Tâm điểm
Đỗ Cao Bảo

Cơ hội chia phần ngành công nghiệp 1.500 tỷ USD

Sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh trong việc tiếp cận công nghệ cũng như việc Mỹ ban hành đạo luật Khoa học và Chips đã có tác động rõ rệt đến các quốc gia Đông Á, và mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia vào nhóm các quốc gia sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới.

Tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á và Đông Nam Á, từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đến Singapore, Malaysia và Việt Nam đều đang rất nỗ lực để đón xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu về Chip bán dẫn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất Chip.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng "người chiến thắng lớn nhất" trong cuộc đua này có thể là Việt Nam, và rất có thể Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới. Bằng chứng thuyết phục nhất và Việt Nam đang có sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Chẳng hạn, năm 2021, Intel đã đầu tư 475 triệu USD vào nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của mình tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 8/2022, Samsung đã công bố khoản đầu tư trị giá 3,3 tỷ USD để mở rộng quy mô sản xuất linh kiện bán dẫn tại nhà máy Thái Nguyên (sẽ triển khai vào tháng 7/2023). Samsung cũng đang xây dựng một trung tâm R&D có quy mô 3.000 kỹ sư ở tây Hồ Tây, Hà Nội, dự kiến khai trương vào đầu năm 2023.

Tháng 11/2021, gã khổng lồ trong lĩnh vực bán dẫn, Amkor Technology (USA), đã ký một thỏa thuận đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh.

Synopsys, một công ty dẫn đầu thế giới về thiết kế Chip đang chuyển các hoạt động đầu tư và đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam. Synopsys có hai văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và hai văn phòng tại Đà Nẵng với hơn 400 nhân viên, đang lên kế hoạch bổ sung thêm 300 đến 400 người nữa.

FPT Semiconductor, thành viên của tập đoàn FPT mới đây đã ra mắt dòng chip bán dẫn đầu tiên trong lĩnh vực IoT cho Y tế (con chip chuyên cho các thiết bị y tế có kết nối với Internet) và đã có kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu trong 3 năm tới.

Các khoản đầu tư nước ngoài đã tạo ra những đột phá trong việc đưa Việt Nam tham gia vào nhóm các quốc gia sản xuất Chip, và có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất Chip toàn cầu.

Trên đây là thông tin từ các báo nước ngoài, trong đó có các cơ quan truyền thông uy tín như Techmonitor, Asia Times, Nikkei, Bloomberg, New York Times, chứ không phải chúng ta tự nói ra.

Việc Synopsys chuyển việc đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam và FPT thiết kế, tổ chức sản xuất và thương mại Chip IoT cho Y tế là những bước khởi đầu đầy hứa hẹn. Con đường đi tốt nhất của Việt Nam là bắt đầu từ các con chip IoT cho Y tế, chip cho tủ lạnh, máy điều hòa không khí, máy giặt.

Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo cho các dòng chip có chức năng phức tạp hơn, cho các thiết bị công nghệ cao hơn.

Trong lĩnh vực công nghệ thì chip là công nghệ cao nhất, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là các "ông lớn" của lĩnh vực sản xuất chip. Trong đó Mỹ coi việc sản xuất chip là an ninh quốc gia, chính vì vậy họ đã gấp rút ra Đạo luật Khoa học và Chips, đầu tư 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực này.

Tham gia vào chuỗi giá trị chip bán dẫn có nghĩa là Việt Nam chúng ta có cơ hội chia phần trong chiếc bánh có quy mô 1.500 tỷ USD (vào năm 2030) với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12%. Theo báo cáo của Technavio (USA), tổng sản lượng chip của Việt Nam có tiềm năng phát triển thành ngành công nghiệp trị giá 1,65 tỷ USD vào năm 2025.

Chỉ cần 10% trong chiếc bánh 1.500 tỷ USD ấy thôi thì cũng đủ giúp Việt Nam chúng ta cất cánh rồi, bởi chip bán dẫn là công nghệ nền tảng cho tất cả các công nghệ khác, không chỉ trong quốc phòng, an ninh, máy bay, tên lửa, tàu chiến mà cả trong tất cả các thiết bị ở xung quanh chúng ta.

Khi nhìn thấy cơ hội hiện thực hóa giấc mơ của mình cũng có nghĩa là chúng ta phải nhìn thấy những việc cần làm và thời gian sẽ có câu trả lời.

Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!