Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm: Đừng để cơ chế chỉ nằm trên giấy
Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước từng ghi nhận những tấm gương cán bộ dám chấp nhận "mạo hiểm" thử nghiệm những cách làm mới, mang lại những giá trị khác biệt - những thứ mà người an phận, chỉ biết lấy sự an phận, tuân thủ nếp cũ mà nhiều người đi trước đã đi, đã làm, sẽ không bao giờ có được.
Không có một Bí thư Tỉnh ủy như Kim Ngọc dám vượt lên đường lối làm ăn tập thể để "giao khoán ruộng" cho nông dân, có lẽ chúng ta còn lâu mới biết đến cái gọi là "khoán 10", đất nước mới thoát khỏi nền nông nghiệp năng suất thấp. Việt Nam chẳng những không phải vất vả lo dân thiếu lương thực mà còn trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, khi tiềm năng đất đai, lao động, sự sáng tạo của nông dân được khai thác triệt để. Mặc dù lúc bấy giờ, cái giá phải trả của người "tiên phong" là những sóng gió, thăng trầm.
Giữa bao khó khăn bộn bề của đất nước trong bối cảnh bị bao vây cấm vận, không có bước đi mang tính "vượt rào" của những vị lãnh đạo như Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt; không có tinh thần kiên định "nói và làm" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì sao chúng ta có được khí thế tấn công mạnh mẽ vào tình trạng trì trệ, bảo thủ và những vấn đề bức xúc của đất nước; phá bỏ những thứ rào cản đang nằm ngay trong chính bộ máy lãnh đạo; làm sao có được thành tựu rạng rỡ của sự nghiệp đổi mới gần 4 thập kỷ qua.
Hiện thực sinh động ấy đã chứng minh, càng đổi mới càng có nhiều thời cơ, nhưng cũng đan xen muôn vàn khó khăn, thách thức. Mà tình trạng suy thoái, nhụt chí của đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng là một thách thức không nhỏ. Không có cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ sáng tạo, dám đột phá, đương đầu với thử thách thì khó thúc đẩy được công cuộc đổi mới đi lên, nhất là khi tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai dịch bệnh…đang đặt ra những khó khăn thách thức không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Đại hội XIII của Đảng một lần nữa xác định công tác cán bộ là khâu then chốt của mọi then chốt, hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Vào tháng 9 năm ngoái, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ phát huy tốt các phẩm chất đáng quý ấy. Điều đó là rất cần thiết và kịp thời. Nhưng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nói trên nghị trường, Kết luận quan trọng này cần được sớm thể chế hóa thành văn bản pháp luật.
Quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thực tiễn đòi hỏi cán bộ phải có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách; trong đó có những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung…
Vì vậy, việc thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo vì lợi ích chung là cần thiết, chẳng những tạo niềm tin vững chắc cho đội ngũ cán bộ, công chức dám dấn thân, tạo nên những đột phá trong công việc mà còn góp phần thanh lọc những cán bộ tiêu cực, sợ trách nhiệm, co cụm, đùn đẩy, cái gì cũng không dám làm.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đang được lấy ý kiến để hoàn thiện và ban hành trong thời gian sắp tới. Nghị định thể hiện nhất quán tinh thần tin tưởng, tôn trọng, khích lệ, tạo điều kiện và môi trường để cán bộ chủ động, tích cực đổi mới, được sáng tạo và cống hiến vì lợi ích chung.
Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, khi có đề xuất đổi mới, kế hoạch hoặc đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện tạo sự chuyển biến, tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì được cơ quan, đơn vị tuyên dương khen thưởng kịp thời, được xếp loại thi đua cao; được ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng; được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp…
Dự thảo Nghị định cũng qui định một số cơ chế bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, năng động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đáng chú ý là nếu cán bộ đó thực hiện những ý tưởng, chương trình do mình đề xuất và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không đạt, chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật…trong một số trường hợp nhất định, nhất là khi họ không cơ hội, vụ lợi.
Tuy nhiên, giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái là một lằn ranh khá mong manh. Bên cạnh cơ chế bảo vệ, thì cũng cần phải siết chặt kỷ luật, tránh để một số người lợi dụng cơ chế này để trục lợi.
Cuộc sống luôn là những hành trình không bằng phẳng. Chỉ thực sự dấn thân vào thử thách trên con đường mình đi, hành động, sáng tạo, con người mới có thể đạt được mục đích. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám hy sinh vì lợi ích chung, nếu biết đặt mình trong tập thể, cùng mọi người hợp thành một tập thể cùng chung ý chí, cùng chung hành động, chắc chắn sẽ biết cách biến thách thức thành cơ hội để đạt được những mục tiêu tốt đẹp hơn.
Điều quan trọng là để nghị định đi vào cuộc sống, trở thành động lực thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm thì tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị phải thật sự có tâm trong ứng xử, có tầm trong lãnh đạo, điều hành; quyết đoán nhưng không độc đoán, biết tạo môi trường làm việc văn minh, văn hóa; biết mang đến cho mọi người cơ hội công bằng trong sáng tạo, cống hiến và được ghi nhận. Nếu không, thì mọi cơ chế, dù tiến bộ, nhân văn đến mấy, cũng chỉ nằm trên giấy mà thôi.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!