Hành trình bóng đá nữ Việt Nam bước ra thế giới
Cuối cùng, thời khắc lịch sử: Quốc thiều Việt Nam (VN) được cử lên tại sân chơi FIFA World Cup bóng đá nữ thế giới 2023 cũng sắp đến. Từ ngày 5/7, đội tuyển bóng đá nữ VN sẽ di chuyển sang New Zealand chuẩn bị cho giải đấu lớn nhất của bóng đá nữ thế giới định kỳ 4 năm một lần. Theo kế hoạch, đội sẽ có hai trận giao hữu với Tây Ban Nha và chủ nhà New Zealand, trước khi bước vào các trận đấu trong khuôn khổ World Cup.
Một "giấc mơ có thật"
Có thể nói hành trình bóng đá nữ VN bước ra thế giới đã bắt đầu cách đây khoảng 3 thập kỷ. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, "chân đế" của cả nền bóng đá nữ VN khi ấy chỉ có vỏn vẹn 2 cái tên, đều ở diện… phong trào: Đội bóng đá nữ Quận 1 của TPHCM và đội "Hoa Học Trò" của Hà Nội.
Vì là "phong trào" nên để duy trì thôi cũng khó khăn vô cùng. Thách thức xuất phát từ chính định kiến xã hội: Con gái mà lại "quần đùi, áo số, mồ hồi dầu" thì còn đâu nhan sắc, còn gì là tuổi xuân! Công đầu để gìn giữ vốn quý ấy phải nhắc tới hai nhà quản lý thể thao xuất sắc: Ông Hoàng Vĩnh Giang (Giám đốc Sở TDTT Hà Nội) và ông Trần Thanh Ngữ (tức "Tư Ngữ" - Giám đốc Trung tâm TDTT Quận 1, TPHCM).
Tới năm 1997, đội tuyển nữ quốc gia lần đầu được thành lập từ chính nòng cốt này. HLV Mai Đức Chung khi ấy đang làm bóng đá nam được biệt phái sang "nắm tạm". Rồi đội giành tấm huy chương đồng SEA Games 19, tạo nên nguồn cảm hứng cho nhiều tỉnh thành khác. Năm 1998, Giải bóng đá nữ quốc gia lần đầu tiên được tổ chức. Bóng đá nữ VN khác biệt ở chỗ ấy: Lập đội tuyển lấy thành tích trước rồi mới có giải quốc gia (ngược với phái nam)!
Nhưng bởi sự đầu tư của các địa phương không "tới" nên nhiều tỉnh mới có đội dự giải quốc gia rồi lại… xịt. Vì các "sếp" muốn có thành tích ngay, trong khi Hà Nội hay TPHCM quá vượt trội (sau thêm Than khoáng sản VN, Hà Nam và Hà Tây đủ sức cạnh tranh). Rút cuộc đến nay, sau 25 năm, giải VĐQG vẫn chỉ có 6-8 đội mỗi mùa. Câu chuyện "vượt khó" của bóng đá nữ cũng dài… nhiều tập!
Nhưng so với khu vực Đông Nam Á, bóng đá nữ Việt Nam thuộc diện phát triển nhanh, lý do bởi các nền thể thao khác ít quan tâm đầu tư, và các cô gái đá bóng của chúng ta cũng chịu khổ… siêu giỏi! Chuyện cầu thủ nữ Việt Nam, người bán nước mía, người bán bánh mì, đã trở nên quen thuộc trên truyền thông.
Ngoài Thái Lan và Myanmar, gần đây thêm Philippines tiến bộ đột biến nhờ chính sách nhập tịch. Nhưng VN vẫn khẳng định vị thế. Sau khi vô địch SEA Games lần đầu năm 2001, tới nay ĐTVN đã lên ngôi 8 lần- một kỷ lục khó xô đổ! Thầy Chung cũng có duyên làm đội tuyển nữ vô địch 6/8 lần ấy, trở thành một "huyền thoại sống" không chỉ của bóng đá nữ nước nhà mà cả thế giới (không có ai gắn bó tới hơn 25 năm với một đội tuyển bóng đá nữ cấp quốc gia như ông).
Trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên bị "cấm vận", cơ hội đã tới với các đội "tuyến 2" châu lục như Thái Lan và VN. Và sau 2 kỳ World Cup lỡ hẹn (2015 và 2019 - cả 2 lần Thái Lan đều giành suất), tuyển nữ VN đã làm nên lịch sử khi lần đầu giành tấm vé dự World Cup, vẫn dưới sự dẫn dắt của thầy Chung. Ban huấn luyện có mặt những nữ cựu tuyển thủ từng giành HCV SEA Games thời đầu, như Kim Hồng ( HLV thủ môn), Kim Chi, Thúy Nga, Minh Nguyệt hay Bích Hạnh… Lứa đàn em, đàn cháu đã thay họ hiện thực hóa giấc mơ World Cup!
Và tháng 7 này, họ sẽ cùng nhau góp mặt tại World Cup 2023, lần đầu sau hành trình 26 năm xây dựng đội tuyển, 25 năm có giải VĐQG. Càng vui hơn khi người hâm mộ sẽ được đồng hành cùng đội tuyển trên sóng truyền hình khi bản quyền phát sóng World Cup đã về tới VN.
Là người làm báo thể thao đã theo suốt hành trình 1/4 thế kỷ ấy của bóng đá nữ Việt Nam, tôi thật sự háo hức mong chờ những trận đấu ở giải đấu đỉnh cao nhất thế giới, với một trang sử mới của bóng đá nữ nước nhà. Quốc thiều Việt Nam sắp vang lên tại sân chơi lớn nhất thế giới, một "giấc mơ có thật"!
Đằng sau họ là cả triệu con tim người hâm mộ...
Tại giải đấu đỉnh cao của bóng đá nữ thế giới 2023, tuyển nữ Việt Nam nằm ở bảng E (thi đấu tại New Zealand), lần lượt gặp Mỹ (đương kim vô địch thế giới - ngày 22/7), Bồ Đào Nha (27/7) và Hà Lan (đương kim á quân thế giới - ngày 1/8). Dù biết rằng đội tuyển của chúng ta sẽ gặp các đối thủ cực mạnh có đẳng cấp vượt trội (đặc biệt là Mỹ và Hà Lan), cơ hội giành chiến thắng và tiến sâu giải vô cùng khó khăn, song đông đảo người hâm mộ Việt Nam tin tưởng vào các tuyển thủ và hy vọng họ sẽ tạo nên bất ngờ nào đó.
Trong quá trình chuẩn bị cho World Cup, đội tuyển đã vừa có một chuyến tập huấn rất chất lượng tại châu Âu, với các CLB của Đức, Ba Lan cùng 2 trận gặp U23 Ba Lan và tuyển Đức (đội đang xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng của FIFA). Và trong trận gặp đội tuyển Đức mới đây, các cô gái của chúng ta đã thi đấu cực kỳ ngoan cường, chỉ chịu thua với tỷ số sát nút 1-2; bàn thắng duy nhất ghi được từ một pha xử lý đậm chất kỹ thuật, vô cùng mạnh mẽ cùng với cú dứt điểm đầy đẳng cấp của Thanh Nhã. Bàn thắng này khiến dư luận quốc tế phải xôn xao và hàng thủ tuyển Đức chịu "cơn mưa chỉ trích" vì đã không thể kèm nổi chân sút của chúng ta.
Trở lại với các đối thủ tại World Cup kỳ này, Mỹ đang giữ vị thế "độc tôn" với 4 lần vô địch (trong đó có 2 lần liên tiếp gần nhất vào các năm 2015 và 2019), một lần á quân và 3 lần đứng thứ 3 trong 8 lần góp mặt. Thế nên, chỉ gây được khó khăn cho họ phần nào thôi cũng sẽ là thử thách gian nan lắm rồi. Đội bóng châu Âu Hà Lan tuy mới 2 lần dự World Cup, nhưng cũng đã mau chóng xác lập vị thế hàng đầu thế giới của mình (hiện xếp hạng 8 của FIFA) khi giành ngôi Á quân năm 2019. Nói cách khác, đây cũng là đối thủ mạnh vượt trội so với Việt Nam.
Đối thủ được cho là "khả dĩ" nhất chính là Bồ Đào Nha, đại biểu cũng đến từ châu Âu giành vé tham dự bằng "cửa phụ". Dù vậy, không phải tự nhiên mà Bồ Đào Nha đang xếp hạng 21 thế giới (hơn Việt Nam 11 bậc), họ có điều kiện hơn chúng ta rất nhiều, trong đó đội tuyển quốc gia được tuyển chọn từ giải VĐQG chuyên nghiệp gồm 12 CLB (ngay cả CLB Lank mà đội trưởng Huỳnh Như đang thi đấu cũng không có ai được góp mặt). Dù sao, trận gặp Bồ Đào Nha cũng được xem là nhiều hy vọng có điểm nhất của thầy trò HLV Mai Đức Chung.
Khó khăn, thử thách trong lần đầu ra "biển lớn" cực lớn. Nhưng rất mong các nữ tuyển thủ Việt Nam sẽ vào trận với tinh thần và ý chí quyết tâm cao độ, bởi sau lưng họ là cả triệu người hâm mộ đang dõi theo hàng ngày, hàng giờ. Khoan hãy bàn tới thắng - thua, chỉ cần tạo nên những trận cầu hay tại đấu trường World Cup cũng là tuyệt lắm rồi. Vả chăng, thể thao vốn luôn tiềm ẩn những bất ngờ thú vị, nên biết đâu đấy…
Tác giả: Nhà báo Doãn Hữu Bình hiện là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao); Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, Ủy viên BCH Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam; thành viên Ban truyền thông của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Ông Bình nguyên là Trưởng Ban phóng viên Báo Thể thao TPHCM, đồng tác giả sách Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!