Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Cấm sử dụng điện thoại trong trường học: Nên hay không?

UNESCO ngày 26/7 đã đưa ra lời kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học. Điều này không phải dựa trên cảm tính, mà từ các nghiên cứu khoa học của cơ quan này trên thực tế tại nhiều nước khác nhau.

Họ cho rằng việc học sinh dùng điện thoại di động ở trường sẽ gây gián đoạn giờ học, làm giảm sút chất lượng học tập và thậm chí còn tạo ra tình trạng trẻ em bị bắt nạt trên mạng. Tình hình này sẽ được cải thiện nếu cấm trẻ em dùng điện thoại di động tại trường.

Vấn đề ở đây là tính khả thi của điều này tại Việt Nam nếu cho áp dụng thì sẽ ra sao. Hiện có rất nhiều bậc cha mẹ đã trang bị điện thoại di động cho các con ở cấp tiểu học, và nhiều hơn ở bậc THCS, THPT. Trong các trường học ở ta hiện nay cũng chưa có một quy định thống nhất về việc cấm hay cho phép sử dụng điện thoại di động. Và có không ít học sinh thậm chí nghiện sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội từ rất sớm.

Cấm sử dụng điện thoại trong trường học: Nên hay không? - 1

Điều 37 của Thông tư 32/2020 quy định học sinh không được sử dụng điện thoại và các thiết bị khác trong giờ học khi không được giáo viên cho phép (Tranh minh họa: Ngọc Diệp).

Một kết quả khảo sát Google thực hiện năm 2022 cho thấy độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9, trong khi trên thế giới là 13. Nghĩa là trẻ em ta có điện thoại di động sớm hơn 4 năm so với trẻ em trên thế giới, mà lại không được đảm bảo sử dụng an toàn.

Hiện theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông thì Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em (chiếm 25% dân số) và 2/3 số này dùng Internet. Độ tuổi dùng Internet nhiều nhất là 14-15 (93%), kế đó là 12-13 tuổi (82%). Các em thường dùng Internet để phục vụ việc học, giải trí, kết bạn, chia sẻ thông tin và mua sắm.

Tất nhiên các em dùng internet bằng nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm điện thoại di động. Trong khi đó, không ít quốc gia đã cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học. Dựa trên phân tích về 200 hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, UNESCO ước tính chừng 50 hệ thống trong số này đã cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường, thông qua luật hay các bản hướng dẫn. Trong đó, Pháp cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường từ năm 2018 và mới đây nhất, Hà Lan cho biết lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ năm 2024.

Vậy cách cấm sử dụng điện thoại di động của họ thế nào? Tôi biết rất rõ việc này vì đã chứng kiến con tôi, một du học sinh trung học nội trú tại Mỹ áp dụng quy tắc này từ hơn 10 năm về trước. Trường con tôi học quy định rất rõ rằng mỗi một ngày học sinh chỉ được sử dụng điện thoại di động trong vòng 30 phút sau giờ học để liên lạc với gia đình vào ngày thường, ngày cuối tuần có thể được giữ điện thoại để dùng 1-2 tiếng. Sau đó thì các cháu phải đem điện thoại di động nộp lại cho thầy giáo là người quản lý các máy điện thoại này. Thầy sẽ cất giữ cẩn thận.

Tuy nhiên trường cũng không phải chỉ áp quân lệnh như sơn, mà khuyến khích các con tự giác. Ví dụ như chỉ có những học sinh xuất sắc, đạt thành tích học tập cao, kỷ luật tốt sẽ được hưởng đặc quyền là giữ điện thoại di động cả ngày mà không phải nạp cho thầy như các bạn khác.

Tuy nhiên các con chỉ được giữ điện thoại, còn việc sử dụng vẫn phải tuân theo đúng nội quy của trường. Nếu ai đã có đặc quyền giữ điện thoại di động mà lại lén lút đem ra sử dụng ngoài giờ quy định thì sẽ bị thu hồi đặc quyền này, kèm theo phạt nặng.

Tại Úc, trong trường của cháu tôi theo học, học sinh cuối cấp tiểu học được phép mang điện thoại di động tới trường. Tuy nhiên các con chỉ được dùng vào giờ nhất định sau giờ học và trong trường hợp khẩn cấp. Ai không tuân thủ sẽ bị kỷ luật. Mà hầu như các cháu tuân thủ rất tốt. Là vì mọi người đều làm thì mình cũng phải làm theo, không thể tự tung tự tác.

Nếp sống kỷ luật, tôn trọng các quy tắc quy định chung, tôn trọng luật pháp khiến cho các cháu tuy là trẻ con cũng sẽ tuân thủ việc này dễ dàng. Hơn nữa, trẻ con ở các nước phát triển không bị học nhồi nhét, cũng không phải bị ép học thêm học nếm, học ba ca từ sáng tới tối.

Các cháu học theo phương pháp khoa học. Học sinh tiểu học và THCS thì tối về nhà không có bài tập; còn THPT dù học nặng hơn nhưng mỗi học kỳ chỉ học 4-5 môn, hết học kỳ qua học kỳ sau học 4-5 môn khác. Học theo lối đào sâu, phát huy tự giác, tự học, tự nghiên cứu, tự đọc sách tìm tòi chứ không học đủ thứ hầm bà lằng.

Và mỗi buổi chiều khoảng 3h là các cháu sẽ dừng chương trình học chính khóa để chơi thể thao, văn nghệ. Tối về nhà nghỉ ngơi, có học bài cũng không nặng nề. Thứ bảy và chủ nhật nghỉ hoàn toàn. Ngày lễ và ngày hè là chỉ để nghỉ, tuyệt đối không đi học thêm, chạy đua gì cả. Chính vì vậy các cháu không có cảm giác đuối sức, chán nản, chỉ muốn cố dành thời gian khi hở ra để chơi và giải trí bằng điện thoại hay mạng xã hội như các nơi mà học trò phải học theo phong trào, học thêm rất nhiều.

Bản thân điện thoại di động không có gì xấu. Nó là phương tiện phục vụ liên lạc giữa học sinh và gia đình, nhà trường. Sử dụng đúng mức và biết cách sử dụng thông minh có thể giúp các cháu học hành tốt hơn từ các thông tin hữu ích trên mạng Internet.

Nhưng nếu không quản lý được việc sử dụng điện thoại di động trong trường học một cách rốt ráo, trên cơ sở tôn trọng, phát huy tính tự nguyện tự giác của học sinh, đồng thời áp dụng kỷ luật nghiêm minh, thì sẽ khó thực thi các lệnh cấm mang tính duy lý trí.

Bởi vậy nên nếu ở xứ ta, khi ngành giáo dục theo lời kêu gọi của UNESCO quyết định áp dụng lệnh cấm điện thoại di động trong trường học, thì cần nghiên cứu kỹ cách làm, cách giáo dục trẻ em của các nước đã áp dụng lệnh này thành công.

Và quan trọng nhất, hãy để cho trẻ có sự cân bằng giữa học tập, nghỉ ngơi, thư giãn, rèn luyện. Vì khi trẻ cân bằng, chúng có rất nhiều mối quan tâm lành mạnh như đọc sách, chơi các trò chơi ngoài trời, du lịch dã ngoại, làm từ thiện, hoạt động cộng đồng, thi thố học hành… Những mối quan tâm này sẽ giúp chúng giảm thời gian tập trung vào sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội không cần thiết. Nhất là với những trẻ dưới 13 tuổi là lứa tuổi mà theo quy định quốc tế chưa được phép sử dụng mạng xã hội.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Chị là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!