Để bệnh viện không còn thiếu thuốc: Đơn giản hóa những điều phức tạp!
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đã nhận được ý kiến ủng hộ của đa số đại biểu Quốc hội về sự cần thiết ban hành, với mong muốn Luật kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, gỡ ngay một số vấn đề cấp bách để cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhân dân...
Trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược hiện hành để giải quyết dứt điểm tất cả bất cập, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cần tập trung vào những nội dung trọng tâm mang tính chiến lược, đặc biệt là vấn đề ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của người dân.
Trước hết, nên quy định tự động gia hạn sổ đăng ký lưu hành thuốc khi không phát sinh sự cố trong thời gian thuốc được sử dụng trước đó, giống như gia hạn giấy phép hành nghề nhân viên y tế.
Với những thuốc đã lưu hành nhiều năm ở các nước phát triển nên có phương án được cấp phép nhanh hơn, để người dân có thể sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với việc thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, song cần biết vị trí của mình ở đâu để tránh duy ý chí. Nếu phát triển không cân bằng sẽ xảy ra thực trạng cùng một nhóm thuốc, hàng sản xuất ở Việt Nam không thể có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập, nhưng vì giá rẻ hơn nên sẽ trúng thầu, còn hàng ngoại nhập chất lượng tốt lại không có ở Việt Nam.
Thực tế các bác sĩ, trong đó có tôi, luôn tin tưởng và sử dụng những thuốc "chính hãng" hay thuốc "gốc" mà trong y khoa gọi là dòng brand name (thuốc biệt dược gốc do nhà sản xuất nghiên cứu, sáng chế ra), vì hiệu quả và quản lý được các tác dụng phụ, nhưng nếu theo cách đấu giá như hiện nay, việc nhập các thuốc này vô cùng khó khăn. Điều đáng lưu ý nữa, là các công ty dược Việt Nam xếp lên nhóm cao hơn sẽ đẩy giá thuốc lên cao, trong khi chất lượng chưa tương xứng.
Một thực tế nhức nhối khác đang diễn ra, là việc bán thuốc online có thể gây nhiều hệ lụy. Bởi vậy, sửa đổi Luật Dược cần quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý bán thuốc online hay những sản phẩm được quảng cáo có tác dụng điều trị như thuốc, khiến người dân hiểu làm là thuốc điều trị nhưng thực chất không phải thuốc (đúng ra là hàng hóa).
Vì lẽ đó, theo tôi, luật cần quy định Bộ Y tế có một đơn vị chuyên trách chống hàng giả mạo là thuốc trên mạng xã hội. Đơn vị này có thể tiếp nhận thông tin, cung cấp cho cơ quan cảnh sát điều tra và công khai cho người dân được biết trên các trang website chính của Bộ Y tế để người dân tránh sử dụng.
Hiện tượng đáng lo này đang ngày càng bùng phát mạnh mẽ, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe người dân, nên việc đầu tư nguồn lực để ngăn chặn là hết sức cần thiết.
Mua thuốc theo đơn của thầy thuốc online và giao hàng tận nhà cũng là một thực trạng đang diễn ra ở phạm vi toàn quốc. Nhiều nhà thuốc tư nhân thậm chí chạy quảng cáo online rầm rộ và treo cả băng rôn công khai để thu hút khách hàng.
Nhìn vào sự phát triển và nhu cầu của xã hội, chúng ta có thể xem xét cho phép các cơ sở y tế, đặc biệt nhà thuốc của bệnh viện thực hiện việc này sau khi tuân thủ các quy định chặt chẽ về số hóa hồ sơ bệnh nhân và phát triển được khám chữa bệnh từ xa.
Nhưng đối với các nhà thuốc không thuộc bệnh viện, chỉ nên được chuyển thuốc nếu bệnh nhân có đơn thuốc điện tử từ các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện bệnh án điện tử (EMR) và có kết nối thông tin với bệnh viện để kiểm tra tính hợp lệ của đơn thuốc.
Về cách thức tiến hành, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, Luật cần ủy quyền giao Bộ trưởng Y tế quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc đến người mua.
Một nội dung khác đang rất cần được gỡ vướng khi sửa Luật Dược, đó là việc nhập thuốc hiếm chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể cứu sống bệnh nhân trong nhiều trường hợp. Trong ngành, chúng tôi vẫn phải sử dụng loại này, mà chúng tôi hay gọi là "hàng xách tay".
Vì thế, theo tôi, rất cần đưa vào Luật Dược định nghĩa thuốc chuyên khoa đặc thù trong một số trường hợp bệnh lý cụ thể, để các bệnh viện có thể mua trực tiếp từ một số hãng nước ngoài, và tất nhiên, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng. Hoặc cách khác, Bộ Y tế có phương án mua tập trung cho cả nước, khi các bệnh viện có nhu cầu sẽ nhận từ Bộ Y tế.
Cuối cùng, tôi kỳ vọng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có thể tháo gỡ vướng mắc cho tình trạng thiếu thuốc và các sinh phẩm trong hệ thống y tế công hiện nay, cũng như chấm dứt tình trạng người bệnh phải tự đi mua những loại thuốc tốt, thuốc hiếm, hoặc phải bỏ tiền khám chữa bệnh ở những bệnh viện tư đắt đỏ, thậm chí sang nước ngoài chữa bệnh, chỉ vì bệnh viện công thiếu thuốc.
Để giải quyết câu chuyện này, cần đơn giản hóa quy trình đấu thầu mua sắm thuốc bằng cách phân loại thành hai nhóm: Nhóm cần đấu thầu và nhóm không cần đấu thầu.
Trong đó, nhóm thuốc không cần đấu thầu có thể chia thành hai loại.
Một là thuốc OTC (thuốc không cần kê đơn) và những thuốc thông dụng có giá trên thị trường ổn định, lâu dài kèm theo điều kiện Việt Nam đã sản xuất được. Với những loại này, các bệnh viện có thể mua với mức giá thấp hơn hoặc bằng giá phổ biến đã có từ trước (giá trần). Ví dụ oxy, dịch truyền, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, chống viêm...
Tại sao tôi đề xuất như vậy? Vì đây là những mặt hàng thiết yếu nhưng rất hay bị thiếu trong bệnh viện do những lỗi cá nhân, khiến bệnh nhân phải đi mua bên ngoài sử dụng. Hơn nữa vì sản xuất được trong nước nên "giá trần" sẽ ngày càng giảm vì tính cạnh tranh cao. Đơn cử, hiện nay có rất nhiều thuốc của Việt Nam sản xuất giá bán cao hơn thuốc cùng loại bán tại thị trường Nhật Bản. Đây là điều rất bất hợp lý.
Hai là với những thuốc hiếm, nên cho một vài bệnh viện lớn hoặc Bộ Y tế mua trực tiếp từ các hãng nước ngoài dưới sự giám sát của cơ quan chức năng. Điều này tôi xin được nhắc lại lần thứ hai trong bài viết vì tính thiết yếu của nó.
Với nhóm thuốc cần đấu thầu, theo tôi, không có nhiều vướng mắc bởi chỉ cần tuân theo luật hiện hành, chú trọng nâng cao năng lực của đơn vị đấu thầu tập trung từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, các bệnh viện có quyền tổ chức đấu thầu với cơ quan thẩm định không bị trùng lặp với đấu thầu tập trung; thời gian hiệu lực hợp đồng kéo dài hơn và phần trăm mua bổ sung thuốc được tăng lên, phòng biến động của thị trường cung - cầu sản phẩm đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe này.
Những đóng góp trên rút ra từ thực tiễn khi tôi điều hành bệnh viện công nhiều năm qua. Một thực tế rất bất hợp lý là tuyệt đại đa số các cơ sở y tế không thiếu kinh phí để mua thuốc nhưng tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra, và tại sao các bệnh viện tư chưa bao giờ thiếu thuốc? Các nhà làm luật và cơ quan quản lý Nhà nước khi xây dựng luật, nghị định và thông tư rất cần trả lời được hai câu hỏi này.
Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!