Tâm điểm
Quan Thế Dân

Nên tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19 chưa?

Mấy ngày nay trong dư luận lại dấy lên tranh luận sôi nổi về việc nên hay không nên tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19. 

Thật ra tranh luận này đã bắt đầu từ tháng 5/2022, khi Mỹ và một số quốc gia châu Âu nới lỏng việc phòng dịch, dỡ bỏ việc bắt buộc dùng khẩu trang nơi công cộng. Cuộc tranh luận này diễn ra ở tầm quốc tế, từ các chuyên gia gạo cội cho đến những người dân thường. Lý lẽ của ai cũng thuyết phục cả.

Bên chủ trương nới lỏng các biện pháp phòng dịch thì dựa vào dữ kiện vaccine đã phủ rộng, số người đã từng mắc cũng rất nhiều, dẫn đến số người đã có miễn dịch với Covid-19 chiếm đa số, có thể nói là đã đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Thêm nữa, chiều hướng của các đại dịch do virus là virus sẽ tiến hóa giảm dần độc lực rồi trở thành một bệnh lưu hành. Sự xuất hiện và phổ biến của biến chủng Omicron với độc lực thấp, đã phần nào chứng minh điều đó. 

Ngược lại, phe chủ trương vẫn giữ nghiêm các biện pháp phòng dịch thì lo ngại: Không có gì đảm bảo rằng virus không thể đột biến theo chiều ngược lại, trở nên độc hại hơn, chết người hơn. Kinh nghiệm từ ngay chính vụ dịch này đã cho thấy từ chủng ban đầu đã xuất hiện biến chủng Delta độc hơn, gây tử vong hơn chủng gốc gấp nhiều lần. Đợt dịch bùng phát thảm khốc nhất của năm 2021 chính là do biến chủng Delta này. Ký ức hãi hùng ấy khiến cho những ý kiến thận trọng càng có sức nặng. 

Hai năm qua con virus này đã gây quá nhiều đau thương, nhưng các biện pháp cách ly phòng dịch cũng gây nhiều tổn thất không kém. Cách ly phòng dịch đã làm đảo lộn cuộc sống thường ngày, đã gây tổn hại kinh tế, và nhiều khi chính cách ly phòng dịch nghiêm ngặt quá lại gây nên những hệ lụy cho sức khỏe, nhiều dịch bệnh khác bị lơ là, nhiều bệnh nhân không được điều trị… 

Khi mà các nhà chính trị, nhà khoa học còn đang tranh luận thì người dân đã có quyết định của riêng mình. Đó là phải sớm quay trở lại cuộc sống bình thường. Từ đầu mùa hè, người dân Việt Nam cũng như người dân trên toàn thế giới (ngoại trừ Trung Quốc) đã quay lại cuộc sống bình thường, đến công sở, đi du lịch… Các quán bar, bãi biển, nhà ga, sân bay dần nhộn nhịp trở lại. Kinh tế dần hồi phục.

Trái với sự lo ngại của nhiều người, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, cùng với sự tiếp xúc tăng cao trở lại, đã không xảy ra một đợt bùng phát mới của dịch Covid-19. Tỷ lệ mắc mới ở Việt Nam và thế giới giảm dần, thậm chí có lúc con số trở về như của năm 2020. Số ca nặng và tử vong còn giảm nhiều hơn nữa.

Từ thực tế đó, nhiều người cho rằng đã đến lúc tuyên bố kết thúc đại dịch, để cuộc sống thật sự trở lại bình thường. Việc tuyên bố này không chỉ mang tính chất thủ tục hành chính, mà rất quan trọng, nó chính là cơ sở khoa học cho các quyết định về chính trị, pháp lý và kinh tế. Vì thế ngay cả các chính trị gia lớn cũng chưa dám quyết. Ngày 16/10, tổng thống Mỹ Biden tuyên bố đại dịch Covid-19 đã chấm dứt ở Mỹ. Tuy nhiên đây chỉ là mong muốn của cá nhân Tổng thống Mỹ, còn bản thân nước Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về y tế của dịch Covid 19. Nghĩa là giới chuyên môn chưa đồng ý với Tổng thống.

Tại sao tuyên bố đại dịch đã chấm dứt lại khó như thế. Về việc này, Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London (Anh), David Heymann, cho biết: "Không có tiêu chí thực sự nào cho sự kết thúc của đại dịch, nhưng có lẽ có thể cảm thấy điều này."

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố kết thúc "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" đối với Covid-19. Đến nay, WHO vẫn họp thường kỳ về tình trạng dịch bệnh 3 tháng/lần. Kỳ họp gần nhất vào tháng 9, WHO vẫn yêu cầu các nước tăng cường giám sát, kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện WHO cũng cho rằng thế giới đang ở thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19, nhưng đại dịch chưa kết thúc.

Ở Việt Nam, ngay sau khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu phát biểu cần tuyên bố đại dịch đã chấm dứt thì các quan chức của Bộ Y tế nhanh chóng lên tiếng, khẳng định chưa thể tuyên bố đại dịch đã kết thúc. Lý lẽ của cả hai bên thì tựu chung cũng như dư luận thế giới đã đề cập.

Nhưng Việt Nam bao giờ cũng có sáng tạo. Tuyên bố đại dịch kết thúc thì không ai dám tuyên bố, nhưng các biện pháp phòng chống dịch đã tùy ý lỏng đến mức không còn gì để lỏng hơn nữa. Cuộc sống tiếp tục vận hành với nhịp điệu hối hả, chẳng còn ai quan tâm đến Covid-19 nữa. Không còn ai yêu cầu xét nghiệm Covid, mà có xét nghiệm dương tính cũng chẳng ai yêu cầu cách ly, khỏi cũng chẳng ai chứng nhận. 

Bây giờ xã hội mới nhận ra nhiều bệnh khác còn gây chết người nhiều lần hơn Covid. Trẻ con thì đang bị dịch cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, adeno, virus hợp bào… Người lớn thì bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu mấy năm nay lơ là ít quan tâm…

Còn quan điểm cá nhân của người viết là gì? Từ tháng 2 năm 2022, Giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học Washington (Mỹ), Ali Mokdad, đã cho rằng đại dịch đang bước vào giai đoạn trong đó mọi người tự cân nhắc rủi ro cá nhân thay vì được yêu cầu phải làm gì. Đúng vậy, với tôi dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại nhưng chỉ như dịch cúm mà thôi. Tôi vẫn giữ nếp sống vệ sinh để phòng tránh tất cả các bệnh truyền nhiễm nói chung, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên, giữ không khí trong phòng thoáng đãng, uống đủ nước, ăn đủ rau xanh…

Còn việc khi nào Việt Nam tuyên bố hết đại dịch Covid-19, thì mọi người yên tâm đi. Khi nào WHO tuyên bố đại dịch kết thúc thì hôm sau Việt Nam cũng sẽ tuyên bố như thế. 

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!