1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làm hồ chứa nước trên 600ha rừng: Vì sao Bình Thuận chưa gửi hồ sơ ĐTM?

Phước Tuần

(Dân trí) - UBND tỉnh Bình Thuận đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) theo biểu mẫu mới sau khi được Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 6 vừa qua.

Theo nguồn tin của Dân trí, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ, báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị phê duyệt ĐTM cho dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

Hồ sơ ĐTM gửi tham vấn cộng đồng cho thấy, dự án hồ chứa nước Ka Pét có chủ đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận được giao làm đại diện chủ đầu tư.

Ngày 7/9, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, đã có báo cáo về vấn đề này.

Làm hồ chứa nước trên 600ha rừng: Vì sao Bình Thuận chưa gửi hồ sơ ĐTM? - 1

Đại diện Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Bình Thuận cùng cơ quan báo chí khảo sát vị trí xây dựng hồ chứa nước Ka Pét ngày 6/9 (Ảnh: Phú Việt).

Bình Thuận hoàn chỉnh nội dung ĐTM theo biểu mẫu mới

Công tác lập hồ sơ báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án hồ chứa nước Ka Pét, UBND tỉnh đã hoàn thành vào tháng 9/2020. Do dự án phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Tháng 6 vừa qua, Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 5 đã thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư nên tháng 7, UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 30/10. Chủ trương đầu tư thay đổi nên Ban Quản lý dự án đang phối hợp với đơn vị tư vấn để tổ chức lập lại hồ sơ báo cáo ĐTM theo quy định.

Hiện UBND tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh nội dung ĐTM theo biểu mẫu mới; lập mô hình đa dạng sinh học, mô hình thủy lực và lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về tác động của việc thực hiện dự án tới đa dạng sinh học. Ngoài ra, UBND tỉnh phải đăng tải tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường; tham vấn cộng đồng dân cư địa phương.

Đến nay công tác đăng tải tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường và tham vấn cộng đồng dân cư địa phương đã thực hiện xong. Đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh các nội dung trong hồ sơ theo Nghị định mới để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. 

Dự kiến quý II/2024 khởi công dự án

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho dự án ngày 28/6.

Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận đã lập dự án đầu tư, trình cơ quan có thẩm quyền là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận cũng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện đang hoàn thiện để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, xem xét, phê duyệt.

Làm hồ chứa nước trên 600ha rừng: Vì sao Bình Thuận chưa gửi hồ sơ ĐTM? - 2

Hồ Ka Pét khi đưa vào sử dụng giúp người dân huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết không còn lo thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu vào mùa khô (Ảnh: UBND Bình Thuận).

Đây là điều kiện đủ về mặt thủ tục để địa phương triển khai các bước tiếp theo như thuê đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế tận dụng lâm sản, đo đạc từng cây, xác định trữ lượng gỗ cần phải khai thác… Sau đó tỉnh Bình Thuận sẽ lập phương án khai thác, đấu giá, lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, phải rất nỗ lực, UBND tỉnh mới có thể hoàn thành dự án theo đúng Nghị quyết của Quốc hội vào năm 2025. Trong đó, thủ tục là tốn nhiều thời gian nhất.

Dự kiến đến Quý II/2024, dự án mới có thể khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trong một năm rưỡi để cấp nước cho dân. 

Từ ngày 19/7 đến 3/8 vừa qua, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường (www.monre.gov.vn) đã công khai toàn văn báo cáo ĐTM dự án này để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

"Việc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ là một trong các hình thức tham vấn ĐTM của dự án. Chủ dự án còn phải thực hiện các hình thức tham vấn khác, sau đó tổng hợp thông tin, tiếp thu, giải trình các vấn đề trước khi gửi hồ sơ tới Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị phê duyệt ĐTM", một nguồn tin cho hay.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ, báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị phê duyệt ĐTM cho dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Dự án cách thành phố Phan Thiết khoảng 22km về phía Tây Bắc, cách TPHCM khoảng 140km về phía Đông. Dự án có tổng mức đầu tư của dự án trên 874 tỷ đồng - so với Nghị Quyết số 93/2019/QH14 đã được Quốc hội phê duyệt, tổng mức đầu tư tăng thêm 288,442 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng.

Làm hồ chứa nước trên 600ha rừng: Vì sao Bình Thuận chưa gửi hồ sơ ĐTM? - 3