"3 sạch" để phát triển công nghiệp chip ở Việt Nam
Cuối tuần vừa rồi chúng tôi (Câu lạc bộ Ái Việt, nơi hỗ trợ các nhà khoa học trẻ người Việt học tập, làm việc ở nước ngoài có mong muốn về nước xây dựng sự nghiệp) tổ chức cuộc thảo luận "Việt Nam nên làm gì?" trong bối cảnh công nghiệp chip đang trở thành chủ đề nóng bỏng trên thế giới.
Chúng tôi đã nghe chuyên gia chính trị quốc tế Phạm Vũ Thiều Quang và tiến sĩ bán dẫn Nguyễn Trần Thuật trình bày bức tranh tổng quan cùng các ý kiến thảo luận độc đáo, bổ ích khác.
Thị trường chip thế giới đã có những bước tăng trưởng ngoạn mục trong 10 năm gần đây, đạt 600 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có quy mô 1.200 tỷ vào năm 2030. Hơn nữa, ngành này còn trực tiếp ảnh hưởng đến rất nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác, ước tính chiếm đến 50% GDP toàn cầu.
Đại dịch Covid và sự cạnh tranh của các nước lớn, chiến lược của mỗi nước khác nhau đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra nạn khan hiếm chip trên toàn cầu, là giọt nước tràn ly khiến Mỹ thông qua đạo luật chips và khoa học vào tháng 8/2022. Theo đó, Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc, rút sản xuất về trên đất Mỹ; dành riêng 50 tỷ USD để thúc đẩy việc sản xuất bán dẫn trong nước… TSMC, hãng gia công chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, được mời gọi để xây dựng nhà máy ở Mỹ, đưa công nhân lành nghề từ Đài Loan sang Mỹ.
"Cuộc chiến" chip trước mắt khiến nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực này của Mỹ, ví dụ như Nvidia, giảm dần doanh thu từ thị trường Trung Quốc. Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc có thể còn làm cho các "ông lớn" này mất nguồn tuyển dụng các tài năng công nghệ và công nhân lành nghề ở Trung Quốc.
Nhìn lại, công nghiệp bán dẫn khởi sắc từ 1957 và phát triển liên tục nhờ khẩu hiệu "Moore and more" theo định luật mang tên Gordon Moore - nhà sáng lập Intel. Nội dung cơ bản của định luật này là dự đoán cứ hai năm một lần, số lượng bóng bán dẫn (thành phần nhỏ nhất trong bộ xử lý) sẽ tăng lên gấp đôi. Cuộc chạy đua "nhồi nhét" bóng bán dẫn lên chip tiếp diễn gần như không giới hạn.
Mỹ là nước dẫn đầu về tất cả các lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, còn Trung Quốc nổi lên dẫn đầu về tiêu thụ. Theo sau đó là Hàn Quốc. Nhật Bản đột nhiên bỏ cuộc đua từ năm 2010, nhưng mới tuyên bố sẽ trở lại vào năm 2027 với phát minh sẽ làm cho cả thế giới ngỡ ngàng. Đài Loan, chỉ tập trung vào sản xuất và đã chiếm đến 90% thị trường sản xuất các chip tiên tiến…
Việt Nam đã tham gia làm các linh kiện bán dẫn xuất khẩu sang khối Đông Âu từ năm 1980. Nhưng sau đó bị dừng lại vì khối này tan rã, và thiếu nước được làm sạch để xử lý bụi. Các nhà khoa học bán dẫn Việt Nam đã không bỏ cuộc, không được làm bán dẫn thì họ chuyển sang đào tạo người làm bán dẫn, tức là đào tạo sinh viên. Tiến sĩ bán dẫn Nguyễn Trần Thuật mà tôi đề cập ở đầu bài là học trò của các thầy thuộc thế hệ nhà khoa học bán dẫn đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay khoảng 30 công ty bán dẫn thế giới đã mở cơ sở ở Việt Nam tuy quy mô còn nhỏ.
Dựa trên tình hình trên, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt "3 sạch" để tham gia vào cuộc đua chip thế giới.
Thứ nhất là làm nước sạch, nói rộng ra là các ngành phụ trợ cho công nghiệp bán dẫn.
Thứ hai, chuẩn bị đất sạch, nói rộng ra là các điều kiện thuận lợi, để các "ông lớn" trong ngành công nghiệp chip chuyển cơ sở sang Việt Nam.
Thứ ba, đào tạo "người sạch", tức là nguồn nhân lực để có thể tham gia vào các quá trình nghiên cứu sản xuất mà các "ông lớn" sẽ cần đến.
Chúng ta cũng nên chủ động tìm "ngách" thị trường, tức là những kẽ hở thị trường mà các đại gia bỏ quên như Hà Đông tìm ra Flappy Bird. Vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật và các cộng sự đã tìm ra cách đưa các linh kiện bán dẫn của chip ảnh nhiệt lên panel màn hình phẳng, tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Tóm lại, lợi thế lớn nhất của Việt Nam lúc này là chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng, hấp dẫn và không chọn bên mà để hãy để các bên chọn chúng ta.
Tác giả: Ông Nguyễn Thành Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tại trường Đại học Lomonosov, Liên Xô (cũ). Là một trong những người sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nam từng giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn này; sau đó ông rời vị trí CEO FPT để thử sức ở lĩnh vực giáo dục, với khởi đầu là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Ông Nam cũng được biết đến là người khởi xướng dự án đại học trực tuyến FUNiX.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!