Thuốc Covid-19: Đã nói "đủ", sao dân còn phải mua "giá chát" làm gì?!
(Dân trí) - Người dân, bệnh nhân cần được an tâm, được bảo vệ trước bệnh dịch và được hưởng đầy đủ quyền lợi của họ!
"Tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh, kể cả của anh em y tế bên dưới và anh em báo chí, thực tế nhiều nơi, người bị nhiễm vẫn không được phát thuốc kháng virus và nhiều người phải nhờ vả, thậm chí tìm mọi cách để mua". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều ngày 16/12 vừa qua như vậy.
Ông Đam đánh giá, thực trạng này cho thấy, giữa báo cáo của Bộ và phản ánh từ cơ sở có độ vênh. Bởi rằng, hiện Bộ Y tế khẳng định đã cấp đủ thuốc kháng virus Molnupiravir và Favipiravir cho các địa phương để phát ngay cho tất cả người mắc Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính, không đợi tới khi có triệu chứng mới uống.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục cấp phép sản xuất để sớm đưa thuốc kháng virus thành phổ biến, người dân được dễ dàng tiếp cận thuận lợi.
Molnupiravir và Favipiravir hiện đang là những loại thuốc kháng virus được cho là "có tính an toàn cao" và đạt được hiệu quả rõ rệt trong điều trị Covid-19 thể nhẹ. Riêng thuốc chứa Molnupiravir giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện.
Có lẽ bởi tính hiệu quả của những loại thuốc nói trên và trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp nên nhu cầu với Molnupiravir và Favipiravir cũng ngày càng cao. Nhu cầu này bao gồm cả nhu cầu chữa trị và nhu cầu… tích trữ.
Oái oăm là tâm lý tích trữ "phòng khi bất trắc" lại rất phổ biến. Cho nên, cứ cái gì tốt mà hiếm thì sẽ được săn lùng tích trữ.
Thị trường thời nay thì lại vô cùng nhanh nhạy. Hễ có cầu ắt sẽ có cung, hàng hóa nào (bao gồm cả thuốc điều trị) có nhu cầu lớn, được trả giá cao thì lập tức sẽ có mặt trên thị trường, mua bao nhiêu, bán bấy nhiêu. Điều kiện mua bán càng thuận lợi hơn khi có mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến B2C, C2C…
Theo phản ánh trên báo chí, giá thuốc Molnupiravir trên thị trường hiện đang được chào bán lên tới gần 10 triệu đồng hay thuốc Favipiravir là 4,5 triệu đồng/hộp. Nhiều loại thuốc tương tự được cho biết là nhập từ nước ngoài (còn không biết là nhập như thế nào, về Việt Nam ra sao) như Favimol 200mg được bán với giá 1,7 triệu đồng/hộp, Areplivir với giá 2,5 triệu đồng/hộp, Favipiravir loại chai của Nga giá 3,1 triệu đồng/hộp…
Vấn đề nằm ở chỗ, theo Cục Quản lý dược, các thuốc này không được phép lưu hành trên thị trường và việc mua, bán, sử dụng là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
Một vị bác sĩ khi trao đổi với người viết về vấn đề này nói rằng: "Loại thuốc này rất tốt, Nhà nước nhập về đủ và người dân nếu có bệnh thì cứ yên tâm để Nhà nước điều trị miễn phí. Tôi không thấy có lý do gì để phải mua thuốc bên ngoài với giá đắt đỏ như vậy".
Cần thống nhất rằng, chúng ta tôn trọng quyền được phòng và chữa bệnh của mọi người dân, song thị trường thuốc là một thị trường rất đặc biệt. Hơn nữa, dù là hàng hóa gì chăng nữa, cũng chỉ có thể vận hành dựa trên tính hợp pháp.
Mọi công dân được kinh doanh những mặt hàng mà Nhà nước không cấm, còn đã cấm mà vẫn kinh doanh, mua bán thì đó là phạm pháp.
Với mức giá đắt đỏ như vậy của thuốc điều trị Covid-19, cũng phải đặt vấn đề liệu có tình trạng thẩm lậu ra bên ngoài hay không? Hay chẳng nhẽ việc "cấp phát đầy đủ" mà các cơ sở y tế và các địa phương báo cáo lên Trung ương chỉ là… làm đẹp mà thôi? Nếu đủ thì vì sao lại có tình huống thiếu hụt?
Cục Quản lý dược mới đây đã có văn bản đề nghị Sở Y tế TPHCM chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc điều trị Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế ở địa phương này.
Các trường hợp vi phạm cần xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, tránh thất thoát, thẩm lậu thuốc ra ngoài thị trường. Trường hợp phát hiện dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Cục Quản lý dược cũng yêu cầu Sở Y tế TPHCM tham mưu cấp có thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn TP như: Ban chỉ đạo 389, Công an và các cơ quan chức năng khác kiểm tra, xác minh vụ việc trên. "Xử lý nghiêm để răn đe các trường hợp vi phạm" là yêu cầu được phía cơ quan quản lý nhấn mạnh.
Tinh thần này cũng cần được quán triệt ở mọi cơ sở y tế trên cả nước. Người dân, bệnh nhân cần được an tâm, được bảo vệ trước bệnh dịch và được hưởng đầy đủ quyền lợi của họ!