Phụ huynh vác dao xông vào trường: Nốt lặng trước ngày nhà giáo
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trong chiều ngày 2/11 vừa qua đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Điệp (40 tuổi, ngụ tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi "làm nhục người khác".
Trước đó, ngày 31/10, người đàn ông này có hành vi xách dao xông vào Trường tiểu học Sơn Lâm đe dọa nhiều giáo viên và bắt hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi.
Nguyên cớ dẫn đến sự việc được lãnh đạo trường Tiểu học Sơn Lâm cho biết, vào tuần học trước đó, nhà trường gửi giấy mời cho các phụ huynh có con chưa nộp tiền mua bảo hiểm y tế (BHYT) đến trường để làm việc. Tuy nhiên phụ huynh Điệp không đến.
Tiết chào cờ sáng thứ hai (31/10), nhà trường phát loa thông báo gọi tên những học sinh chưa tham gia BHYT bắt buộc, yêu cầu các em này lên trước sảnh để nhà trường gặp. Tại cuộc gặp có hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và nhân viên trong trường. Các em học sinh bị hỏi rằng vì sao nhà trường gửi giấy mời cho phụ huynh nhưng không thấy đến. Chiều cùng ngày đã xảy ra vụ việc kể trên.
Nhìn từ góc độ pháp luật, hành vi phụ huynh xách dao vào trường bắt thầy giáo quỳ là sai trái và kết quả là ông Điệp đã bị khởi tố để điều tra về tội "làm nhục người khác". Về mặt đạo đức, việc dùng bạo lực để tấn công, đe dọa người khác là hành vi không thể chấp nhận được với bất kỳ ai, huống hồ là nơi trường học, xảy ra với thầy cô, lãnh đạo nhà trường.
Thật đáng buồn và xót xa thay, sự việc trên lại xảy ra khi ngày tôn vinh nhà giáo đang đến gần, khi nhiều nơi đang rộn ràng chuẩn bị cho hoạt động tri ân các thầy cô.
"Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy"; "Tôn sư trọng đạo"… Những đạo lý này ai mà không biết, không hiểu. Ấy vậy mà, trên cương vị một phụ huynh học sinh - một người lớn - lại có thể có những hành động thiếu kiềm chế và vi phạm pháp luật như vậy.
Điều đáng buồn hơn, không phải bây giờ mới xảy ra hiện tượng thầy cô giáo bị tấn công trong trường học. Trước đó đã nhiều lần xảy ra tình trạng phụ huynh vào trường dùng vũ lực đối với giáo viên, thậm chí là học sinh tấn công thầy cô của mình.
Chúng ta cần giải quyết thấu đáo và triệt để từng sự việc và cũng như tìm giải pháp căn cơ không để bạo lực xuất hiện trong môi trường giáo dục. Khi đi tìm nguồn gốc của bạo lực, chúng ta cũng cần soi xét sự việc trên nhiều góc độ. Ở đây, cần nhìn thấy trong sự việc cụ thể ở trên trách nhiệm từ hai phía để rút kinh nghiệm.
Hành vi của vị phụ huynh trên là hoàn toàn sai, không thể chối cãi, bao biện, song việc nhà trường gọi riêng các em học sinh chưa nộp tiền mua bảo hiểm y tế và phát loa thông báo toàn trường là thiếu tế nhị, thậm chí là phản giáo dục. Phía nhà trường cần xem lại cách ứng xử để tránh phân biệt giữa các nhóm học sinh, tránh gây tổn thương về mặt tâm lý cho học sinh cũng như dẫn đến sự tự ái và phản ứng tiêu cực của phụ huynh.
Các khoản đóng góp (trong đó có BHYT) có phải là bắt buộc hay không cũng phải căn cứ trên tình hình kinh tế, đời sống của mỗi gia đình học sinh. Trong trường hợp buộc phải đóng góp thì đối với một số học sinh không có điều kiện, nhà trường nên xem lại cách tiếp cận phù hợp để có cách thức thuyết phục, hoặc có thể phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh nghèo. Thời gian qua, báo điện tử Dân trí phát động Chương trình Nhân ái với tên gọi: "Tặng thẻ BHYT cho trẻ em khó khăn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long". Rất nhiều nhà hảo tâm, quý doanh nghiệp đã ủng hộ Chương trình và hàng nghìn thẻ BHYT đã được trao cho các em học sinh miền Tây.
Có thể thấy nhà trường và giáo viên đang ngày càng chịu nhiều áp lực, không chỉ về chuyên môn, giảng dạy mà còn là các vấn đề xã hội ảnh hưởng vào trường học, trong khi thu nhập của thầy cô còn khiêm tốn, không dễ dàng để sống bằng đồng lương. Vậy nên việc tạo môi trường giáo dục lành mạnh, chống bệnh thành tích (cả về chuyên môn và thực hiện các khoản thu theo quy định) không chỉ giúp học sinh mà ngay cả các thầy cô cũng thấy rằng "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Với trường hợp phụ huynh Võ Văn Điệp, như đã nói ở trên, hành vi của ông là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến và tính chất sự việc, một số ý kiến am hiểu pháp luật đã đánh giá cơ quan chức năng xử lý thỏa đáng, khi khởi tố kịp thời và chỉ điều tra tội "làm nhục người khác" ở khoản 1 (cải tạo không giam giữ 6 tháng đến 3 năm), không áp dụng tạm giam ông Điệp. Theo đó, nếu bên liên quan rút yêu cầu khởi tố thì có thể cơ quan chức năng sẽ có cơ sở xem xét đình chỉ điều tra. Chắc chắn rằng thông tin về quyết định khởi tố những ngày qua đã là một sự răn đe không chỉ với ông Điệp mà cả với những cái đầu nóng khác (nếu có).
Ở đây, ứng xử làm sao vừa có tính nhân văn, vừa thượng tôn pháp luật, thấu tình đạt lý, chính là hành động thiết thực nhất để thực hành việc giáo dục con người.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!