Tâm điểm
Nguyễn Đức Hiển

Hồ Ka Pét và truyền thông chính sách

Chỉ trong ba ngày, một dự án đã công khai từ hàng chục năm trước bỗng trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận: hơn 600 ha rừng trong đó có trên 130 ha rừng đặc dụng sẽ nhường chỗ cho dự án công trình hồ thủy lợi Ka Pét.

Những hình ảnh trực quan về cánh rừng xanh tốt mai sau sẽ vĩnh viễn mất đã tác động trực tiếp lên tình cảm, nhận thức của hàng triệu người. Và đã có những quy kết, những đòi hỏi về trách nhiệm, về di sản môi trường đối với mai sau.

Thực ra, đây là dự án đã được thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, báo chí tường thuật công khai từ khi Chính phủ trình dự thảo cho đến khi các đại biểu thảo luận các vấn đề liên quan, bấm nút thông qua vào năm 2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 6 vừa qua. Hơn nữa, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về dự án này, nếu ai quan tâm, có thể tìm rất nhanh vì nó đã được công khai trên cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong ĐTM có đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực và cũng đề cập đến những giá trị môi trường và dân sinh mà dự án hồ chứa nước Ka Pét mang lại: Cung cấp nước cho khu công nghiệp và hơn 7.600 ha đất nông nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt cho TP Phan Thiết và vùng hạ du; tăng độ ẩm toàn vùng; trồng gấp 3 số diện tích rừng bị mất bởi dự án... Tức là, bài toán giữa phát triển và bảo tồn được công khai với đầy đủ dữ kiện để có thể không khiến dư luận nóng lên như vậy.

Hồ Ka Pét và truyền thông chính sách - 1

Hồ chứa nước Ka Pét dự kiến xây tại khu rừng sau khu dân cư hiện hữu của xã Mỹ Thạnh, cách 2km, kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Theo tôi, trong trường hợp cụ thể này, việc truyền thông về dự án đã bộc lộ hai vấn đề: Khả năng dự báo và cơ hội. Nếu dự báo tốt, việc truyền thông rộng rãi thông qua tự phản biện và giải thích, sẽ khác; nếu tổ chức tốt, sẽ chủ động tạo ra những cơ hội truyền thông, mở sẵn cánh cửa cho luồng gió đi qua thay vì để nó bị chắn bởi một bức tường.

Chính quyền đã nặng về truyền thông nội bộ, truyền thông tại chỗ cho người dân khu vực bị ảnh hưởng và được hưởng lợi từ dự án. Trong khi, với môi trường, phạm vi đối tượng được coi là bị ảnh hưởng cần hiểu rộng hơn thế. Môi trường là một tài sản chung mà ai cũng thấy mình có quyền lợi trong đó, có nghĩa vụ trong việc nêu các ý kiến bảo vệ. "Một cánh rừng xanh ngắt sẽ vĩnh viễn mất" sẽ tác động tức thì lên tình cảm của bất kỳ người dân nào, kể cả ở địa phương khác. Và không gian internet khiến các ý kiến ấy hội tụ và lan tỏa như cách một cơn bão nhiệt đới hình thành ngoài Biển Đông.

Những gì diễn ra hai hôm nay cho thấy chính quyền, sau bất ngờ ban đầu, đã ứng xử khá tốt. Việc xuất hiện và giải thích của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An trong một bài phỏng vấn sâu, việc dẫn báo chí vào thực địa hiện truờng trước khi tổ chức họp báo... đều là những điểm cộng về truyền thông. Cuộc họp báo ngoài nội dung cụ thể, còn có một ý nghĩa thông điệp khác: Chứng tỏ chính quyền tự tin đối diện với mọi chất vấn của dư luận về sự cần thiết và đúng đắn của dự án.

Bình Thuận lẽ ra đã có một thời gian dài để truyền thông dự án này, nhưng làm chưa tốt. Xét về quy trình pháp lý, lấy ý kiến về dự án thì không sai, nhưng lẽ ra đã tránh được những ý kiến phản ứng gay gắt nếu truyền thông tốt hơn.

Truyền thông chính sách là điều kiện tiên quyết để tạo nên sức mạnh từ sự đồng thuận của người dân với các quyết định của chính quyền. Ở tầm quốc gia, Thủ tướng Chính phủ từng yêu cầu các địa phương, bộ ngành nâng cao năng lực truyền thông. Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 22/12/2022 đã nêu rõ kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng chính quyền phải nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách; xem đấy là nhiệm vụ, chức năng của các bộ, ngành, địa phương, phải đầu tư xứng tầm, chuyên nghiệp, bài bản, tránh truyền thông một chiều, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động một cách hình thức. Truyền thông chính sách phải theo kịp môi trường bùng nổ thông tin như hiện nay…

Hồ Ka Pét cho thấy rõ những thách thức về năng lực truyền thông chính sách. Nó là một trường hợp (case-study) bổ ích không chỉ riêng cho dự án này hay tỉnh Bình Thuận.

Tác giả: Nhà báo Đức Hiển công tác tại báo Pháp luật TP HCM với hơn 25 năm trong nghề.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!