Bóng đá Việt Nam và "VAR"
Thông tin về việc nhóm 18 trọng tài bóng đá Việt Nam đầu tiên được thực hành với công nghệ VAR (Video Assistant Referee - trọng tài hỗ trợ video), chuẩn bị áp dụng vào các trận đấu tại V-League thật sự rất đáng chú ý. Tất nhiên, đấy mới chỉ là một bước tiếp theo trên hành trình đưa VAR vào bóng đá Việt Nam, nhưng nó cũng mang ý nghĩa đánh dấu một bước chuyển quan trọng hướng tới hiện thực hóa "giấc mơ VAR của bóng đá Việt"...
Vì sao cần VAR?
Trước tiên, cần xem lại lịch sử sự ra đời của VAR trong bóng đá thế giới để hiểu hơn về phương thức ứng dụng công nghệ vào công tác trọng tài bóng đá này.
Ngọn nguồn của nó vốn xuất phát từ vô vàn những tranh cãi đến từ thực tiễn các giải bóng đá trên thế giới. Trong đó, ngay tại đấu trường lớn nhất, nơi tập hợp những trọng tài giỏi nhất của bóng đá thế giới như World Cup thì vẫn có rất nhiều trường hợp sai sót của trọng tài hay trợ lý trọng tài - những người "cầm cân nảy mực", nắm giữ "cán cân công lý" của cuộc chơi, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của không chỉ một trận đấu mà thậm chí tới cả một giải đấu.
Pha ghi bàn với "bàn tay của Chúa" do huyền thoại Diego Maradona trong trận tứ kết với tuyển Anh đã góp phần quan trọng đem về ngôi vô địch thế giới cho tuyển Argentina năm 1986 là ví dụ điển hình. Một Maradona tuy thiếu "thước tấc" nhưng khi bật cao, sử dụng thêm bàn tay với lên cùng với động tác như thể đánh đầu để đưa bóng vào lưới thủ thành Peter Shinton đã vừa đủ để qua mắt trọng tài. Nếu có VAR - công nghệ giúp trọng tài xem xét lại tình huống ấy thì bàn thắng đã không được công nhận, Maradona đã lĩnh ít nhất một thẻ vàng, và biết đâu kết quả trận đấu cũng đã khác!
Trong trận tứ kết World Cup 2002, nếu trợ lý trọng tài không mắc sai sót lớn khi cho rằng Fernando Morientes đã việt vị trong tình huống ghi bàn vào lưới Hàn Quốc ở phút bù giờ thứ 2 thì có lẽ chính Tây Ban Nha mới là đội tiến vào bán kết, và không ai dám chắc liệu Brazil cuối cùng có phải nhà vô địch hay không…
Không thể kể ra hết các quyết định xử lý bất công tương tự đã được các trọng tài đưa ra trong các trận đấu quan trọng tại World Cup hay các giải đấu lớn như UEFA Champions League, các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, chưa nói tới đấu trường như V-League của chúng ta. Mọi thứ trở thành "cơm bữa", đến nỗi cả lãnh đạo FIFA hay hiệp hội trọng tài thế giới đều từng cho rằng "sai sót của trọng tài là bình thường", là "một phần của cuộc chơi".
Nhưng có một điều chắc chắn, các quan chức của FIFA cũng như các nhà tổ chức của các sự kiện bóng đá lớn khắp hành tinh đều ngày càng thấy rõ hơn bất cập: Những cố gắng nâng cao chất lượng của trọng tài không đủ bù đắp cho nguy cơ xảy ra sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng tới trận đấu, giải đấu và tới chính uy tín mà họ dày công xây dựng. Nên cuối cùng, VAR đã ra đời.
Ý tưởng của VAR khá đơn giản: Cho phép trọng tài sử dụng công nghệ video để xem xét lại 1 tình huống gây tranh cãi nào đó trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Khi sai sót bị phát hiện và sửa chữa kịp thời, đương nhiên sẽ có lợi cho tất cả: Trọng tài đỡ rơi vào khả năng bị kỷ luật, bị chỉ trích và phê phán; các nhà tổ chức tránh được nguy cơ trọng tài cố tình làm sai trong trường hợp họ bị tác động bởi các "nhà cái" (muốn thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho tổ chức cá độ bóng đá của họ); các trận đấu, giải đấu được đảm bảo tính công bằng hơn; các đội bóng yên tâm thi đấu hơn; và đương nhiên, người hâm mộ sẽ bớt đi sự ấm ức vì đội nhà bị… xử ép.
Trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên áp dụng VAR vào tháng 9/2016 tại giải vô địch quốc Hà Lan giữa 2 CLB là Ajax và Willem. Giải quốc tế lớn đầu tiên dùng VAR là World Cup các CLB thế giới 2016. Và sân chơi đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới - World Cup 2018 chính là kỳ đầu tiên đưa VAR vào áp dụng. Trong khi ấy, người hâm mộ bóng đá Việt Nam hẳn cũng đã quen với cảnh các trọng tài "check VAR" tại giải Ngoại hạng Anh từ 2019 đến nay…
VAR sẽ góp phần nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam
Có một thực trạng mà giới bóng đá Việt Nam đều biết rõ: Nhiều cầu thủ bóng đá Việt Nam không chỉ được đào tạo kỹ năng chuyên môn bóng đá đơn thuần mà cả những… mánh lới để qua mắt trọng tài ngay từ khi còn là các cầu thủ trẻ.
Nguyên nhân chính xuất phát từ "bệnh thành tích" nặng nề. Lâu dần thành thói quen, và cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, họ cũng đồng thời trở nên láu cá, khôn lanh hơn khi bước lên các đấu trường lớn như V-League hay giải Hạng Nhất quốc gia. Một thực trạng nữa: Trình độ của các trọng tài quốc gia (nhiều người thực tế chỉ làm công tác trọng tài một cách nghiệp dư), thậm chí dường như không theo kịp với sự phát triển của bóng đá.
Đó là chưa đề cập tới những hình thức tiêu cực, tác động tới trọng tài bằng nhiều cách khác nhau… Bởi vậy, các sai sót tại V-League hay các giải bóng đá quốc gia khác cũng xảy ra với mật độ nhiều, ảnh hưởng tới kết quả của nhiều trận đấu, giải đấu trong suốt thời gian qua. Giải pháp thuê trọng tài ngoại được đưa ra trên thực tế cũng chỉ để giải quyết "phần ngọn" (một số trận quan trọng, phức tạp), thậm chí mang tính… trấn an tâm lý các đội bóng nhiều hơn (có những trọng tài chưa chắc giỏi hơn trọng tài Việt Nam, nhưng họ mang tính… trung lập cao hơn, ít bị tác động bởi các yếu tố ngoài chuyên môn hơn).
Áp dụng VAR chính là giải pháp cần thiết, đã được thực tiễn bóng đá thế giới chứng minh tính hiệu quả. Và khi những kinh nghiệm sử dụng VAR ngày càng phong phú, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã đúc kết thành cả một hệ thống quy định và hướng dẫn bài bản, thì đã đến lúc bóng đá Việt Nam cũng cần từng bước hiện thực hóa "giấc mơ VAR".
Nhưng để áp dụng được VAR vốn không đơn giản. Cần ít nhất 8 góc máy quay có khả năng làm chậm khác nhau được tích hợp trong hệ thống phòng điều khiển VAR (thiết lập tại sân hoặc trên 1 chiếc "xe VAR").
Trong phòng VAR sẽ cần có các trọng tài chuyên trách, sẵn sàng lập tức phân tích tình huống. Tín hiệu của trọng tài trong phòng điều khiển được kết nối với màn hình tại sân (để trọng tài chính có thể xem lại tình huống), và cần xem xét lại tình huống, yêu cầu sẽ được chuyển tới trọng tài chính.
Như vậy, để thực hiện VAR ở mỗi trận đấu, cần thiết lập cả một hệ thống từ các máy quay góc cao, màn hình, phần mềm, đường cáp tín hiệu, nhân lực kỹ thuật, trọng tài VAR… Trên tất cả, chính là để áp dụng hệ thống này, cần có đội ngũ trọng tài đủ trình độ vận hành, am hiểu tất cả các tính chất đặc thù cũng như quy tắc vận dụng… Ước tính để làm được điều ấy, cần tối thiểu vài chục tỷ đồng cho mỗi một mùa bóng, mức đầu tư quá lớn với điều kiện thực tế của VPF (công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - nhà tổ chức của V-League và các giải chuyên nghiệp khác).
Cơ hội hiện thực hóa VAR chỉ tới khi VPF bán được bản quyền V-League trong thời hạn ít nhất là 5 mùa tiếp với giá trị cao cho FPT Play. Và trong hơn 3 tháng qua, đội ngũ 18 trọng tài đầu tiên đã được trải qua quá trình đào tạo rất kỹ lưỡng, qua nhiều bước bởi các giảng viên FIFA. Trước mắt, họ đã bắt đầu thực hành những gì được học trong các trận đấu không chính thức dưới sự theo dõi của Ban trọng tài FIFA cho tới khi được cấp bằng trọng tài VAR quốc tế để có thể làm nhiệm vụ tại V-League.
Có thể hình dung, hành trình đưa VAR vào bóng đá Việt Nam đã đi được khoảng 2 phần 3 chặng đường. Và nếu mọi thứ suôn sẻ, thì tới V-League 2023-2024, chúng ta sẽ được chứng kiến các trận đấu áp dụng VAR ngay tại đấu trường bóng đá quốc nội. Điều này sẽ giúp các trọng tài được "giải phóng" khỏi áp lực tâm lý sợ sai sót, tự tin hơn khi làm nhiệm vụ. Các đội bóng cũng bớt đi những mối băn khoăn về "gốc gác" của trọng tài.
Ban tổ chức giải đương nhiên sẽ bớt mối lo phải kỷ luật trọng tài bất đắc dĩ đến mức có thể thiếu người làm nhiệm vụ. Khán giả hâm mộ, nhà tài trợ cũng sẽ đến với bóng đá Việt Nam với tâm thế thoải mái hơn.
Với rất nhiều điều hứa hẹn ấy, chúng ta hãy cùng tiếp theo dõi và chờ sự kiện hệ thống VAR chính thức được sử dụng trên sân cỏ Việt, tại một giải đấu chính thức!
Tác giả: Nhà báo Doãn Hữu Bình hiện là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao); Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, Ủy viên BCH Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam; thành viên Ban truyền thông của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Ông Bình nguyên là Trưởng Ban phóng viên Báo Thể thao TPHCM, đồng tác giả sách Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!