Tâm điểm
Dương Xuân Nam

Điều bắt buộc với môn Lịch sử

Theo dự thảo vừa được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có thể từ năm 2025, Lịch sử sẽ là một trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc cùng với Toán, Văn và Ngoại ngữ. Lý do của dự thảo quyết định này là từ năm 2025, lứa học sinh THPT đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới cho phù hợp.

Kể từ khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2018, môn Lịch sử gặp nhiều "trắc trở". Ban đầu Lịch sử trở thành môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên đã có nhiều ý kiến không đồng tình về việc này. Cuối cùng, sau nhiều tranh cãi, đại biểu Quốc hội lên tiếng, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh thông tư, Lịch sử mới trở thành môn bắt buộc với 52 tiết trong mỗi năm THPT.

Tôi để ý trong suốt quá trình kể trên, tuy các ý kiến khác nhau nhưng đa số có chung lo lắng về việc dường như học sinh không thích học môn Sử. Có phải đây là môn học thiếu hấp dẫn? Nếu quả thực như vậy thì việc bắt buộc học và thi liệu có hiệu quả?  

Tôi cũng tự hỏi mình những câu hỏi này và thấy rằng, khi nhìn lại thì nhiều kiến thức phổ thông đã phai nhạt theo thời gian, nhưng các bài học lịch sử trên ghế nhà trường cũng như tự học từ thời trẻ vẫn còn in đậm trong trí nhớ. Những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của cha ông có thể tôi không còn nhớ chính xác ngày tháng, nhưng chi tiết, địa danh thì không thể nào quên.

Nhiều bài học lịch sử đã ảnh hưởng tích cực đến nhận thức và trở thành hành trang, động lực sống và làm việc của bản thân tôi trong suốt cuộc đời. Những năm còn công tác, tôi luôn thích đến các địa danh lịch sử và tranh thủ bất cứ lúc nào có cơ hội thực hiện việc này. Mỗi lần như vậy tôi lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm "Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy / Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...".

Qua trò chuyện với các con, các cháu của mình cũng như nhiều bạn trẻ, tôi thiển nghĩ thực ra môn lịch sử rất hấp dẫn nếu chúng ta có giáo trình mới, biết cách dạy khác với cách dạy khô cứng, kém hấp dẫn lâu nay. Đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển thì chúng ta càng không nên dạy và học môn Sử theo hướng "học thuộc lòng". Những giờ dạy Sử trên lớp, các thầy cô hoàn toàn có thể đưa vào các ứng dụng công nghệ để tăng trực quan, làm cho bài giảng sinh động hơn và hướng dẫn các em tự học. Hiện nay trên các trang điện tử có rất nhiều thông tin, kiến thức lịch sử được dựng dưới dạng video, phim hoạt hình hấp dẫn người xem.

Nhìn ra thế giới, tôi tin chắc không có nước nào "hắt hủi" môn Lịch sử, kể cả lịch sử đất nước mình cũng như thế giới. Trong ngành xuất bản gần đây, chúng ta chứng kiến những cuốn sách lịch sử trở thành sách bán chạy nhất (best seller) trên toàn cầu như loạt sách của tác giả Yuval Noah Harari: "Sapiens Lược Sử Loài Người"; "Homo Deus: Lược Sử Tương Lai"; "21 bài học cho thế kỷ 21"…

Trước khi bùng phát dịch Covid, vợ chồng tôi cùng một số người bạn đi du lịch Trung Quốc. Hướng dẫn viên (HDV) cho chúng tôi là một học sinh vừa tốt nghiệp THPT, tranh thủ thời gian nghỉ đi làm thêm. Câu đầu tiên HDV này nói với chúng tôi là "Chào các bạn Việt Nam, các bạn đang đến "Năm châu" rồi đấy!".

Thấy mọi người ngớ ra có vẻ không hiểu, HDV liền nói: "Người Trung Quốc chúng tôi thường nói về "Năm châu" trong một đất nước, đó là năm địa danh nổi tiếng mà bất cứ học sinh nào cũng được học rất kỹ trong môn Sử thời học phổ thông".

HDV nói tiếp: Này nhé, đến Quảng Châu để ăn ngon. Ở đó nổi tiếng bao đời nay với các món ăn cho vua chúa, giới thượng lưu, nhà giàu, nhất là hải sản. Đến Quý châu để uống, ở đó có rượu Mao Đài tuyệt hảo. Đến Tô Châu để ở. Tô Châu với tơ lụa, với chè Long Tỉnh, Ấm Tử Sa, với không khí trong lành, đất nước của vua Ngô Phù Sai với bao câu chuyện lạ… Đến Hàng Châu để vui chơi, ngắm phong cảnh Tây Hồ tuyệt đẹp.

Cuối cùng của con người sau ăn, uống, ở, vui chơi là trở về với đất. Liễu Châu là nơi để yên nghỉ muôn đời. Ở đó có loại gỗ hương làm quan tài.  Người chết rồi còn được ướp hương thơm muôn thủa …

Vợ chồng tôi cùng các bạn đi thuyền giữa Tây Hồ bát ngát, còn được nghe HDV trẻ tuổi kể về "Tam quái" của Hàng Châu. "Quái" đầu tiên là Cô Sơn - hòn núi nhỏ giữa Tây Hồ, nơi ăn chơi nổi tiếng qua nhiều đời ở Trung Quốc.

"Quái" thứ hai là cầu Dài. Chúng tôi đi qua đi lại trên chiếc cầu khoảng chục bước chân mà là cầu Dài sao? Quái thế? Thì ra đây là cái cầu mà Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài đã tiễn nhau, đi qua đi lại dùng dằng suốt đêm mà vẫn chưa qua nổi vì cả hai không muốn rời nhau. Người này tiễn người kia qua cầu, người kia lại tiễn người này quay lại. Cứ thế nên chiếc cầu mới trở nên dài vô tận.

"Quái" thứ ba là cầu Gãy. Chúng tôi đi dạo trên chiếc cầu nguyên vẹn chứ có gãy đâu! Ở Tây Hồ có hai con đê lớn là hai bờ của hồ. Tô đê và Bạch đê. Con đê bên phải là do nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha thời làm quan ở đó đã tạo nên. Giờ con đê mang tên ông. Con đê bên trái do nhà thơ Bạch Cư Dị chi huy đắp, giờ gọi Bạch đê. Cầu gãy ở phía Bạch đê. Truyền thuyết kể rằng khi xây cầu này, bọn thủy quái đã nhiều lần hiện lên hô phong hoán vũ làm cầu cứ xây xong lại gãy. Nhưng cuối cùng cây câu vẫn hoàn thành vì có vị hòa thượng yểm được bọn yêu quái!

Nghe kể chuyện, tự nhiên tôi thấy mến người hướng dẫn viên du lịch không chuyên; hỏi chuyện thì được biết ở Trung Quốc môn lịch sử rất được coi trong trong trường học và cách dạy sử thường là thông qua những câu chuyện hấp dẫn, thú vị chứ không phải những con số khô cứng, những sự kiện chồng chất vô hồn…

Nhớ lại kỷ niệm trên, tôi chợt nghĩ sự "bắt buộc" với môn Lịch sử, đó phải là bắt buộc sao cho chân thực, sinh động và hấp dẫn chứ không phải bắt buộc như một mệnh lệnh hành chính.

Tác giả: Nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) nguyên là Tổng biên tập Báo Tiền phong; Trưởng ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2008.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!