Chiều cao nam thanh niên Việt tăng 3,7cm sau 10 năm
(Dân trí) - Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam năm 2020 đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm.
Tầm vóc của người Việt ngày càng có sự cải thiện. Chiều cao người Việt trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Nếu tiếp tục triển khai tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao của người Việt sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Cụ thể, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam năm 2020 đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm.
Năm 2018, Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2030. Một trong 3 mục tiêu quan trọng được đặt ra là bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.
Tại Hội nghị Khoa học với phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam ngày 21/10 do Viện Khoa học Thể dục thể thao Việt Nam phối hợp với Hội khoa học Thể dục Thể thao Việt Nam, các chuyên gia khẳng định, bên cạnh yếu tố di truyền, dinh dưỡng, vận động đúng cách sẽ góp phần cải thiện chiều cao, thể lực người Việt Nam.
PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao, Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án "Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam" cho biết, hội nghị có sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý lĩnh vực thể dục, thể thao trong nước và quốc tế.
"Hội nghị thể hiện tầm quan trọng, vai trò đi đầu của nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm phát triển thể lực, tầm vóc con người, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, tăng tuổi thọ khỏe mạnh, góp phần nâng cao thành tích thể thao và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân", PGS Hiếu thông tin.
Chuyên gia này thông tin thêm, đây là một trong những diễn đàn quan trọng được tổ chức hàng năm, là cầu nối giúp các đơn vị, chuyên gia tại nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước tiếp cận các thành tựu khoa học kỹ thuật mới.
Các hoạt động hợp tác quốc tế đặc biệt là với các nước phát triển như Nhật, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha... được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học - công nghệ, phục vụ mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người dân Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong thúc đẩy việc nâng cao thể lực tầm vóc người Việt Nam, đặc biệt đối với thế hệ trẻ trên các phương diện: giáo dục tại trường học, giải pháp dinh dưỡng, tuyên truyền thay đổi nhận thức, ứng dụng khoa học và công nghệ trong y tế...
Tất cả các can thiệp này nhằm từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, tăng tuổi thọ khỏe mạnh, góp phần nâng cao thành tích thể thao và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nối tiếp sau chương trình hội nghị, Giải chạy vượt chướng ngại vật "Family Sport Day" dành cho trẻ em do Ban điều phối Đề án chính phủ - 641 chỉ đạo thực hiện sẽ được tổ chức, dự kiến vào tháng 11/2023.
ThS Nguyễn Hải Nam - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng Công nghệ tế bào đánh giá, các hoạt động thể chất rất có ý nghĩa để phát triển chiều cao, tăng cường thể lực.
Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý khi vận động để hạn chế nguy cơ bị các tổn thương mãn tính hoặc cấp tính. Theo đó, trước khi vận động cần có thời gian khởi động kỹ để cơ thể có bước chuyển tiếp, thích nghi về nhịp tim, hệ thống gân, cơ... để phòng nguy cơ chấn thương.
"Đặc biệt với các phong trào thể dục cộng đồng, tỉ lệ chấn thương còn nhiều hơn nếu không có kiến thức, tập luyện sai.
Như có người suy nghĩ, tập tạ càng nặng càng tốt là sai lầm; hay với bộ môn đạp xe tốt cho tim mạch, nhưng nếu không phải vận động viên chuyên nghiệp, không nên cố gắng đi với tốc độ quá cao khi xảy ra sự cố, ngã, nguy cơ gãy xương rất cao", ông Nam khuyến cáo.