Tâm điểm
Vũ Ngọc Bảo

"Đánh thức" tinh thần năng động của TPHCM

Vị thế "đầu tàu" kinh tế cả nước của TPHCM trong hàng chục năm qua là điều đã được khẳng định. Hơn thế, đây còn là địa phương đi đầu trong đổi mới, cải cách kinh tế, trở thành cảm hứng phát triển, mô hình cho các địa phương khác học tập.

Bởi vậy, khi "đầu tàu" chạy chậm lại, đặc biệt tăng trưởng trong quý I vừa qua chỉ đạt 0,7%, thì vấn đề này đã trở thành mối quan tâm không chỉ lãnh đạo, người dân thành phố mà của cả nước.

Về nguyên nhân, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi đã phân tích khá kỹ tại cuộc họp của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố ngày 4/4. Theo đó, TPHCM là trung tâm kinh tế, dịch vụ, công nghiệp. Những ngành nghề liên quan nhóm lĩnh vực này chịu ảnh hưởng rất lớn thời gian qua. Cụ thể như thị trường bất động sản đóng băng gần 90%; các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn bị giảm đơn hàng 30%-40%...

Lãi suất ngân hàng cao cũng khiến cộng đồng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Ngành du lịch thành phố có hồi phục, khởi sắc nhưng một số mảng chưa đạt quy mô như trước đợt dịch Covid-19.

Lãnh đạo thành phố đã "bắt bệnh" và đưa ra các giải pháp phục hồi tăng trưởng, nhấn mạnh đến việc khởi động lại các trụ cột của tăng trưởng là đầu tư công, đầu tư xã hội. Tôi chú ý đến phát biểu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên với nhận xét: "TPHCM vốn dĩ là một địa phương có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhưng gần đây, điều này gần như không còn nữa".

Đánh thức tinh thần năng động của TPHCM - 1

Cầu Thủ Thiêm 2 TPHCM (Ảnh: Hoàng Giám)

Lần ngược lịch sử, tinh thần năng động của thành phố từng một thời truyền cảm hứng cho cả nước. Xin kể lại ở đây hai câu chuyện "xé rào" trong giải quyết vấn đề lương thực và nhập khẩu các nguyên nhiên liệu đầu vào cần thiết cho sản xuất.

Đó là những năm sau 1975, TPHCM với khoảng 4 triệu dân lâm vào cảnh thiếu lương thực, người dân phải ăn cơm trộn bo bo vì chính sách "ngăn sông cấm chợ". Cả tập thể Thành ủy dưới sự lãnh đạo của Bí thư Võ Văn Kiệt và những bộ phận liên quan, trước hết là cơ quan lương thực cùng suy nghĩ trăn trở và đi đến quyết định "xé rào" lập tổ công tác về miền Tây mua gạo cứu đói.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Phong, chính sự đột phá của "Tổ thu mua lúa gạo" đã mở ra một cơ chế mới. Cơ chế mới lại tạo điều kiện cho những người đột phá đi tiếp. Kết quả hoạt động của "Tổ thu mua lúa gạo" được thực tế khẳng định là có hiệu quả. Người nông dân sẵn sàng bán thóc. Người dân thành phố sẵn sàng mua gạo. Nhà nước không phải bù lỗ.

Công ty kinh doanh lương thực thành phố được hình thành trên cơ sở "Tổ thu mua lúa gạo" và hoạt động hoàn toàn khác với Sở Lương thực: Kinh doanh lúa gạo, không bù lỗ. Đối tượng phục vụ của công ty là những người dân thành phố không thuộc diện cung cấp của nhà nước theo cơ chế bao cấp.

Cuối năm 1979 là thời điểm thành phố gặp rất nhiều ách tắc trong nhập khẩu. Lãnh đạo thành phố đã bàn cách làm thế nào có thể tổ chức nhập khẩu nguyên liệu và nhu yếu phẩm tối cần thiết để nuôi các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Việc này cũng như bài toán lương thực, điều quan trọng là phải tìm ra hình thức như thế nào để "phá rào" mà không bị tuýt còi.

Sau nhiều trăn trở, thành phố nghĩ ra giải pháp là không dựa vào hệ thống quốc doanh, mà sử dụng hệ thống liên hiệp xã của thành phố. Liên hiệp xã là một tổ chức có tính chất mặt trận, phi chính phủ. Chỉ hình thành này mới huy động được thương nhân (chủ yếu là người Hoa) đầu tư vốn, mua hàng và liên lạc với thương gia nước ngoài để trao đổi hàng hóa.

Phương thức "hàng đổi hàng" giúp vượt qua được cơ chế giá Nhà nước - một trong những cửa ải khắc nghiệt nhất lúc đó, và các nhà máy trên địa bàn thành phố dần sống lại nhờ có nguồn nguyên liệu kịp thời.

Những câu chuyện nêu trên phần nào cho thấy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TPHCM trước đây được bắt đầu từ cuộc sống, từ người dân, từ dưới lên và có điểm tựa là đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố có tầm nhìn, dám quyết đáp vì lợi ích chung.

Thiết nghĩ thực tiễn đó chính là bài học cho thành phố hôm nay, giúp "đánh thức" tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thành phố. Và đây cũng là tinh thần lời hiệu triệu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên với đội ngũ cán bộ thành phố: Sợ vi phạm là chính đáng, nhưng đừng sợ đến mức không làm gì!

Thời gian qua, TPHCM là một trong rất ít địa phương được Trung ương cho cơ chế, chính sách đặc thù và đã thực hiện gần 5 năm; một loạt các chính sách đặc thù khác cũng đang được thành phố trình cấp trên, chờ phê duyệt.

Đây là lúc TPHCM cần rà soát, nhìn lại những chính sách đặc thù đã triển khai thời gian qua, xem đâu là chính sách tốt, cần tiếp tục hoàn thiện và phát huy, đâu là lực cản cần tháo gỡ.

Theo tôi, thành phố nên tập trung vào những cơ chế, chính sách thúc đẩy đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; chú trọng tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nuôi dưỡng, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với vị thế của mình, TPHCM cần có tầm nhìn và xây dựng nền móng để hình thành được cộng đồng doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh quốc tế chứ không chỉ trong nước.

Nếu làm sớm được các công việc trên, chắc chắn là thành phố sẽ có thêm động lực để khơi thông trì trệ, thúc đẩy phát triển ngay trong quý II này cũng như cả năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!