Tâm điểm
Đỗ Chí Nghĩa

Học sử để yêu thêm lịch sử

Lịch sử là môn được nhiều thí sinh lựa chọn nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thông tin ấy như cơn gió mát lành làm dịu mùa hè nóng bức. Giữa hào khí kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, bỗng thấy lịch sử hào hùng vẫn đang hiển hiện giữa cuộc sống hôm nay.

Mới ít năm trước, lịch sử luôn là môn "yếu thế": ít thí sinh chọn thi nhất, điểm thi môn sử thấp nhất, nhiều điểm 0 nhất… Báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực để chỉ ra nguyên nhân học sinh ngại sử, sợ sử vì đây là môn học khó, dễ bị điểm liệt, rồi học sử xong ra trường khó xin việc. Chưa kể chương trình nặng nề, quá chú trọng tiểu tiết, xa lạ với thực tại. Có vị GS ngành sử thẳng thắn: "Với cách dạy lịch sử như hiện nay, học sinh không chán mới lạ. Học sinh chọn môn lịch sử ít vì không tạo ra hứng thú cho các em"!

Năm 2022, môn sử ở bậc học THPT suýt nữa đã trở thành môn tự chọn. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã dứt khoát kiến nghị đưa môn sử thành môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Quan điểm của Ủy ban vấp phải không ít sự phản đối, nào là chương trình đã sắp xếp kĩ rồi, tất cả đã thành chỉnh thể, dỡ ra làm lại rất khó, nào là học sinh đã học sử ở bậc tiểu học và THCS rồi, lên THPT là phân luồng, nên để các em lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này…

Học sử để yêu thêm lịch sử - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Thế nhưng, nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu đã lên tiếng ủng hộ quan điểm môn sử phải là môn bắt buộc. Lịch sử không chỉ là một môn học mà còn là một nền tảng tinh thần, một giá trị không thể thiếu trong hành trang đi tới tương lai của mỗi người. Hàn Quốc từng bỏ môn sử khỏi chương trình bắt buộc từ 2005 nhưng tới năm 2017 đã phải đưa môn sử quay lại chương trình bắt buộc. Israel có 3 môn học bắt buộc thì lịch sử là một trong số đó!

Với chúng ta, đã rất nhiều người đặt câu hỏi: Lịch sử dân tộc hào hùng là thế mà sao đi vào nhà trường vẫn cứ khó khăn? Lớp trẻ đâu có thờ ơ với lịch sử mà chỉ mệt mỏi với chương trình dạy sử khô cứng, ngổn ngang số liệu, đánh đố học trò.

Tôi nhớ thời đi học hơn 30 năm trước, có anh bạn nổi tiếng học tốt môn sử, đi thi lúc nào điểm cũng cao. Hỏi bí quyết, anh bảo: nhà nghèo, sống chết phải kiếm được suất học bổng. Thế nên phải học gạo, nhồi nhét từng chi tiết, từng số liệu. Học xong, thi xong là quên ngay, không để đọng lại trong đầu vì không thể nhớ lâu, nhớ sâu và có nhớ chi li cũng chẳng để làm gì… Những người như anh thực ra chỉ thi tốt môn sử chứ không phải là người hiểu sử hay giỏi về lịch sử!

Xem những người trẻ say mê chia sẻ những clip, những hình ảnh rực rỡ trong lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, đọc kỹ những lời bình đầy cảm xúc và cũng lắng đọng suy tư, có thể thấy lịch sử luôn chảy trong huyết quản mỗi người con đất Việt. Không chỉ những hình ảnh hào hùng của quá khứ, lịch sử như dòng chảy hiện hữu cũng đang lấp lánh và đầy hấp dẫn. Hình ảnh Tổng thống Tokayev ra tận sân bay quốc tế đón Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Kazakhstan là minh chứng tự hào cho vị thế đất nước và uy tín cá nhân Tổng Bí thư với bạn bè quốc tế.

Những hình ảnh cụ thể, sống động, thuyết phục ấy chắc chắn sẽ thấm thía, dễ đi vào lòng người hơn nhiều những trang sách liệt kê quá nhiều số liệu, khô khan. Chắc chắn môn sử sẽ hấp dẫn hơn, lay động hơn nếu những bộ phim, những clip sống động trở thành phương tiện cho bài giảng, và sự tranh luận, trao đổi, sẻ chia chủ động của các em học sinh sẽ nhiều lên thay vì thầy cô thuyết giảng một chiều!

Môn sử cần tìm ra được gạch nối giữa lớp lớp người chen chân giữa trời nắng gắt, say mê ngắm đoàn quân diễu hành hoành tráng, những em bé mắt tròn xoe nhìn theo dàn máy bay hiện đại đang trình diễn trên nền trời xanh thẳm với những giờ học trang nghiêm trong bốn bức tường lớp học. Với nền tảng công nghệ và trí tuệ nhân tạo, việc chế ra các video hay biểu bảng không quá khó. Nhưng có nên phó mặc việc đó cho nỗ lực và thái độ tự giác của mỗi thầy cô?

Coi trọng giáo dục lòng yêu nước, coi trọng lịch sử nước nhà, đã đến lúc cần thiết kế một chương trình dạy lịch sử bằng phim thật chuyên nghiệp, chất lượng? Những thước phim có thể cập nhật hàng năm bằng những hình ảnh mới mẻ, những tư liệu sống động và hấp dẫn, nhưng cái nền kịch bản, lời bình và hình ảnh, tư liệu ban đầu sẽ như một học liệu mở, là nền tảng chung cho dạy và học sử, từ đó người học thêm yêu nước mình và trân trọng giá trị cuộc đời mình, sống có trách nhiệm hơn với đất nước, với tương lai.

 Thực ra trên các mạng xã hội, đây đó đã có những bài học lịch sử bằng hình ảnh. Truyền hình Việt Nam hơn 10 năm nay cũng đã có chương trình "Hào khí nghìn năm" với 2.000 tập phim, mỗi tập dài 10 phút chuyển tải đến khán giả mỗi ngày… Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận và có hiệu quả để đưa lịch sử vào cuộc sống. Nhưng có lẽ phải cần hơn thế khi môn sử trong học đường phải sâu sắc hơn, sống động hơn, bài bản hơn, kỹ lưỡng hơn, lay động hơn.

 Ngành giáo dục cần chủ động đề xuất và triển khai cách dạy, cách học thiết thực, gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ, để môn sử hấp dẫn hơn, thiết thực hơn. Để số học sinh học sử và chọn thi môn sử đông hơn, chất lượng hơn, và kể cả những em không chọn thi khối ngành có môn sử thì vẫn yêu sử, trân trọng lịch sử và trân trọng đất nước mình!

Cũng có người bảo, thời buổi khoa học công nghệ, nếu dành quá nhiều công sức cho các môn khoa học xã hội, các môn bắt buộc như lịch sử có làm lệch cán cân, giảm sức cạnh tranh nhân lực trên các lĩnh vực mũi nhọn rất quan trọng như kỹ thuật và kinh tế? Câu trả lời nằm ở chất lượng dạy và học môn sử. Khi lịch sử thành môn học yêu thích sẽ thúc đẩy học sinh tự khám phá, tìm hiểu, như một món quà lý thú của cuộc sống này. Rất nhiều nhà quản lý, nhà khoa học "chuẩn dân khối A" nhưng thuộc lòng lịch sử, thậm chí diễn giải lịch sử rất say sưa và sâu sắc. Khi lịch sử là câu trả lời thuyết phục và lý thú cho mỗi cuộc đời thì nó đâu còn nặng nề, cồng kềnh và choán hết thời gian mà thậm chí còn là chất men, chất xúc tác để học sinh học tốt hơn các môn học khác!

Dạy sử và học sử như thế thì lịch sử sẽ luôn hiển hiện trong cuộc sống, là bài học xuyên suốt, là điểm tựa để thế hệ trẻ hôm nay mạnh mẽ vươn ra thế giới trên đôi chân vững chãi của một dân tộc kiên cường, không biết lùi bước và khuất phục!

Tác giả: PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!