Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Dùng trí tuệ nhân tạo làm bài tập: Đèn đỏ và đèn xanh

Sử dụng AI - phổ biến là Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh - hiểu một cách đơn giản là những ứng dụng AI giúp người dùng dễ dàng tạo ra nội dung mới), trong không gian lớp học không còn là điều mới mẻ. Nhưng càng ngày việc này càng đặt ra những vấn đề không dễ có câu trả lời trong giáo dục. Mới đây một sinh viên ở trường cao đẳng tại TPHCM đã bị giáo viên cho 0 điểm với lý do sử dụng AI khi làm bài thi môn học màu sắc, ngành thiết kế đồ họa, và không có khả năng chỉnh sửa bài theo hướng dẫn của giảng viên.

Sự việc đã có những diễn biến đáng tiếc xuất phát từ câu chuyện nêu trên. Và rồi bài thi của sinh viên được trường tiến hành chấm lại, kết quả 5 điểm, qua môn. Ở đây tôi chỉ bàn đến một khía cạnh trong sự việc là sử dụng AI trên giảng đường.

Thời điểm Generative AI với công cụ ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022, thế giới đã chứng kiến những cuộc tranh luận gay gắt về việc học sinh, sinh viên được dùng những công cụ này như thế nào. Khi tôi qua Mỹ du học, gần như trong tất cả môn học, giáo viên đều dành thời gian buổi đầu để đưa ra những quy định về việc sử dụng Generative AI. 

Dùng trí tuệ nhân tạo làm bài tập: Đèn đỏ và đèn xanh - 1

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra những vấn đề không dễ có câu trả lời trong giáo dục (Ảnh minh họa: Grok)

Các ứng dụng AI có thể làm toán, viết văn, phân tích dữ liệu, tạo hình ảnh… đặt người học và người dạy đứng trước những câu hỏi mang tính phổ quát hơn một việc vốn quen thuộc trước đây là "hỏi google". Đó là: Chúng ta có đạo văn không khi sử dụng ChatGPT? Generative AI có làm xói mòn khả năng sáng tạo của con người? Đâu là ranh giới giữa việc nên và không nên sử dụng Generative AI?

Không chỉ đặt mình ở vị thế của người học, trong nội dung môn "How to teach college students" (Làm sao để dạy sinh viên đại học) tôi theo học với mục tiêu trở thành giảng viên đại học, giáo viên dành riêng một bài chỉ để nói về câu chuyện, nếu là một giảng viên, chúng ta có cho phép sinh viên sử dụng Generative AI không và việc cho phép tới đâu?

Như rất nhiều vấn đề tranh luận khác, khi Generative AI vẫn còn là một câu chuyện mới mẻ, rất khó để cho ra một bài toán ngã ngũ về việc nên hay không nên. Đặt mình vào vai trò của một giảng viên, chúng tôi nên làm thế nào?

Tôi vẫn nhớ mô hình chúng tôi được tiếp cận mang tên "Generative AI Decision Tree" (Tạm dịch: Cây đưa ra quyết định trong việc sử dụng Generative AI). Mô hình này đưa cho sinh viên những câu hỏi để biết được mình có thể sử dụng Generative AI tới đâu.

Câu hỏi đầu tiên và cơ bản nhất với sinh viên: Tôi có được sử dụng công cụ AI để làm bài tập này không? Quy tắc đèn giao thông được áp dụng trong các cân nhắc: Đỏ là hoàn toàn không được dùng, Vàng là được dùng trong một số nội dung cụ thể, Xanh là khuyến khích sử dụng.

Nếu câu trả lời là không (theo quy định của giảng viên), sinh viên không được phép sử dụng bất cứ công cụ AI nào trong việc học. Nguyên tắc cơ bản ở đây là tôn trọng quy định của giảng viên và lớp học. Nếu giảng viên đã quyết định không cho phép sinh viên sử dụng AI và sinh viên cũng cam kết không sử dụng, điều này phải được tôn trọng.

Tranh luận về lợi ích của Generative AI sẽ có rất nhiều quan điểm, nhưng trong môn học và trường hợp cụ thể, giảng viên là người quyết định sinh viên nên hay không nên sử dụng các ứng dụng AI. Nghĩa là khi giảng viên đã đưa ra quy định, sinh viên đã cam kết thì các em phải tuân thủ để tiếp nhận kiến thức cũng như thực hành theo bài giảng của giáo viên và để đảm bảo công bằng.

Trường hợp câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là "có", sinh viên được phép sử dụng công cụ AI để làm bài tập, thì không phải đã xong mà còn phải làm rõ sinh viên sẽ sử dụng AI như thế nào. Với mô hình "Decision Tree", chúng tôi sẽ tiếp tục chia nhỏ câu hỏi ra để việc dùng Generative AI rõ ràng hơn. 

Câu hỏi thứ hai: Tôi có được sử dụng câu lệnh với các nguyên tắc phù hợp để làm dữ liệu đầu vào cho Generative AI? Hiểu câu hỏi này đơn giản là giáo viên có cho phép sinh viên sử dụng các ứng dụng như Chat GPT để nhập câu hỏi và ChatGPT sẽ đưa ra câu trả lời.

Nếu câu trả lời là không, sinh viên không được dùng các ứng dụng AI cho kết quả dạng "hỏi - đáp". Xin nói thêm là các ứng dụng này thường rất dễ sử dụng và kết quả trả về rất tốt với sự phát triển của AI hiện nay. Nếu câu trả lời là có, sinh viên có thể tiếp tục sử dụng AI bằng câu lệnh của mình.

Câu hỏi thứ ba: Sinh viên có đang sử dụng chiến lược "EDIT" để phân tích kết quả AI trả về cho mình không? EDIT là viết tắt của 4 từ tương ứng với 4 tác vụ sinh viên cần làm khi nhận kết quả từ Generative AI, bao gồm: Evaluate (đánh giá kết quả trả về), Determine (quyết định xem nội dung có mức độ chính xác và nguồn thông tin ra sao), Identity (xác định các lỗi và thông tin sai trong nội dung), và Transform (điều chỉnh nội dung thay đổi cho phù hợp).

Nếu sinh viên có sử dụng chiến lược "EDIT", các bạn có thể tiếp tục tới bước tiếp theo. Nếu không, sinh viên cần dừng việc sử dụng công cụ AI ở đây. Câu hỏi này nhằm nhấn mạnh việc kể cả có sử dụng Generative AI, sinh viên cần phải đọc và đánh giá thông tin kỹ lưỡng vì ứng dụng vẫn có thể mắc lỗi hay thông tin sai.

Câu hỏi bốn: Sinh viên có chuẩn bị để thuyết minh cũng như giải thích mình đã sử dụng AI như thế nào không?

Nếu sinh viên không có ý định minh bạch trong việc sử dụng AI, sinh viên sẽ không được sử dụng AI trong việc học. Nếu có, các bạn có thể đi tới câu hỏi cuối cùng.

Câu hỏi năm: Sinh viên có thường xuyên cân nhắc, suy nghĩ kỹ về việc sử dụng AI hay không?

Đây là câu hỏi cũng khó định lượng nhưng quan trọng. Việc sử dụng Generative AI đôi khi sẽ dẫn đến sự ỉ lại, thiếu sáng tạo. Nếu sinh viên sử dụng, các em có bao giờ tự hỏi bản thân về tần suất phù hợp hay nên sử dụng trong những công việc gì? Nếu câu trả lời cho câu hỏi này là không, các em cũng không nên dùng Generative AI. 

Nếu câu trả lời có, chúc mừng các bạn đã được "bật đèn xanh" để sử dụng AI.

Những câu hỏi trên là cách để người giảng dạy như chúng tôi đưa ra các quy định và gợi ý cho sinh viên với việc sử dụng AI, cũng như cho giảng viên biết điều gì cần chú trọng nếu sinh viên sử dụng AI trong lớp học. 

AI cũng như mọi công cụ khác sẽ luôn tồn tại hai mặt. Chúng ta hào hứng với một công cụ mới, không có nghĩa là bỏ qua các bước cân nhắc để làm sao sử dụng tốt nhất, phát huy điểm mạnh và loại trừ những hạn chế. Quyết định của giảng viên sẽ là lựa chọn cuối cùng trong các không gian lớp học và cần tuân thủ. 

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!