Khát vọng xuất khẩu 1 tỷ USD phần mềm
Doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 của FPT Software dự kiến 1 tỷ USD. Khi chúng tôi công bố điều này, nhiều người đã nhắn hỏi tôi rằng, liệu có tham vọng quá hay không?
1 tỷ USD phần mềm xuất khẩu - đó quả là con số khổng lồ.
Để cho dễ hình dung, tôi lấy hình tượng thế này: 1 tỷ USD là tương đương với 23.500 chiếc xe VinFast VF8 bán ở Mỹ (với giá 42.500 USD một xe), tức tương đương với 23,5 chuyến tàu Silver Queen chở ô tô điện VinFast VF8 xuất cảng hôm 25/11/2022 vừa qua ở Hải Phòng.
Hay một hình tượng khác: 1 tỷ USD là số tiền đủ để nhập khẩu 80% số điện thoại iPhone hoặc 115% số điện thoại Samsung hoặc 70% số ô tô con 7 chỗ trở xuống cho toàn bộ thị trường Việt Nam trong năm 2021.
Chưa hết, khác với các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp (ô tô, điện thoại, máy tính, may mặc, giầy dép, túi xách, máy móc, phụ tùng) có giá trị gia tăng thấp, giá trị gia tăng của dịch vụ phần mềm xuất khẩu rất cao, lên đến 84%, cao gấp gần 4 lần giá trị gia tăng của nhóm hàng sản xuất hàng công nghiệp (một đôi giầy Nike sản xuất ở Việt Nam thì giá trị dành cho Việt Nam chỉ có 22%, phần còn lại 78% là của Mỹ).
Như vậy có thể nói rằng, 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm tương đương với gần 4 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng máy tính, điện thoại, may mặc, giầy da, túi xách, máy móc, phụ tùng.
Tại sao dịch vụ phần mềm lại có giá trị gia tăng cao như vậy? Bởi làm dịch vụ phần mềm, không cần phải đầu tư dây chuyền sản xuất, không phải nhập khẩu (mua) nguyên, vật liệu đầu vào. Đầu tư cho phần mềm rất ít: mỗi người làm phần mềm chỉ cần một chiếc máy tính và một chút bản quyền phần mềm cỡ 1.200 USD, khấu hao 5 năm, mỗi năm 240 USD. Chi phí lớn nhất của dịch vụ phần mềm là chi phí nhân công (lương, thưởng, phúc lợi, bảo hiểm, đào tạo, văn phòng làm việc), hầu hết là cho con người và chi ở Việt Nam.
Xuất khẩu phần mềm, ngoài việc mang trí tuệ Việt Nam ra thế giới, tạo ra nhiều công ăn việc làm có năng suất cao, còn thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, góp phần vào ổn định tiền tệ quốc gia.
Trở lại với kế hoạch 1 tỷ USD phần mềm xuất khẩu trong năm 2023, chúng tôi có đang mơ lớn quá, có viển vông hay không?
Xin khẳng định, đây là kế hoạch kinh doanh được phê duyệt sau nhiều vòng họp và thảo luận nghiêm túc, dựa trên cơ hội chúng tôi có ở tất cả các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu, châu Á, Mỹ Latin cũng như năng lực và nguồn lực nội tại.
Chúng tôi có niềm tin 99% sẽ hoàn thành mục tiêu, bởi trong năm 2022, FPT Software đã đạt con số 1 tỷ USD tổng giá trị thắng thầu, 800 triệu USD doanh số và với tốc độ tăng trưởng 26% trung bình 3 năm gần đây thì con số 1 tỷ USD năm 2023 là rất hiện thực. Kế hoạch 1 tỷ USD doanh số năm 2023 thực ra chỉ đúng bằng tổng giá trị các hợp đồng đã ký năm 2022.
Bạn có biết, nếu một doanh nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng đều đặn 26% năm thì sau 3 năm doanh số sẽ lớn gấp 2 lần, sau 6 năm sẽ lớn gấp 4 lần, sau 9 năm sẽ lớn gấp 8 lần và sau 12 năm sẽ lớn gấp 16 lần!
Như vậy, nếu giữ được tốc độ tăng trưởng 26% năm như 5 năm qua, thì doanh số của chúng tôi đến năm 2026 là 2 tỷ USD, đến năm 2029 là 4 tỷ USD, đến năm 2032 là 8 tỷ USD và đến năm 2035 là 16 tỷ USD...
Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, ngoài FPT ra còn có hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp phần mềm khác, tạo ra một ngành kinh tế có quy mô và ý nghĩa kinh tế, xã hội không hề nhỏ, không hề thua kém nhiều ngành kinh tế khác.
Trong lĩnh vực này, cơ hội cho Việt Nam còn rất lớn, bởi riêng Ấn Độ, năm 2022, ngành xuất khẩu phần mềm đã mang về 200 tỷ USD cho đất nước họ, tương đương 50% GDP của Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực, thương hiệu quốc gia và thủ tục cấp visa, giấy phép lao động cho các chuyên gia của các khách hàng cũng như nhân viên người nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
Riêng về nhân lực, chúng ta đang thiếu cả về số lượng cũng như chất lượng sinh viên Công nghệ thông tin, phần mềm ra trường mỗi năm. Nhân lực "khan" đến mức mà các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam liên tục "câu" người của nhau, dẫn đến tỷ lệ nhân viên "nhảy việc" ở các công ty phần mềm rất cao, nhiều công ty phần mềm có tỷ lệ "nhảy việc" lên đến 25-30%/năm.
Đây cũng là bài toán đau đầu của các chủ doanh nghiệp. Bởi rằng, phải mất 6 tháng để đào tạo một nhân viên phần mềm mới về chuyên môn, quy trình và văn hóa công ty, theo đó, khi tình trạng "nhảy việc" xảy ra thường xuyên thì doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và chi phí cho đào tạo, học việc. Thói quen "nhảy việc" là lựa chọn của người lao động, nhưng đó không đơn thuần là câu chuyện cá nhân. Nhân viên vừa đào tạo xong còn chưa bắt tay vào công việc thì đã "nhảy việc", sẽ dẫn đến chi phí cao, giảm năng lực cạnh tranh của công ty, cũng như giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Trong vấn đề chất lượng nhân lực, ngoài chuyên môn thì kỹ năng mềm, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật), làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp là những kỹ năng cần thiết nhưng nhiều trường đại học Việt Nam lại chưa quan tâm đúng mức. Chúng tôi cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học quan tâm đúng mức trong đào tạo những kỹ năng này cho sinh viên thì năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều.
Đối với thương hiệu quốc gia, tôi cho rằng, cần có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia về phần mềm và Công nghệ thông tin ở mức quốc gia, phải xây dựng Việt Nam trở thành một cường quốc phần mềm và Công nghệ thông tin của thế giới, là địa chỉ mà các quốc gia khác tìm tới khi có nhu cầu. Đây là việc mà các doanh nghiệp phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam không tự làm đơn lẻ được, cần phải có sự chủ trì, vào cuộc của Chính phủ cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!