"Xét xử" chiếc điện thoại
Việc tạm giữ hình sự thầy giáo mải mê bấm điện thoại khiến một nam sinh lớp 9 trường quốc tế ở Hà Đông đuối nước và tử vong khiến mọi người nghĩ gì? Tôi nghĩ về chiếc điện thoại, thứ đã khiến thầy giáo đó quan tâm hơn cả tính mạng của những đứa học trò mà thầy đang chịu trách nhiệm.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần đưa cả chiếc điện thoại ra tòa "xét xử" thay vì chỉ quy trách nhiệm cho người dùng gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Có người nói: Điện thoại ngày càng thông minh thì người dùng ngày càng ngu dốt. Đó không phải lời đổ lỗi cho điện thoại mà là sự chua chát. Có thể bởi vì sự phát triển của công nghệ quá nhanh, trong khi tư duy của con người lại quá chậm và rồi dần bị lệ thuộc vào điện thoại.
Chúng ta dần không cần sử dụng trí nhớ nữa khi mà bộ nhớ điện thoại ngày một lớn hơn. Chiếc Iphone thế hệ 15 sắp ra tới đây nghe nói là không còn mẫu nào sử dụng bộ nhớ 128Gb nữa mà đã nâng mức tối thiểu lên 256Gb.
Chúng ta cũng tự thu hẹp bầu trời của mình, tầm mắt của mình vỏn vẹn trong kích thước màn hình chiếc điện thoại.
Chúng ta cũng chẳng còn nghe thấy âm thanh cuộc sống khi đôi tai bị bít chặt bởi chiếc tai nghe.
Chúng ta cũng đã sống trong thế giới ảo nhiều hơn sống trong thế giới thật, quan tâm đến những người trên mạng nhiều hơn những người sống ngay cạnh mình. Những bữa cơm gia đình, buổi cà phê bạn bè mà mỗi người ôm một chiếc điện thoại.
Chúng ta đang trở thành nô lệ của chiếc điện thoại lúc nào không hay. Và chúng ta cũng tạo ra một thế hệ kế tiếp, chính con cái chúng ta, cũng chỉ chịu ăn khi cho xem điện thoại, chịu ngồi yên nếu thảy vào nó chiếc điện thoại. Rồi chúng ta lại oán thán rằng con cái cần điện thoại hơn cả cha mẹ.
Điện thoại không có lỗi. Lỗi là ở người dùng. Ai cũng nói vậy. Nhưng nói thôi, còn thực hiện thì họ vẫn chẳng rời tay chiếc điện thoại.
Tôi đã nhiều lần chứng kiến, trong thang máy đông người, ai cũng cầm chiếc điện thoại trên tay và bật loa ngoài oang oang. Trong những quán cà phê hay nơi đông người, ai cũng tự cho mình quyền được sử dụng điện thoại vào bất kể việc gì. Xem Tiktok bật loa ngoài. Nghe điện thoại, gọi điện thoại video call. Ý thức nơi công cộng trở thành thứ lỗi thời. Người ta dí điện thoại vào các đám tang, livestream ầm ĩ.
Và cả ngoài đường kia nữa, những người giao hàng tay lăm lăm điện thoại, những xe ôm công nghệ vừa đi vừa kiểm tra đơn nhận khách, nhìn google map. Đến cả những lái xe ô tô khách với hàng chục mạng người, họ cũng chỉ quan tâm đến chiếc điện thoại. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa "tai nạn giao thông vì sử dụng điện thoại" hoặc "lái xe sử dụng điện thoại gây tai nạn" chúng ta sẽ đọc được vô số những bài viết, thậm chí có cả clip ghi hình. Là còn chưa kể hàng ngày, những nam thanh nữ tú vừa lái xe vừa lướt Tiktok, Reels, Facebook, Instagram…
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng điện thoại di động khi lái xe có nguy cơ tai nạn giao thông cao gấp 4 lần so với không sử dụng. Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô là 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng; nếu gây ra tai nạn giao thông, sẽ không chỉ xử phạt hành chính mà còn bị xử lý hình sự. Với xe máy (và cả xe điện, xe đạp) là phạt tiền từ 800.000 đồng đến một triệu đồng. Nhưng bao nhiêu người đã bị phạt? Luật đưa ra song không ai sợ. Cùng lắm là đến khi gây ra tai nạn thì cũng là… đen thôi, đỏ quên đi.
Như thầy giáo mải mê bấm điện thoại kia là do đen thôi chứ đầy giáo viên giao bài tập cho học sinh xong vẫn bấm điện thoại, lướt Facebook đó thôi.
Công nghệ phát triển nhanh hơn năng lực sử dụng của người dùng là có thật. Những chiếc điện thoại thông minh đã đọc hiểu được tính cách, sở thích, hành vi, thói quen của người dùng trước cả khi người dùng hiểu nó, biết sử dụng nó đúng cách.
Vậy nên điện thoại thông minh tạo ra những người dùng lệ thuộc, đề xuất những thứ người dùng thích, quan tâm. Nó hút chặt cuộc sống của người dùng vào nó và loại bỏ những thứ ngoài cuộc đời thực, kể cả những người vợ bơ vơ nằm bên cạnh chồng, kể cả những đứa con côi cút dù vẫn còn cha, còn mẹ. Và một thế hệ mắc hội chứng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ).
Điện thoại không có lỗi. Tôi vẫn cho rằng lỗi tại chính chúng ta, sự im lặng của chúng ta đã biến những thứ bất thường thành bình thường, đã coi nhẹ luật pháp, đã im lặng trước cuộc thâu tóm người dùng của những chiếc điện thoại thông minh. Chính chúng ta "cống nạp" con cái mình cho điện thoại. Chính chúng ta "mặc kệ họ đi" khi chứng kiến những nô lệ của điện thoại.
Chính chúng ta chép miệng "thôi thì cũng là mưu sinh, phạt họ làm gì" khi chứng kiến những đôi mắt dán vào điện thoại trên đường. Nhiều cha mẹ vẫn trang bị điện thoại thông minh cho con mà chẳng dạy con cách sử dụng chúng. Nhiều ngôi trường tịch thu điện thoại, cấm sử dụng điện thoại trong trường nhưng chỉ là sự trốn tránh trách nhiệm giáo dục trẻ việc sử dụng điện thoại thông minh thế nào cho thông minh và không phụ thuộc vào điện thoại.
Là lỗi tại chúng ta. Tôi vẫn nghĩ rằng giá như trong 27 em học sinh kia, có em nào dám lên tiếng khi thầy giáo cắm mặt vào điện thoại. Trong môi trường học tập tiêu chuẩn quốc tế nhưng lũ trẻ vẫn không biết lên tiếng thì đó là lỗi tại ai? Tại quy định của trường không có tác dụng với thầy giáo sử dụng điện thoại chăng? Điện thoại không có lỗi nên chúng ta có lỗi. Lỗi của việc đứng ngoài tất cả những hệ lụy đã và đang xảy ra từ việc sử dụng điện thoại.
Cậu bé nam sinh lớp 9 tức tưởi ra đi kia có thể là con của chúng ta. Hay có thể là chính chúng ta, một ngày xấu trời, bị một ai đó đang mải mê bấm điện thoại, tông thẳng vào. Hoặc có thể, đến một ngày, hai người ngồi cạnh nhau muốn nói gì với nhau cũng phải dùng đến điện thoại. Là chúng ta cho phép viễn cảnh đó xảy ra khi vẫn nói với nhau rằng: Điện thoại ngày càng thông minh thì con người ngày càng ngu dốt. Và chỉ nói vậy. Rồi thôi!
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!