Tâm điểm
Ngô Di Lân

Con người ở đâu trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Tốc độ phát triển thần tốc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến nhiều người lo lắng. Chỉ trong vòng 18 tháng kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022, nay đã có các phần mềm AI có khả năng "nghe", "nhìn", sáng tạo nội dung và trò chuyện tự nhiên không kém gì con người. Gần như trong mọi lĩnh vực đều đã xuất hiện những sản phẩm AI chuyên dụng, từ giáo dục cho tới an ninh quốc phòng. Nếu tiếp tục đà này, liệu con người có còn chỗ đứng trong thế giới mà mình đã gây dựng nên hay không? Liệu sự phát triển không ngừng của AI có khiến chúng ta trở nên "vô tích sự"?

Là người theo "trường phái lạc quan" về công nghệ, tôi tin rằng trong tương lai không xa, trí tuệ của máy hoàn toàn có thể vượt trí tuệ con người, ít nhất trên một số phương diện quan trọng. Sớm muộn chúng ta sẽ có những cỗ máy xử lý được gần như mọi tác vụ tốt hơn con người. Chúng sẽ chẩn đoán được bệnh sớm và chính xác hơn chúng ta, thiết kế và thi công các dự án cầu đường một cách thấu đáo và an toàn hơn, thậm chí là "sáng tác" được cả những bản nhạc khiến các nhạc sĩ chuyên nghiệp phải ghen tị. Nhưng tôi cũng tin rằng con người luôn có chỗ đứng trong một thế giới ngập tràn AI bởi có những thứ máy không thể làm thay con người. 

Con người ở đâu trong thời đại trí tuệ nhân tạo - 1

Hình ảnh nhà hàng với đội ngũ nhân viên từ người phục vụ tới bếp trưởng hoàn toàn là robot (Ảnh do AI tạo)

Thứ nhất, không một cỗ máy hay phần mềm nào, dù thông minh đến mấy, có thể trải nghiệm thay chúng ta. Hãy lấy một ví dụ từ lĩnh vực ẩm thực. Trong tương lai, hoàn toàn có thể hình dung ra những nhà hàng 3 sao Michelin với đội ngũ nhân viên từ người phục vụ tới bếp trưởng hoàn toàn là robot. Các món ăn tại đây có thể được bày biện đẹp đẽ và chế biến công phu không kém gì những tuyệt tác ẩm thực từ bàn tay của những đầu bếp trứ danh như Alain Ducasse hay Marco Pierre White.

Nhưng hiển nhiên là AI không thể ăn thay chúng ta. Dù cho AI có "nếm thử" món ăn và mô tả lại một cách hấp dẫn như các vlogger (người tạo nội dung video trên mạng xã hội) chuyên nghiệp, thì đó vẫn chỉ là những nhận định khách quan, máy móc. Trải nghiệm ẩm thực vốn là một chuỗi cảm xúc rất riêng tư, một cuộc "đối thoại" giữa thực khách và món ăn. Nó gắn liền với ký ức, với tâm trạng và cả hoàn cảnh thưởng thức. "Đừng bao giờ uống rượu bằng miệng lưỡi của kẻ khác", một người bạn chủ quán bar vẫn hay nói vui với tôi như vậy. Trải nghiệm trực tiếp và chủ quan của mỗi người, dù là tốt hay xấu, tự thân đã chứa những giá trị mà không gì có thể tái tạo hay thay thế được. Đó là lý do vì sao trong một thế giới tràn ngập AI, những trải nghiệm cá nhân của chúng ta vẫn giữ nguyên được giá trị.

Thứ hai, chính vì AI được thiết kế để hướng tới sự "hoàn hảo" trong mọi thao tác nên sẽ khó tạo ra được sự kịch tính mà con người vẫn luôn yêu thích, đặc biệt là trong thể thao. 20 năm tới, có thể chúng ta sẽ bắt đầu được xem những trận cầu giữa hai đội bóng người máy. Các cầu thủ AI sẽ liên tục thực hiện những đường chuyền đã được tính toán tối ưu, điều chỉnh chiến thuật nhanh chóng một cách hợp lý, và tung ra được những cú sút gần như luôn trúng khung gỗ. Hai đội bóng sẽ luôn cân tài cân sức và gần như mọi trận đấu sẽ kết thúc với tỉ số hòa. 

Những trận đấu như vậy dù hoàn hảo về mặt kỹ thuật nhưng sẽ mất đi "linh hồn" của nó. Những ai yêu môn thể thao vua có lẽ đều nhớ trận chung kết Champions League huyền thoại giữa Liverpool và AC Milan năm 2005. Liverpool, khi đó bị dẫn trước với tỷ số 3-0 không tưởng vào giờ nghỉ giải lao, đã thực hiện một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục để gỡ hòa chỉ trong vỏn vẹn 6 phút và cuối cùng giành chiến thắng sau loạt đá luân lưu hết sức gay cấn.

Hình ảnh của đội trưởng Gerrard tuy kiệt sức nhưng vẫn quyết tâm, hăng hái động viên các đồng đội. Sự hân hoan của các cổ động viên Liverpool khi đội bóng của họ từng bước lội ngược dòng. Nỗi tuyệt vọng và bàng hoàng của các cầu thủ AC Milan khi đánh mất lợi thế dẫn trước chỉ trong một tích tắc. Chính những diễn biến bất ngờ đến từ nỗ lực quyết tâm cũng như những sai lầm rất đỗi con người, chứ không phải sự hoàn hảo về kỹ thuật, mới là điều khiến cho một trận đấu như vậy trở nên khó quên. Vì lẽ đó, ngày nào các khán giả còn khao khát sự kịch tính, ngày đó con người vẫn còn có chỗ đứng.

Cuối cùng, AI dù phát triển đến mấy cũng không thể thay thế chúng ta bởi có những việc làm, hành động sẽ chỉ có giá trị nếu được thực hiện bởi con người. Hãy thử tưởng tượng một người mẹ đang mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ còn sống được ít ngày nữa. Trong thời gian này, điều bà cần nhất có lẽ không phải là một người chăm sóc với chuyên môn y tế xuất sắc, mà là tình yêu thương và sự đồng hành từ chính những người thân của mình.

Đúng là một y tá AI có thể chăm lo cho bà về mặt thể chất, đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt tốt hơn so với đa số những người chăm sóc khác. Nhưng AI không thể chia sẻ những nỗi sợ hãi, sự lo lắng và những điều hối tiếc của bà trước cái chết đang dần ập đến. AI không thể cùng bà hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp, như ngày đầu tiên cậu con trai vào lớp 1. Ở thời khắc ấy, bà sẽ muốn nắm tay đứa con của mình, chia sẻ với cậu ấy cảm xúc của bà khi nhìn thấy đứa con khôi ngô tuấn tú, tràn ngập sự hồn nhiên và háo hức khi được mẹ dắt tay đến lớp ngày đầu tiên đi học.

AI cũng không thể cùng bà "ôn lại" những lần hai mẹ con cự cãi. Có lần trong cơn nóng giận, bà đã buột miệng nói với con trai mình rằng "Mày cứ đánh điện tử cho lắm vào, sau này chỉ có ăn bám gia đình thôi." Bà vẫn còn day dứt vì điều đó, vẫn muốn xin lỗi và mong con bỏ qua cho dù bao năm đã trôi qua. Trong trường hợp đó, chỉ duy nhất sự chia sẻ và thấu cảm từ người con trai mới có thể "giải thoát" cho người mẹ khỏi cảm giác tội lỗi đó. Và AI càng không thể mang đến cho bà cảm giác bình yên khi được yêu thương vô điều kiện. Chỉ có con trai bà, với tất cả sự vụng về nhưng đong đầy tình thương dành cho mẹ, mới giúp bà nhận ra rằng mình đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đầy ý nghĩa.

Có thể thấy rằng AI dù phát triển đến mấy cũng khó có thể khiến loài người sẽ trở nên "vô dụng". Sẽ luôn có những khía cạnh mà AI không thể vượt trội hơn con người và có những công việc nó không thể làm thay chúng ta mà vẫn giữ được trọn vẹn ý nghĩa. Con người sẽ phải chấp nhận chia sẻ thế giới này và chung sống hòa bình với một thứ máy móc ngày càng trở nên thông minh hơn. Nhưng chúng ta, những sinh vật có khả năng cảm nhận sâu sắc, sáng tạo, và yêu thương vô điều kiện sẽ luôn có chỗ đứng trong một thế giới ngập tràn AI.

Tác giả: Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ). Các mối quan tâm nghiên cứu chính của anh bao gồm: an ninh quốc tế, xung đột vũ trang, tác động của AI đối với quan hệ quốc tế và các ứng dụng của AI trong hoạch định chiến lược & chính sách an ninh quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!