Tâm điểm
Quan Thế Dân

Chiều cao của người Việt

Đời sống và dinh dưỡng của người Việt được cải thiện đáng kể trong vài chục năm trở lại đây, nhất là từ sau khi đất nước Đổi mới. Một bộ phận dân số trở nên sung túc, ăn uống no đủ, thậm chí là dư thừa, có lúc gây nên một số hệ lụy. Từ đó trong giới nghiên cứu và dư luận có nhiều ý kiến lo lắng về các bệnh lý do dư thừa dinh dưỡng, làm cho dư luận chung hiểu nhầm rằng dinh dưỡng của người Việt Nam đã đầy đủ rồi, bây giờ chỉ còn giải quyết các bệnh lý do thừa dinh dưỡng như các nước đang phát triển.

Thực tế là như thế nào?

Theo nhiều nghiên cứu, dù chiều cao đang có những bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng chiều cao ở khu vực và thế giới nhưng về tổng thể, vóc dáng, thể lực của người Việt Nam khá khiêm tốn, nếu không muốn nói rằng tầm vóc người Việt vẫn thấp bé so với thế giới. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020, nam thanh niên Việt Nam cao trung bình 168,1cm, nữ 156,2cm. So với các nước trong Đông Nam Á, chiều cao của người Việt xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan,

Ngược về quá khứ, theo kết quả sưu tầm, nghiên cứu của giáo sư Từ Giấy, kết quả đo đạc vào năm 1875 của Mondière ở Mỹ Tho trên 3.774 em nữ, cho thấy chiều cao trung bình trẻ 15 tuổi là 133,4cm. Ta nên nhớ là thời đó độ tuổi kết hôn rất thấp, "nữ thập tam, nam thập lục", nữ 13 tuổi, nam 16 tuổi là đã bắt đầu kết hôn, nên chiều cao của các bà mẹ sinh con lần đầu thời ấy chỉ khoảng 130cm đến 140cm.

Chiều cao của người Việt - 1

Di truyền chiếm khoảng 23% yếu tố quyết định chiều cao của trẻ, trong khi dinh dưỡng đóng góp đến 32% (Ảnh minh họa: CV)

Đến năm 1938, chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành là: nam 160cm, nữ 151 cm. Tuy nhiên, sau các giai đoạn 1946 - 1954, 1954 - 1975, rồi thời kỳ bao cấp… nhiều nhà khoa học đã ghi nhận thực tế đáng buồn là chiều cao của thanh niên Việt Nam không tăng thêm, thậm chí có thời kỳ còn giảm đi. Năm 1985, theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng, nam thanh niên cao 159,8cm, còn nữ cao 150,5cm. Như vậy, trong gần 50 năm (1938-1985), chiều cao của thanh niên VN gần như đứng yên.

Năm 2000, theo điều tra của Tổng cục Thống kê, chiều cao trung bình của nam thanh niên là 162,5 cm và nữ là 151,6 cm. Như vậy, so với năm 1985, chiều cao của nam thanh niên Việt Nam đã tăng trung bình hơn 2cm, nữ tăng hơn 1cm.

Tổng điều tra toàn quốc năm 2020 cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm với nam giới, và nữ đạt 156,2cm.

Như vậy, theo thống kê, sau khi ra khỏi chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, chiều cao thanh niên Việt Nam đã tăng nhanh. Theo Bảng thống kê chiều cao trung bình của các quốc gia trên thế giới dựa trên nghiên cứu của NCD Risk Factor Collaboration, chiều cao của người Việt Nam đang đứng thứ 153 trên tổng số 201 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. So với Hà Lan (là nước có chiều cao thuộc top đầu thế giới) thì cùng 18 tuổi, nam giới ở Việt Nam thua 14,8cm và nữ giới là 13,7cm.

Cùng với con số thống kê về chiều cao của thanh niên, con số trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam cũng nói lên nhiều điều về tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam trong quá khứ. Năm 1985, số trẻ bị suy dinh dưỡng là 51,5%. Đây là một con số rất lớn, cứ 2 trẻ thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng. Nhờ có sự phát triển về kinh tế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm nhiều nếu tính từ 1985 (51,5%) đến 1995 (44,9%) mỗi năm giảm trung bình 0,66%.

Từ năm bắt đầu Kế hoạch Quốc gia Dinh dưỡng (1995), chỉ sau 4 năm tỷ lệ suy dinh dưỡng đã giảm xuống còn 36,7% (1999), trung bình mỗi năm giảm 2%, là tốc độ được quốc tế công nhận là giảm nhanh.

Bộ Y tế cho biết, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi đang giảm dần. Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6%, chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới về vấn đề sức khỏe cộng đồng và trên đà đạt được Mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu năm 2025 về giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Tuy nhiên, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm đang chậm lại, ở mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015.

Khoa học cho biết yếu tố quyết định chiều cao của trẻ di truyền chiếm khoảng 23% nhưng dinh dưỡng lại đóng góp đến 32% trong quá trình phát triển của trẻ. Như thế tầm vóc thấp bé của người Việt Nam không phải chỉ do di truyền, mà còn là vấn đề dinh dưỡng kéo dài qua nhiều thế hệ.

Tình trạng suy dinh dưỡng khi còn nhỏ và tình trạng thấp bé nhẹ cân khi lớn, gây bất lợi về năng suất lao động và bất lợi trong công cuộc hội nhập thế giới. Muốn nói gì thì nói, với một tầm vóc cơ thể nhỏ bé, không khỏi khiến chúng ta mặc cảm về thể hình.

Trong ngôn ngữ cũng như trong suy nghĩ của đa số, người ta chỉ tự hào về cơ thể to cao chứ chẳng ai tự hào là thấp bé.

Ngoài ra, tầm vóc cơ thể thấp bé khiến cho người Việt Nam gặp nhiều thua thiệt về sức mạnh, sức bền trong các cuộc thi đấu thể thao với thế giới. Chúng ta thường "ăn điểm" ở những môn chỉ cần khéo léo như bắn súng, billard…

Để cải thiện nòi giống và chiều cao người Việt, việc cấp thiết là phải nâng cao khẩu phần dinh dưỡng của người dân. Đầu tiên là tổng năng lượng trong một ngày.

Năm 2020, năng lượng trung bình trong khẩu phần của người dân nước ta đạt 2.023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so năm 2010 (mức 1.925kcal/người/ngày). Đây là bước tiến rất lớn nếu so với những năm bao cấp, khi đó bình quân khẩu phần ăn của người dân chỉ khoảng 1.000 kcal/người/ngày (quy đổi từ 10 kg lương thực/người/tháng), thậm chí nhiều vùng còn "đứt bữa".

Nhớ lại thời đó, báo chí không dám gọi thẳng là "đói", mà sáng tạo ra từ "đứt bữa". "Đứt bữa từng phần và đứt bữa hoàn toàn".

Điều đáng mừng tiếp theo là người Việt đã ăn thịt nhiều hơn. Năm 2020 trung bình mỗi ngày một người ăn 136,4g thịt, trong khi năm 2010 chỉ tiêu thụ 84g. Đặc biệt người ở thành phố ăn thịt ở mức khoảng 155,3g thịt/người/ngày. Đây là bước nhảy vọt về chất lượng bữa ăn của người Việt, khi ta nhớ rằng vào những năm 1980, mỗi người dân chỉ được phân phối mua 300g thịt cho 1 tháng.

Thịt là nguồn cung cấp protein động vật, yếu tố quyết định cho phát triển chiều cao. Ngoài ra thịt còn là nguồn cung cấp các chất béo, vi chất… cùng với protein quyết định sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến trí thông minh sau này. Thiếu thịt và sữa những năm đầu đời làm trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu thịt trong giai đoạn dậy thì khiến thanh niên bị thấp còi. Khi đã bị bỏ lỡ hai giai đoạn vàng trong phát triển của đời người, thì sau này ta có ăn bao nhiêu cũng không thể tăng chiều cao được, mà chỉ gây béo phì.

Theo các nhà dinh dưỡng, lượng protein một người cần trong một ngày là 0,7g cho 1 kg thể trọng. Tức là một người nặng 60 kg cần 42g protein cho một ngày. Mà 100g thịt lợn nạc chứa khoảng 22g protein. Như thế một người trưởng thành cần ăn khoảng 200g thịt lợn nạc mỗi ngày để đảm bảo nhu cầu về protein. Khi bị bệnh thì nhu cầu về protein còn cao hơn.

Khẩu phần dinh dưỡng cân đối còn cần kể đến rau củ, trái cây… thì đều có sự tăng đáng kể trong những năm gần đây. Tất cả những việc đó dẫn đến vóc dáng, thể lực người Việt cải thiện rõ rệt qua những con số về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tăng chiều cao thanh niên như đã nói ở trên.

Tuy nhiên các thành tích ấy chưa cho phép chúng ta thỏa mãn, vì so với mức bình quân của thế giới chúng ta còn kém nhiều. Hiện theo thống kê của UNICEF, Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Về chiều cao của thanh niên, với con số khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (nam thanh niên 18 tuổi có chiều cao 176,8cm và nữ 163,7cm) thì nam thanh niên ta còn thấp hơn, đây là những con số tối thiểu, bởi chỉ so với tuổi 18, còn nếu so với tuổi 25 thì số chênh lệch cao hơn rất nhiều.

Một vấn đề nữa cũng khá quan trọng là những tiến bộ về dinh dưỡng lại diễn ra không đồng đều trong các nhóm dân cư. Một bộ phận trẻ em thành thị đang dư thừa dinh dưỡng, dẫn đến số trẻ béo phì tăng nhanh.

Kiến thức về dinh dưỡng và thói quen vận động không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn quyết định đến nòi giống người Việt chúng ta.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!