Giải pháp cho nạn hành hung bác sĩ
Thêm những vụ hành hung bác sĩ khiến những người đang hoạt động trong ngành y không khỏi đau xót, lo lắng. Tối 27/7, trong khi tham gia xử lý một trường hợp bệnh nhi bị hóc xương cá, bác sĩ trực tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) đang ngồi chờ và liên hệ bác sĩ tai mũi họng để nội soi gắp xương cho bé, thì bất ngờ bố bệnh nhi xông vào hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và quay video. Theo lời kể của bác sĩ này, đây không phải lần đầu anh bất ngờ bị tấn công, dọa giết, trước đó vài tháng anh đã bị 2 người khác hành hung, cũng như hàng chục lần lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm.
Cũng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trưa 6/8, tiếp tục xảy ra một vụ bác sĩ bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ. Người nhà yêu cầu nhân viên y tế dắt bệnh nhân bị suy hô hấp nặng đi vệ sinh nhưng không được, nên đã bất ngờ dùng dao bấm lao vào đâm bác sĩ đang tham gia cấp cứu mẹ mình. May mắn là bác sĩ phát hiện và né tránh kịp thời.
Nghề bác sĩ nhiều khi ở trong tình trạng cân não không phải vì tập trung cứu chữa bệnh nhân mà vì những hành động không thể lường trước của người thân, gia đình họ.
Vấn đề là trong những năm gần đây nạn bạo hành nhân viên y tế không còn hiếm gặp, nó xuất hiện liên tục. Vì vậy, 5 năm trước tôi đã đề xuất Quốc Hội ban hành đạo luật chống hành hung nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ. Theo thống kê lúc đó (đầu năm 2016 đến giữa năm 2017), riêng tại Bệnh viện Bạch Mai đã có 23 vụ phạm pháp hình sự bị bắt quả tang, còn Bệnh viện Thanh Nhàn riêng trong năm 2016 có 8 trường hợp nhân viên y tế bị hăm dọa, hành hung. Tất nhiên các con số này chỉ là rất nhỏ so với thực tế, vì rất nhiều các trường hợp không báo cáo, thống kê; đã có nhân viên y tế bị hành hung gây thương tích nghiêm trọng, đã có những côn đồ manh động vào tận bệnh viện truy sát, cắt cổ giết người…
Bộ Y tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn cho các y bác sĩ chữa bệnh cứu người, cụ thể như cắt cử các chiến sĩ công an trực 24/24h ở các bệnh viện lớn, nhanh chóng truy bắt các đối tượng manh động, tập huấn phòng chống bạo hành y tế… Tuy nhiên tính chất răn đe của luật pháp còn chưa cao, dẫn đến hậu quả là số vụ bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác chính là phương pháp tốt nhất để người bệnh có được sự chăm sóc chu đáo, đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác điều trị. Trên thế giới, một số quốc gia đã có luật phòng chống bạo hành nhân viên y tế và hủy hoại tài sản của các cơ sở dịch vụ y tế, tiêu biểu là luật của bang Masharashtra (Ấn Độ) ban hành ngày 30/3/2009. Tôi và một số chuyên gia về luật đã nghiên cứu kỹ lưỡng ví dụ này và nhận thấy luật tương đối ngắn gọn với 8 điều khoản, dài khoảng 3 trang giấy khổ A4, quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với các hành vi bạo hành cán bộ y tế đang chăm sóc bệnh nhân cũng như mức đền bù trang thiết bị, tài sản của bệnh viện nếu gây thiệt hại…
Đáng tiếc là đến nay chúng ta vẫn chưa có đạo luật tương tự. Ngành y tế không được sự hỗ trợ bởi điều luật chống, hành hung người đang thi hành công vụ, vì hiện nay các bệnh viện đã được coi là cơ sở dịch vụ y tế, các cán bộ y tế không còn là công chức nên khi hành nghề không được coi là đang thi hành công vụ.
Cho dù đã có những tín hiệu tích cực như Luật khám chữa bệnh (sửa đổi) đang trong giai đoạn hoàn chỉnh cuối cùng cho kỳ họp tới đã có nhiều điều chỉnh theo hướng bảo vệ tốt hơn cho nhân viên y tế; rồi báo chí và các cơ quan có thẩm quyền cũng đã có phản ứng nhanh, quyết liệt hơn trong vụ hành hung mới xảy ra tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhưng tôi không tin có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng này trong tương lai gần.
Chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường biện pháp phòng vệ trực tiếp và gián tiếp (phương tiện, huấn luyện và tuyên truyền), quy trình hóa các "điểm nóng" có nguy cơ cao va chạm như khoa cấp cứu, phòng mổ, nội soi, xét nghiệm cận lâm sàng…
Điều khó nhất chính là nâng cao chất lượng và hình ảnh hệ thống y tế trong con mắt người dân. Nền y tế khỏe mạnh sẽ làm nguội mọi cái đầu nóng mỗi khi vào bệnh viện. Khó nhưng không thể không làm.
Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!