"Chiếc áo" cơ chế mới cho TPHCM
Còn nhớ 5 năm trước - 2017 - Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TPHCM, mục tiêu là tạo động lực mới để thành phố phát triển bứt phá. Một trong những lý do TPHCM xin Trung ương "cơ chế, chính sách đặc thù" lúc đó nằm ở chỗ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đang chậm lại. Tăng trưởng bình quân từ mức hai con số trong giai đoạn 1986 đến 2010, đã giảm xuống một con số của giai đoạn 2011-2015 (10,7% xuống 9,6%).
Thực tiễn cho thấy việc thực hiện Nghị quyết 54 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng sau 5 năm, với nhiều yếu tố khách quan, chủ quan và cả những điều chưa từng có tiền lệ, như đại dịch Covid-19, kết quả thực hiện Nghị quyết 54 không được như mong đợi. Lần này bối cảnh còn đáng xem xét hơn, khi tăng trưởng quý 1 của TPHCM chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tất nhiên đây chỉ là một quý, nhưng mức giảm rất sâu đó cùng với việc đầu tàu đã tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây, phần nào cho thấy thành phố cần những động lực phát triển mới.
Cũng là "cơ chế, chính sách đặc thù" nhưng dự thảo nghị quyết thí điểm dành cho TPHCM lần này (nhằm thay thế Nghị quyết 54) mang một sứ mệnh cao cả hơn giai đoạn trước.
Nếu như Nghị quyết 54 trước đây tập trung cơ chế chính sách tạo nguồn thu cho TPHCM, thì nay, dự thảo nghị quyết mới đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực đầu tư xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, khơi thông nguồn lực để dòng vốn đầu tư vào thành phố chảy nhanh hơn.
Như Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi nói với báo chí, thành phố xin thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, đóng góp thực tiễn cho cả nước chứ không xin những đặc ân, đặc lợi cho riêng địa phương.
Điều thành phố muốn là các cơ chế mới để phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng, lợi thế và tạo sự phát triển đột phá mới cho thành phố. Khi đó, TPHCM có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả nước; hơn nữa quá trình triển khai thí điểm cơ chế mới ở thành phố sẽ mang lại kinh nghiệm cho các địa phương khác, hoặc được tổng kết để triển khai chung trên cả nước.
Trình dự thảo nghị quyết này ra Quốc hội hôm 26/5, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
Dự thảo nghị quyết đưa ra 7 nhóm chính sách đặc thù cho thành phố, gồm chính sách về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM và TP Thủ Đức.
Trong những cơ chế đó, thành phố đặc biệt kỳ vọng có thể tháo gỡ vướng mắc do quy định hiện hành về thu hút đầu tư, như các chính sách về quy hoạch, đất đai, phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP (hợp tác công tư) trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; triển khai các dự án BOT trên đường hiện hữu; tạo ưu đãi thu hút nhà đầu tư chiến lược hay các cơ chế phân cấp phân quyền, tạo sự chủ động cho thành phố.
Các nhóm chính sách đặc thù mới được đề xuất cũng nhiều hơn so với Nghị quyết 54 trước đây, cho thấy sự phát triển của một thành phố năng động như TPHCM cần một "chiếc áo cơ chế" rộng rãi hơn, để vừa tháo gỡ các vướng mắc do thiếu quy định pháp luật, vừa tạo động lực phát triển mới, có tính đột phá, giúp thành phố giải quyết vấn đề đồng bộ hơn trong quá trình phát triển.
Thành phố xin Trung ương "chiếc áo" cơ chế mới trong bối cảnh vừa qua có nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng cán bộ e dè, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm trên địa bàn. Đã có ý kiến băn khoăn về vấn đề này.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nói địa phương không phủ nhận thực tế trên, nhưng đó chỉ là một bộ phận cán bộ, không phải là tất cả hệ thống. Bởi nếu cả thành phố e dè, sợ sai, thành phố đã không đề xuất tiên phong thí điểm hàng loạt cơ chế, chính sách mới. Khi đã chấp nhận tiên phong thực hiện những chính sách mới, chưa được quy định trong luật, TPHCM biết chắc điều đó đi liền với trách nhiệm, với áp lực, thậm chí là cả rủi ro về pháp lý.
Theo ông Mãi, để khắc phục thực tế cán bộ sợ sai, TPHCM đã và đang có nhiều biện pháp tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời phân công các sở, ngành chuẩn bị đề án, kế hoạch để khi Quốc hội thông qua nghị quyết sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền ngay. Tất cả đều ở tâm thế chủ động.
Ông Phan Văn Mãi chia sẻ, với việc đề xuất hàng loạt cơ chế đặc thù để thí điểm lần này, thành phố chắc chắn có áp lực, nhưng người dân, doanh nghiệp và cán bộ nơi đây luôn có truyền thống năng động, sáng tạo và xác định sẵn sàng cống hiến vì sự phát triển của địa phương. Ông cũng tin đội ngũ cán bộ TPHCM sẽ ý thức việc đó và hành động vì sự phát triển của thành phố nói riêng và vì cả nước nói chung.
Khi thành phố đã khẳng định không e dè, sợ sai để đề xuất tiên phong thí điểm, tin tưởng rằng các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét "chiếc áo" cơ chế mới cho thành phố.
Tác giả: Nhà báo Vũ Hoài Thu là phóng viên chuyên trách thông tin Quốc hội và Chính phủ với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!