Trách nhiệm của Bộ Giáo dục với việc làm sách giáo khoa mới, sai sót môn sử

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chính với những vấn đề của chương trình giáo dục phổ thông mới; không tổ chức biên soạn một bộ sách; để xảy ra sai sót với môn lịch sử...

Chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 "Giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT)".

Nghị quyết nêu đánh giá về kết quả thực hiện các Nghị quyết trong giai đoạn 2014-2022, đồng thời chỉ ra những hạn chế, nhiệm vụ, giải pháp khi thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT.

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục với việc làm sách giáo khoa mới, sai sót môn sử - 1

Sách chuyên đề học tập lịch sử lớp 10 nằm trong bộ sách "Chân trời sáng tạo" của Nhà xuất bản Giáo dục (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan "không chấp hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về nội dung 'Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK' trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14".

Nghị quyết nêu rõ những bất cập khi Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung GDPT; công tác quản lý, điều tiết giá SGK; thực hiện chính sách xã hội với một số đối tượng và địa bàn.

Ngoài ra, cơ quan thường trực của Quốc hội cũng cho rằng, việc để xảy ra sai sót đối với môn lịch sử trong chương trình GDPT 2018 cũng cần được làm rõ trách nhiệm.

Chốt lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; về các tồn tại, hạn chế trong xây dựng, thực nghiệm, thẩm định chương trình, SGK; không tổ chức biên soạn được một bộ SGK; giá các bộ SGK có, tỷ lệ chiết khấu cao; hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Việc sai phạm trong in, xuất bản SGK; các dự án hỗ trợ đổi mới chương trình, SGK triển khai chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có sai sót, khuyết điểm trong quản lý.

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục với việc làm sách giáo khoa mới, sai sót môn sử - 2

Một tiết học sử dụng sách giáo khoa mới của học sinh TP Cần Thơ (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Một trong những nhiệm vụ được đặt ra tại Nghị quyết 686 là trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK.

Cùng với đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản SGK do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

Sai sót trong môn lịch sử 

Với môn lịch sử, Nghị quyết giám sát nêu nhận định, quy định về môn học lịch sử trong chương trình GDPT mới gây bức xúc trong nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học.

Quốc hội đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết về nội dung này vào năm 2015 và 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan tới sai sót môn lịch sử.

Ngoài ra, nghị quyết chỉ rõ nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, còn gây áp lực đối với học sinh. Việc thiết kế nội dung các môn học tích hợp ở cấp THCS chưa đạt mục tiêu, chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, sử dụng nhiều giáo viên cùng giảng dạy.

Trước đó, năm 2022, chương trình GDPT mới bắt đầu với lớp 10 vấp phải nhiều tranh cãi liên quan đến môn lịch sử. Theo cấu trúc, lịch sử thành môn tự chọn ở cấp THPT.

Nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ khiến học sinh "bỏ rơi" môn này, dẫn đến kiến thức lịch sử không được cung cấp đầy đủ, có thể ảnh hưởng đến nhận thức và lòng yêu nước của các thế hệ tiếp theo.

Tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã nêu rõ: Quốc hội yêu cầu thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Năm 2015, khép lại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó yêu cầu "tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".

Sở dĩ Quốc hội đưa môn lịch sử vào bỏ phiếu tại kỳ họp này bởi thời điểm đó Bộ GD&ĐT dưới thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có ý định "khai tử" tên môn học lịch sử khi tích hợp môn này trong một môn mới có tên "Công dân với Tổ quốc" đã tạo ra "cơn sóng" dư luận.

Câu chuyện thay đổi cách giảng dạy môn lịch sử, từ môn học độc lập thành môn học tích hợp bị các nhà khoa học, nhà giáo, phụ huynh, học sinh phản đối.

Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai từ lâu và có nhiều lần điều chỉnh. Trong đó, ba lãnh đạo cao nhất của Bộ GD&ĐT đã và đang chỉ đạo triển khai nội dung này là nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.