Người Việt có lười biếng?
Mới đây, trên Quora (loại hình mạng xã hội tương tự như các trang hỏi đáp kiểu Yahoo) xuất hiện một câu hỏi "Vì sao người Việt làm việc chăm chỉ mà vẫn chưa giàu?". Câu hỏi này ngay lập tức nhận được nhiều câu trả lời, của cả người Việt lẫn người nước ngoài, bao gồm cả những người nước ngoài từng sống ở Việt Nam. Trong số này đáp án được cho là góc nhìn của một người nước ngoài được thích (like) và chia sẻ (share) khá nhiều. Nội dung câu trả lời khá dài, nhưng ý cơ bản nhất là Việt Nam vẫn chưa giàu vì người Việt lười. Dĩ nhiên quan điểm đó đã gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí gây sốc vì chúng ta vẫn quen với nhận xét rằng người Việt cần cù, chăm chỉ.
Một blogger Việt nổi tiếng không giấu nổi bức xúc. Trên trang cá nhân của mình, cô viết: "Bao nhiêu trí thức đi học nước ngoài cho lắm tâm đắc trích lại (bài viết kia), không cần lấy một cái luận chứng, không cần lấy một cái số liệu chứng minh, tấm tắc khen người nước ngoài kia nói đúng quá, chí phải, tuyệt vời quá, nhất định là dân Việt Nam ngoài lười còn chểnh mảng…".
Đoạn ý kiến của blogger trên đã được biên tập về ngôn từ sao cho chuẩn mực, còn nếu xem bản gốc thì chắc chắn có thể hình dung được mức độ bức xúc của cô lên tới đỉnh điểm ra sao.
Vậy người Việt có lười không?
Nói thẳng ra, không chỉ ở Việt Nam, nước nào cũng vậy, có người nọ, người kia. Không thể lấy một nhóm để đại diện cho cả cộng đồng và kết luận "người nước này chăm, người nước kia lười". Chưa kể, trình độ phát triển của một nền kinh tế không chỉ được quyết định bởi yếu tố chăm chỉ hay lười biếng của người dân nước đó, mà tổng hợp bởi rất nhiều yếu tố khác nhau.
Ngoài ra, lười biếng hay chăm chỉ cũng cần xét đến những lĩnh vực cụ thể: Lười là lười cái gì? Lười ở đây có thể hiểu là lười lao động (lười làm việc), lười vận động, lười tư duy, lười đổi mới, lười sáng tạo hay cụ thể như lười đọc sách. Còn nếu chỉ nói khơi khơi một quốc gia chưa giàu vì người dân lười, thì đó là một nhận định chủ quan và có phần không thỏa đáng.
Xét về lao động, người Việt Nam có lười không? Không dễ để kết luận. Đúng là so với một số quốc gia trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp và cần được cải thiện. Tuy nhiên, về tốc độ tăng, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), năng suất lao động của người Việt Nam những năm gần đây đã có bước tăng trưởng ấn tượng, nhất là so với các nước trong khu vực ASEAN. Giai đoạn 2011-2019, năng suất lao động theo sức mua tương đương PPP 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,87%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (1,37%/năm), Malaysia (2,04%/năm), Thái Lan (3,17%/năm), Philippines (4,33%/năm), Indonesia (3,59%/năm)…
Thường thì năng suất lao động bình quân được tính bằng công thức lấy GDP/tổng số người làm việc bình quân. Bất cứ thành tố nào trong 2 thành tố trên biến động thì cũng tác động tới con số kết quả. GDP lớn, lượng lao động nhỏ thì năng suất sẽ cao, và ngược lại. Nhưng không phải thế mà có thể kết luận là người Việt lười. Chưa kể, năng suất lao động thấp hay cao nhiều khi còn bị tác động bởi đặc tính của tư liệu sản xuất, trong đó có yếu tố độ hiện đại của máy móc chẳng hạn.
Về khía cạnh khác, chẳng hạn như học tập, người Việt cũng không hề lười khi mà chúng ta từng tham gia rất nhiều cuộc thi và đều có những thành tích đáng để tự hào.
Hay về vận động, Việt Nam không nằm trong danh sách lười nhất về vận động. Qua tra cứu thông tin về những quốc gia lười vận động nhất thế giới thì trong nhóm 10 của danh sách này gần như chưa bao giờ có Việt Nam.
Vậy người Việt lười gì? Có một thống kê mà chúng ta khó chối cãi, đó là lười đọc sách. Có một con số đáng buồn là tỷ lệ đọc sách của người Việt sau 6 năm, theo thống kê mới nhất, từ 2014 đến 2020 chỉ tăng vỏn vẹn 12%. Giai đoạn 2014-2019, tỷ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách mỗi người lên 4,6 đầu sách nhưng đến năm 2020 lại giảm xuống chỉ còn 4,13 đầu sách một người. Trong số hơn 400 triệu bản sách đã phát hành mỗi năm, theo thông tin công bố của Cục Xuất bản, có tới hơn 300 triệu bản là sách giáo khoa, sách tham khảo. Lấy số còn lại (các thể loại sách khác) chia đều cho dân số thì chỉ còn một đầu sách mỗi người. Năm 2021, doanh thu toàn ngành xuất bản Việt Nam chỉ khoảng gần 3.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia trong ngành xuất bản đã khẳng định những con số kể trên rất khiêm tốn khi so sánh ngay cả với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan... và không thể so sánh được với các quốc gia phát triển. Bởi vậy nói người Việt lười đọc sách, có lẽ khó mà phủ nhận được.
Ngày nay, mỗi người trong chúng ta quan sát cuộc sống xung quanh, không khó để thấy đa phần giới trẻ chỉ chăm chăm vào các thiết bị điện tử thông minh, mải mê "phơi mình" trên mạng xã hội thay vì đầu tư thời gian đọc sách. Một bộ phận người Việt ở các lứa tuổi khác cũng không thực sự hào hứng với đọc sách.
Tôi từng làm cuộc thăm dò nhỏ trong nhóm người quen với câu hỏi "tại sao không đọc sách mà lại cứ chăm chăm ôm điện thoại" thì nhận được câu trả lời "chơi điện thoại thú vị hơn". Đáng buồn là chính người lớn cũng bị cám dỗ bởi những thiết bị điện tử thông minh - thứ không xấu xa gì nhưng lại có quá nhiều thông tin dễ làm cho người ta choáng ngợp, và vì hàm lượng thông tin quá nhiều nên không ít người chẳng biết phải thu thập thông tin có ích gì mà chỉ đa phần gói trong 2 chữ "giải trí". Trong khi đó, từ nhỏ, chúng ta vẫn được dạy rằng sách mang lại tri thức, song dường như lời hô hào đó chỉ là lý thuyết. Không biết bạn như thế nào, chứ tôi hiếm khi thấy có những gia đình bố mẹ chăm chỉ đọc sách và truyền niềm đam mê ấy cho con cái.
Văn hóa đọc, nói thì cao siêu, nhưng nó đơn giản sẽ được hình thành từ thói quen đọc sách. Tất nhiên để thành thói quen không dễ, nhưng cũng không phải là không thể. Hãy bắt đầu từ những cuốn sách viết về lĩnh vực mà bạn yêu thích rồi sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác. Khi đã thành thói quen, bạn sẽ thấy đọc sách cũng có thể gây nghiện. Một cách nào đó, chăm đọc sách cũng có thể giúp chúng ta bớt… lười tư duy và tích lũy tri thức để xây dựng cuộc sống tốt hơn.
Tác giả: Lan Anh (bút danh Đan Anh) làm việc tại Dân trí từ năm 2021, hiện tại theo dõi lĩnh vực tài chính chứng khoán, doanh nghiệp, doanh nhân.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!