Cảnh giác hơn với "giặc lửa"
Vụ cháy chung cư mini 10 tầng trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, trong đêm 12/9 một lần nữa cho thấy hiểm họa và hậu quả kinh hoàng của "giặc lửa".
Hiện trường chung cư mini xảy ra cháy rộng khoảng 200m2, xây kiểu nhà ống với một mặt tiền cũng là lối thoát hiểm, ba mặt giáp nhà dân, chia làm 45 phòng trọ và hầu hết kín phòng. Ngõ nhỏ nên công tác cứu hỏa càng thêm khó khăn. Theo tường thuật trên báo chí, ngay trong đêm các lực lượng chức năng đã khẩn trương đến hiện trường, nỗ lực thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ gia đình các nạn nhân.
Dõi theo các thông tin về thương vong, tôi thực sự xót xa và xin phép được chia buồn với gia đình, người thân các nạn nhân trong vụ cháy này.
Sau khi đọc tin tức, như một phản xạ tự nhiên, điều đầu tiên là tôi nghĩ đến là việc phòng cháy ngay tại chung cư nơi mình ở cũng như căn hộ của mình.
Ở đây tôi chỉ xin đề cập đến một khía cạnh mà mỗi người trong chúng ta cần chú ý hơn trong cuộc sống bận rộn hàng ngày là công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung và kỹ năng thoát hiểm cá nhân nói riêng.
Khi xảy ra hỏa hoạn ở công trình cao tầng, người bị mắc kẹt sẽ chạy lên tầng thượng kêu cứu, một số nhảy xuống mái nhà bên cạnh… Đây là những cách thoát thân thường thấy trong nhiều vụ cháy những năm qua.
Với vụ cháy chung cư mini kể trên, một gia đình hai vợ chồng và ba con nhỏ ở tầng 6 đã có cách xử trí rất chủ động. Thấy hô hoán, chủ nhà dậy mở cửa thì khói đen tràn vào phòng. Biết xảy ra cháy, anh này liền vội lấy búa đập khung sắt lan can, sau đó dùng thang bắc sang nhà bên cạnh để thoát thân. Chỉ trong khoảng 4 phút, năm người trong gia đình đã thoát ra ngoài an toàn.
Một người khác, là anh Nguyễn Công Huy kể cả gia đình đã đi ngủ, bất ngờ ngửi thấy mùi khói nên gọi nhau dậy. Mở cửa ra, khói xộc vào đậm đặc, cay xè mắt. Vợ chồng anh và hai con đã đu dây từ tầng ba xuống đất. Anh Huy thuật lại rằng "Chỉ cần chậm khoảng 5 phút là chúng tôi có thể chết ngạt".
Rõ ràng là hai gia đình này đã không thể thoát thân nhanh như vậy nếu không có sự chuẩn bị từ trước. Búa thoát hiểm, thang, dây… đều là những vật dụng cần có và đặt ở những vị trí dễ dàng lấy được ngay trong trường hợp khẩn cấp.
Trong thực tế, mỗi người trong chúng ta tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mình mà sinh sống trong những công trình xây dựng có hạ tầng, bao gồm hạ tầng phòng cháy, chất lượng khác nhau. Nhưng thiết nghĩ dù ở đâu thì chúng ta cũng luôn phải đề cao cảnh giác với "giặc lửa", rà soát hệ thống điện, các thiết bị điện tử… trong nhà, chuẩn bị bình cứu hỏa gia đình, búa thoát hiểm, thang dây cứu hộ.v.v...
Câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho bản thân mình lúc này và có lẽ chúng ta cũng cần suy nghĩ tới: Nếu xảy ra hỏa hoạn, gia đình sẽ thoát ra bằng cách nào? Nếu cửa bị khóa thì phá bằng gì? Cách nào để phá lồng sắt ban công (nếu có) và giả sử đang từ tầng cao muốn thoát ra thì xuống bằng gì?
Được biết ngay trong sáng 13/9 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy ở phố Khương Hạ (Hà Nội), đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những việc cần làm từ phía cơ quan chức năng, còn với mỗi người dân chúng ta cũng cần tự mình xem xét các nguy cơ để phòng tránh tốt nhất trong khả năng có thể.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Quyết là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Điện tử Gia Đình Mới. Anh quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin và thường có những bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân về đời sống và công nghệ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!