Vướng mắc chỉ đơn giản là Covid-19 bị xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo luật do ngân sách chi trả, không được thu của bệnh nhân. Các bệnh viện công ngân sách chi trả, còn bệnh viện tư thì không. Nên khi bệnh viện công quá tải, bệnh nhân chết nhiều vì thiếu chăm sóc thì bệnh viện tư lại không được huy động. Nhiều người có khả năng chi trả mà vẫn chết vì thiếu chăm sóc.

Qua đại dịch, ngành y rút ra nhiều bài học về chuẩn bị ứng phó, cần có kho dự trữ quốc gia về thuốc và trang bị y tế. Đào tạo chuyên ngành hồi sức cấp cứu, chuyên ngành truyền nhiễm, vệ sinh dịch tễ - toàn những chuyên ngành vất vả, thu nhập thấp, lâu nay ít người theo học, lãnh đạo đơn vị cũng không mặn mà. Trong bệnh viện thì các khoa trên là khoa không sinh lời: khoa hồi sức cấp cứu toàn lỗ, khoa chống nhiễm khuẩn thì chỉ có tiêu tiền... nên hạch toán kinh tế rất căng thẳng.

Nói ra mồm thì lãnh đạo nào cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoa trên, nhưng ở chỗ cơm áo gạo tiền thì nó khác, các khoa nào sinh lời nhiều tất nhiên được ưu ái hơn. Chỉ đến khi có dịch giã xảy ra mới tá hỏa ra là người rất thiếu.

Tiếp đến là các nghiên cứu khoa học cơ bản, rồi công nghiệp vaccine của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu. Nhân loại đã chứng kiến vaccine thế hệ mới mRNA đã cứu cả thế giới như thế nào. Còn chúng ta thì đại dịch qua rồi vẫn chưa ra được vaccine nào, dù là theo công nghệ cũ. Hơn bao giờ hết Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ cho các khoa học mũi nhọn để đáp ứng đòi hỏi ở tương lai.

Cho dù không ai mong muốn, nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho một tương lai có thể đại dịch nào đó sẽ ập đến. Ngành y có vai trò và cũng là gánh nặng: gác cổng, dự báo và nghiên cứu tiên phong về các mối nguy cơ... Khi có dịch xảy ra thì các cấp chính quyền nên biết lắng nghe chuyên gia, ủng hộ các chuyên gia để chống dịch một cách hiệu quả nhất, tránh tình trạng "cầm đèn chạy trước ô tô", chống dịch bằng những động tác thừa.

Ngành y đứng mũi chịu sào chống đỡ dịch, việc này xã hội đã ghi nhận và đã vinh danh, thiết tưởng cũng xứng đáng. Rất nhiều tấm gương cán bộ, nhân viên y tế lăn xả chống dịch, bất chấp nguy cơ có thể bị lây nhiễm. Họ vì bản năng nghề nghiệp, lương tâm con người, chứ không vì những hô hào động viên bề ngoài.

Qua vụ dịch này, ở chỗ riêng tư chúng tôi cũng không tránh khỏi day dứt vì không thể cứu được nhiều người hơn. Có nhiều mạng người lẽ ra có thể cứu được nếu như có thêm nhân lực, có thêm máy móc. Ở trong tâm dịch, có lúc người bệnh ra đi dồn dập quá khiến chúng tôi sốc nặng, không biết mình làm sai ở đâu, mình có thật sự giúp gì được cho những người đang hấp hối kia không. Từng hoàn cảnh, từng ánh mắt của những người biết mình sắp chết kia ám ảnh chúng tôi suốt đời...

Nhiều người đã nói, sau đại dịch Covid-19, thế giới đã thay đổi, không còn như trước nữa. Đúng vậy, sau đại dịch Việt Nam cũng đã thay đổi, chúng ta không còn sống như trước nữa.

Điều tích cực là Covid-19 đã cho thấy quyết tâm của con người Việt Nam khi bị dồn đến hoàn cảnh khó khăn gay gắt, cả dân tộc đoàn kết và vượt qua được thử thách của đại dịch.

Tác giảTiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!