Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Buồn, vui trước ngày Nhà giáo

Ngày Nhà giáo đáng nhớ nhất trong chặng đường dạy học của tôi là lúc đi thực tập sư phạm. Khi đó, tôi được phân công làm chủ nhiệm một lớp khá nhiều học sinh cá biệt. Bình thường, các em hay đùa giỡn, quấy phá theo kiểu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" nên tôi phải vừa dạy vừa xử lý các tình huống rất đau đầu.

Thế nhưng, đến ngày 20/11, các em khiến tôi bất ngờ. Sau khi nhà trường làm lễ xong, cả lớp đến gặp tôi và tặng những chùm hoa các em hái được đâu đó trên đường quê. Những chùm hoa dại đã bắt đầu héo trên tay nhưng nụ cười của các em thì vô cùng tươi tắn.

Các em thi nhau nói những lời cảm ơn và chúc mừng tôi nhân ngày đặc biệt. Tôi đón nhận những lời chúc tốt đẹp từ các em, lòng rộn vui nghĩ về nghề cao quý mà mình đã chọn. Sau này, nhiều em trong lớp học đó có người thành đạt, còn người còn khó khăn nhưng dù ở địa vị nào, khi gặp lại tôi các em luôn tỏ ra lễ phép, thân thiện.

Những năm mới ra trường, tôi thường được đón ngày Tết nhà giáo trong niềm hân hoan, hạnh phúc. Tiếc là càng về sau này, hễ đến tháng tri ân thầy cô, tôi và những đồng nghiệp của mình lại có nhiều nỗi niềm trăn trở.

Buồn, vui trước ngày Nhà giáo - 1

Gieo chữ ở điểm trường Tắk Pổ, huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam (Ảnh minh họa: Trà Thị Thu).

Tôi thấy ở các trường học, từ cuối tháng 10 hàng năm, nhiều phong trào văn nghệ, thể thao bắt đầu khởi động. Đây là hoạt động nhằm mục đích chào mừng ngày Nhà giáo 20/11. Thế nhưng, không ít giáo viên bày tỏ, họ thật sự "sợ" các hoạt động này, bởi vui không bao nhiêu, nhưng thầy cô rất vất vả vì phải xin ý kiến phụ huynh, kêu gọi đóng góp kinh phí, thuê mướn người tập luyện cho học sinh.

Trong quá trình học sinh tập luyện, thường là vào các ngày cuối tuần hoặc trái các buổi học chính khóa, giáo viên phải theo sát để quản lý, đôn đốc. Những ngày học sinh thi đấu thể thao hay biểu diễn văn nghệ, giáo viên cũng bắt buộc có mặt, chạy đôn chạy đáo lo nhiều thứ. Chưa kể đến các hoạt động thi đua dạy tốt học tốt, các giờ thao giảng, dự giờ thăm lớp cũng được tăng cường vào tháng cao điểm chào mừng ngày Nhà giáo. Những hoạt động cho dù mục đích tốt đẹp nhưng vô hình trung khiến nhiều thầy, cô phải xoay sở chật vật, thêm áp lực vì vừa đảm bảo chuyên môn, vừa lo phong trào của trường, của các em học sinh lớp mình phụ trách. Đến nỗi, nhiều giáo viên cảm thấy ngày Nhà giáo trở thành gánh nặng chớ không còn là "Tết" của thầy cô.

Mặt khác, cách cư xử của không ít học trò và các bậc phụ huynh hiện nay đôi khi cũng khiến thầy cô ngán ngẩm, dù ngày thường hay dịp lễ tết. Một số học sinh bây giờ không còn giữ lễ nghĩa với thầy cô như xưa. Nhiều phụ huynh không còn giữ vai trò là người đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục con trẻ, thậm chí có phụ huynh xông vào trường chửi mắng, đánh đập, nhục mạ thầy cô.

Tôi hỏi các đồng nghiệp ước mơ gì trong ngày Nhà giáo, nhiều người thẳng thắn chia sẻ, họ chỉ mong được làm đúng công việc chuyên môn của mình một cách yên ổn. Nghĩa là được toàn tâm toàn ý dạy học. Ước mơ đó thật giản dị biết bao, nhưng trong bối cảnh hiện nay, tôi biết không dễ thành hiện thực.

Năm ngoái có một cô giáo chia sẻ với tôi, vào dịp 20/11, phụ huynh điện thoại đến chúc mừng cô. Điều đáng nói là, sau khi vị phụ huynh ấy đọc rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và lớp học của con ông như một cách để giáo viên chiếu cố em học sinh đó, ông còn xin số tài khoản để chuyển tiền tặng cô, mừng ngày Nhà giáo. Dĩ nhiên, cô giáo thẳng thừng từ chối. Cô nói rằng mọi học sinh lớp cô phụ trách đều phải được học tập một cách bình đẳng như nhau, không có sự chiếu cố hay thiên vị gì cả. Còn chuyện quà cáp cô cũng không nhận, vì với cô, sự chuyên cần và thành quả học tập của học trò mới chính là món quà quý giá nhất.

Cách hành xử chuẩn mực của cô giáo dĩ nhiên không có gì để ta suy nghĩ. Song, hành vi của vị phụ huynh phần nào cho thấy, trong xu hướng xã hội hiện nay, nhiều người đã có cách nghĩ thực dụng mà không cần quan tâm đến cảm xúc, lòng tự trọng của người giáo viên.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh ngành Giáo dục đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều công việc mới đang được triển khai, đang được làm quen trên chặng đường phát triển như chương trình giáo dục phổ thông mới; sách giáo khoa mới… Trong khi đó, chế độ chính sách, sự đãi ngộ dù đã có nhiều cải thiện so với trước song chưa thể nói đã đáp ứng yêu cầu, thậm chí có những điểm chưa hợp lý, đây cũng chính là một trong những lý do khiến 16.000 giáo viên đã phải nghỉ việc trong hơn 2 năm qua.

Dù còn nhiều nỗi niềm, nhưng khi ngồi lại với nhau những ngày này, những người làm nghề giáo viên chúng tôi vẫn phấn khởi khoe những lời chúc mừng chân thành từ các em học sinh. Nhiều khi chỉ là một câu nói chúc mừng mộc mạc, vụng về nhưng chính sự tin yêu và gương mặt trong sáng của các em là động lực lớn nhất để chúng tôi tiếp tục công việc "đưa đò" của mình mỗi ngày.

Tôi và nhiều bạn đồng nghiệp cũng cảm nhận được sự quan tâm của xã hội, không khí ngày Nhà giáo rộn ràng khắp nơi trong những ngày này. Chúng tôi hiểu rằng không khí và sự quan tâm đó đến từ truyền thống "tôn sư trọng đạo", từ chủ trương xem giáo dục là quốc sách và càng ý thức được trách nhiệm của mình với các thế hệ tương lai đất nước.

Tính đến nay đã 40 năm, ngày Nhà giáo Việt Nam luôn được duy trì tổ chức, ngày càng phát triển và đã trở thành ngày lễ lớn không riêng với ngành giáo dục. Đó là một sự tôn vinh hết sức tự nhiên đối với sứ mệnh của các nhà giáo.

Đất nước đang trên đường phát triển, còn ngổn ngang, bộn bề nhiều vấn đề, giáo dục không phải là lĩnh vực ngoại lệ, giáo dục cũng chịu ảnh hưởng của những mặt trái xã hội hôm nay. Điều cần nhất lúc này những quyết sách căn bản, hiệu quả, kịp thời để thầy cô có thể an tâm sống và làm việc đúng với chuyên môn nghề nghiệp của mình. Đó là giải pháp cấp thiết để không chỉ các em học sinh mà thầy cô cũng thấy rằng mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!