Việt Nam trước làn sóng trí tuệ nhân tạo
Với chỉ hơn 400.000 đồng/tháng là một người dùng ở Việt Nam đã có có thể sử dụng ChatGPT Plus. Sau chỉ chưa đầy một năm kể từ khi ra mắt công chúng, ChatGPT phiên bản trả phí nay đã có khả năng truy cập Internet để tìm kiếm thông tin, kết nối với các phần mềm (plugin) bên ngoài để xử lý nhiều tác vụ đa dạng như sản xuất đồ họa, tóm tắt clip YouTube, và đặt vé máy bay, tất cả chỉ trong một ứng dụng. Viễn cảnh về "trí tuệ nhân tạo phổ quát" (AGI) dường như không còn xa vời nữa khi những phần mềm như ChatGPT đã có khả năng tư duy và hành xử trên nhiều phương diện không thua kém gì con người.
Sự tiến bộ vượt bậc và không ngừng của công nghệ AI là lý do vì sao các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, mới đây đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh AI đầu tiên tại Anh Quốc. Ngoài ra, có nguồn tin cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng cam kết cấm đưa AI vào trong một số ứng dụng quân sự khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới ở San Francisco.
Như sử gia Yuval Harari đã từng bình luận trên The Economist, đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người sáng chế ra một thứ "công nghệ có khả năng tư duy" và do đó, ít nhất trên lý thuyết, có thể hành xử một cách độc lập, thậm chí là làm trái lại mệnh lệnh của con người. Điều này khiến một nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát trí tuệ nhân tạo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ba bài toán lớn
Kiểm soát AI là một vấn đề phức tạp bởi nó là một dạng công nghệ lưỡng dụng, tức vừa có ứng dụng dân sự lẫn quân sự, lại có nhiều điểm tích cực lẫn rủi ro rất lớn. Trên thực tế, để kiểm soát được AI, cộng đồng quốc tế sẽ phải giải quyết gần như song song cả 3 bài toán sau:
Bài toán thứ nhất là làm thế nào để có thể hưởng thụ tối đa thành quả từ việc phát triển AI, mà vẫn đảm bảo rằng công nghệ này nằm dưới sự kiểm soát của con người.
Kịch bản "AI nổi loạn" xảy ra khi các hệ thống AI bắt đầu có những cách hành xử và tư duy vượt xa sự hiểu biết và khả năng kiểm soát con người, có khả năng dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Khi các hệ thống AI ngày càng trở nên phức tạp, xác suất chúng đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động ngoài ý muốn của những người tạo ra chúng ắt sẽ tăng lên. Không thể loại trừ khả năng một ngày nào đó ChatGPT chủ động "lái" người dùng theo ý của nó thông qua các câu trả lời, âm thầm thổi phồng một số định kiến và hiểu lầm, khiến cho một số nhóm người trở nên thù hằn lẫn nhau.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong vô vàn các khả năng. Vì những tác động xấu từ AI vẫn ít hơn đáng kể so với những tiềm năng tạo ra của cải, vật chất của nó nên chúng ta sẽ muốn vừa kiểm soát những mặt hại, vừa thúc đẩy những mặt lợi thay vì cấm nó một cách tuyệt đối.
Bài toán thứ hai là làm thế nào để đảm bảo AI được dùng chủ yếu cho các mục đích tốt, đồng thời giảm thiểu xác suất nó được sử dụng để tạo ra các cỗ máy siêu chiến tranh.
Kể cả khi AI không vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người, chúng ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ công nghệ này tiếp tay cho các thế lực hiếu chiến nói chung và các nhóm khủng bố vũ trang nói riêng. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi một hệ thống vũ khí được trang bị AI gần như chắc chắn sẽ tiêu diệt mục tiêu với hiệu suất cao hơn một hệ thống thông thường. Giải bài toán thứ hai khó ở chỗ không phải lúc nào ranh giới giữa ứng dụng quân sự và phi quân sự cũng rõ ràng. Hiển nhiên việc cho phép máy bay không người lái AI tự tìm và bắn hạ mục tiêu là ứng dụng quân sự, song việc đưa AI vào dây chuyền ra quyết định của một bộ máy chính trị thì chưa chắc đã vượt quá "lằn ranh đỏ" quân sự.
Bài toán thứ ba và quan trọng không kém là làm thế nào để có thể vừa khuyến khích sự phát triển của công nghệ AI, vừa ngăn cho không quá nhiều quyền lực tập trung vào một số tập đoàn công nghệ hoặc một số cường quốc.
Câu hỏi hóc búa này tập trung vào nguy cơ độc quyền trong quá trình phát triển và kiểm soát AI. Khi AI đã trở thành một yếu tố then chốt trong an ninh quốc gia, của sức mạnh kinh tế và quản trị xã hội, hoàn toàn có nguy cơ một số quốc gia hoặc tập đoàn hùng mạnh sử dụng thế độc quyền công nghệ AI để o ép, chi phối các chủ thể yếu hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến cán cân quyền lực theo hướng bất lợi cho các nước nhỏ và tầm trung.
Tuy nhiên, những đối tượng dễ có khả năng độc quyền nhất lại đang là các đầu tàu về AI. Do đó chúng ta sẽ buộc phải làm sao để vừa tạo điều kiện cho họ phát triển loại công nghệ có tính cách mạng này, nhưng đồng thời không để khoảng cách quyền lực, giàu nghèo giữa các quốc gia không bị nới rộng quá mức.
Kiểm soát AI: thuận lợi và thách thức
Một yếu tố thuận lợi cho việc quản trị AI là công nghệ này hiện vẫn ở giai đoạn tương đối sơ khởi và sẽ còn cần thêm ít nhất 3-5 năm để "trưởng thành". Giai đoạn này tuy không còn quá sớm song vẫn kịp thời để kiểm soát quỹ đạo phát triển AI trước khi nó đã đi theo một chiều hướng không thể đảo ngược. Việc các quốc gia chủ động hợp tác để thiết lập các chuẩn mực đạo đức, tiêu chuẩn an toàn và khung pháp lý AI sẽ giảm thiểu khả năng công nghệ này phát triển theo những cách đi ngược lại các giá trị phổ quát của nhân loại.
Một điểm hứa hẹn nữa là việc ngày càng nhiều quốc gia đang thừa nhận tầm quan trọng của cách tiếp cận đa phương trong quản trị AI. Sự đồng thuận này, đặc biệt giữa các cường quốc hàng đầu, tạo động lực quan trọng cho những nỗ lực hợp tác thực chất trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và hiệp ước quốc tế, ví dụ một thỏa thuận Mỹ-Trung về sử dụng AI trong quân sự sẽ tương tự như thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mà Mỹ và Liên Xô từng ký kết trước đây.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước do luôn có khoảng cách đáng kể giữa ý tưởng và triển khai thực tế. Quá trình chuyển đổi từ mong muốn kiểm soát AI sang ban hành các quy định và chính sách hiệu quả ở các cấp quản lý luôn hết sức phức tạp. Sự khác biệt trong hệ thống chính trị, quy trình lập pháp và lợi ích quốc gia có thể làm chậm lại hoặc gián đoạn đáng kể việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế về AI. Khắc phục điều này đòi hỏi những nỗ lực ngoại giao bền bỉ, sự đồng thuận về ý chí chính trị ở nhiều quốc gia lớn nhỏ để hợp tác thực chất (điều luôn được cho là "rất khó").
Sự khác biệt đáng kể trong mức độ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và năng lực AI nói riêng cũng đặt ra một thách thức đáng kể khác. Nếu lịch sử để lại bài học cho tương lai thì các quốc gia đi đầu về công nghệ sẽ cố gắng phát triển nhanh và mạnh AI rồi áp các tiêu chuẩn của mình lên các nước đi sau, nhân danh đảm bảo an toàn và bảo vệ các giá trị đạo đức.
Ngược lại, các quốc gia chậm phát triển về AI sẽ muốn kìm tốc độ phát triển AI phần nào, đồng thời đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Những ưu tiên và lợi ích khác nhau của các nhóm quốc gia sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong các cuộc thảo luận quốc tế về quản trị AI. Do đó, một cách tiếp cận khách quan, cân bằng, tôn trọng nhu cầu và tốc độ phát triển khác nhau của các quốc gia sẽ hết sức cần thiết để quản trị rủi ro AI toàn cầu hiệu quả.
Lập trường nào cho Việt Nam?
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, phấn đấu "nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo".
Đây là mục tiêu tham vọng nhưng phù hợp cho Việt Nam bởi nước ta hiện có nền tảng dân số trẻ, cởi mở với công nghệ, lại có nền kinh tế năng động, ngày càng hội nhập sâu rộng. Bên cạnh đó, những điều chỉnh về địa chiến lược của các nước phương Tây và việc Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ giúp ta có khả năng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về sản xuất chip. Do đó, Việt Nam không có lợi ích trong việc ủng hộ các nỗ lực kiểm soát AI một cách cực đoan. Cần khuyến khích thái độ cởi mở với AI bởi công nghệ này có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, khai phóng tiềm lực của xã hội, từ đó nâng cao chất lượng sống của người dân, đặc biệt ở các vùng còn kém phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam luôn nỗ lực là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Do đó, chính sách về AI của Việt Nam vẫn cần phản ánh xu thế, lập trường chung của khu vực và quốc tế, đặc biệt là của khối ASEAN. Điều đó sẽ yêu cầu việc phản đối đưa AI vào hệ thống quân sự, đặc biệt trong các ứng dụng có khả năng sát thương. Bên cạnh đó, cũng cần ủng hộ việc phát triển và phân phối lợi ích từ AI một cách công bằng để từng bước thu hẹp thay vì gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm các nước phát triển và đang phát triển.
Tựu trung, Việt Nam nên ủng hộ các nỗ lực toàn cầu về kiểm soát AI ở mức độ vừa phải nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các kịch bản xấu nhất, nhưng vẫn khuyến khích phát triển và tích hợp công nghệ này một cách sâu rộng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội để không ngừng nâng chất lượng cuộc sống của người dân và vị thế quốc gia.
Tác giả: Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ). Các mối quan tâm nghiên cứu chính của anh bao gồm: an ninh quốc tế, xung đột vũ trang, tác động của AI đối với quan hệ quốc tế và các ứng dụng của AI trong hoạch định chiến lược & chính sách an ninh quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!