Khi giáo viên từ bỏ nghề cao quý
Cô giáo Nga - một bạn đồng nghiệp, than với tôi, cuối tuần vừa rồi khi cô đang dự cuộc họp ở trường thì có điện thoại phụ huynh học sinh gọi đến. Do hiệu trưởng đang phát biểu triển khai công việc quan trọng nên cô không thể nghe điện thoại được.
Cô có nhắn tin giải thích, nói phụ huynh nếu có việc gấp thì cứ nhắn, cô sẽ gọi lại ngay. Phụ huynh liền nhắn tin trách cô không lịch sự, không có văn hóa ứng xử, cô như thế thì sao dạy tốt cho học trò được. Cô Nga ấm ức suýt bật khóc, nhưng rồi cũng trấn tĩnh tinh thần, nhẹ nhàng nhắn tin xin lỗi phụ huynh.
Ngồi nghe bạn đồng nghiệp chia sẻ tâm sự, tôi nhớ lại những năm tiểu học ở trường làng. Cả xóm nghèo khó nên cái trường cũng lụp sụp, nắng thì nóng, mưa thì dột. Thầy cô cũng nghèo, ai khá lắm mới có chiếc xe chạy đi dạy, chớ hầu như toàn đi bộ.
Ngày ấy chúng tôi chỉ học một buổi, nên thời gian còn lại trong ngày thầy cô có thể đi làm ruộng, nuôi heo, trồng rau bán kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống khó khăn nhưng các thầy cô giáo luôn được người dân trọng thị. Ba má tôi lúc nào cũng lấy thầy cô ra làm tấm gương để dạy anh em chúng tôi. Sự tôn kính thầy cô có lẽ là nguyên nhân chính khiến thế hệ chúng tôi luôn noi gương người thầy. Những điều tốt đẹp thầy cô dạy, chúng tôi đều ghi khắc. Nhiều học sinh khá giỏi thời ấy nung nấu ước mơ sẽ trở thành giáo viên tương lai.
Tiếc là những năm gần đây, cũng là một người thầy giáo, tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp vì áp lực công việc đã và đang muốn từ bỏ "nghề cao quý", còn giới trẻ thì ngày càng thờ ơ với nghề giáo. Theo thông tin lãnh đạo ngành Giáo dục đưa ra trong một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc/1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân cứ 100 giáo viên có 1 người bỏ việc.
Áp lực đến từ nhiều chuyện trong nghề. Có những "chuyện thường ngày" như việc phụ huynh gọi điện, nhắn tin bất kể giờ giấc. Khi giáo viên bận việc không thể trả lời ngay, có những phụ huynh liền nhắn tin trách móc, nặng nhẹ, thậm chí méc với hiệu trưởng; nếu thầy cô không mềm mỏng thì phụ huynh đem vấn đề "văn hóa ứng xử", "đạo đức nhà giáo" ra để "giáo huấn".
Nhưng tình huống như cô Nga gặp kể trên không phải ai cũng dám sẻ chia. Nói với đồng nghiệp, với nhà trường thì họ sợ bị chê bai, trù dập. Tâm sự với người thân thì nhiều khi cũng không được thấu hiểu, cảm thông. Thầy cô phải tự gánh vác mọi áp lực trong nỗi đơn độc. Nhưng đây chưa phải áp lực lớn nhất khiến giọt nước tràn ly, có những khó khăn khác mà thầy cô dù yêu nghề cũng khó vượt qua.
Trước tiên, phải nói đến vấn đề thu nhập. Khi lương giáo viên hầu như không đủ để chính bản thân thầy cô giáo trang trải cuộc sống, thì làm sao họ có thể chuyên tâm dấn thân cống hiến cho nghề. Trong gia đình tôi, ông chú có đứa con theo nghề giáo đã nhẩm tính, từ khi con vào Đại học Sư phạm thì mỗi tháng bố mẹ phải chu cấp ít nhất bốn triệu đồng, gồm tiền thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt phí và mua sắm sách vở, giáo trình. Vậy mà, khi ra trường, phải trải qua kỳ thi tuyển viên chức đầy cam go mới được vào dạy ở một trường tiểu học trên địa bàn huyện, lương tháng đầu tiên cháu lãnh chưa tới ba triệu đồng. Người nông dân nhìn thấy bài toán đơn giản, đầu tư cho một đứa con đi học Sư phạm thì chỉ có thua lỗ, vì chi phí khi đi học còn cao hơn số tiền lương chính thức nhận được.
Hiện nay, không ít giáo viên trẻ mỗi tháng phải nhận thêm tiền hỗ trợ từ gia đình mới đủ sống. Theo tôi, đây là một trong những lý do khiến ngành Sư phạm ngày càng ít được giới trẻ ưu tiên lựa chọn, nhất là những học sinh giỏi, xuất sắc. Khi đầu vào nghề giáo không còn những người giỏi thì nền giáo dục của chúng ta chắc chắn đứng trước nguy cơ.
Có những bạn trẻ thực sự đam mê nghề giáo, sẵn sàng bỏ qua chuyện cơm áo gạo tiền để dấn thân cống hiến. Tuy nhiên họ lại phải đối diện với những áp lực khác. Tôi không dám nói là tất cả, nhưng qua những gì tôi biết trong môi trường sư phạm, có nơi người giáo viên không có tiếng nói đáng kể để bảo vệ cho lợi ích chính đáng của họ. Một giáo viên chia sẻ, họ bị cấp trên yêu cầu bằng mọi giá phải cho học sinh lên lớp, không để lưu ban. Gặp học sinh vừa học tệ, vừa đạo đức kém, giáo viên đã khiển trách các em nhiều lần trong quá trình dạy nhưng các em không cải thiện, cấp trên vẫn "chỉ đạo ngầm" là phải cho lên lớp, giáo viên sao dám làm trái.
Giáo viên đi dạy, họ ít lo lắng về chuyên môn, vì đã được đào tạo đầy đủ từ trường Sư phạm, và họ cũng luôn nỗ lực để không bị tụt hậu. Nhưng có hàng trăm thứ khác khiến họ vô cùng áp lực. Không ít thầy cô phải đến trường với rất nhiều nỗi lo sợ: sợ Ban Giám hiệu, Tổ trưởng chuyên môn bắt chẹt, trù dập; sợ đồng nghiệp cô lập; sợ cả ông bảo vệ của trường; sợ phụ huynh gây khó dễ thậm chí hành hung; sợ luôn học sinh mình đang dạy, vì chỉ chút sơ sẩy, các em sẽ mách với phụ huynh, rồi biết bao phiền hà lại ập đến.
Phải gánh bao nhiêu nỗi lo sợ đó, người giáo viên còn tâm sức đâu cho sự sáng tạo, cho việc chăm chút bài giảng, đổi mới phương pháp. Chưa kể đến, chuyện họp hành triền miên, các buổi tập huấn, thao giảng, các cuộc thi vô bổ; với biết bao hồ sơ sổ sách thầy cô phải hoàn thành hàng năm. Khi mọi thứ vừa đi vào ổn định thì lại có những chỉ đạo "cải cách" từ cấp trên, thầy cô lại phải bỏ hết để làm lại từ đầu. Những áp lực hữu hình và vô hình ấy đã khiến không ít giáo viên từ yêu nghề trở nên nguội lạnh đam mê, thậm chí chán ghét chính công việc của mình.
Gần đây, vấn đề giáo viên xin nghỉ việc đã được đặt ra khiến dư luận quan tâm, lo lắng. Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành đang thiếu giáo viên trầm trọng thì thực tế này càng cần được tìm hướng khắc phục nhanh chóng. Vấn đề là việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên không hề đơn giản, vì quy trình tuyển dụng hiện nay rất nhiêu khê, phức tạp. Hơn nữa, nguồn cung giáo viên ở các địa phương không đồng đều nên dễ dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ.
Cần khẳng định sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và xã hội cho giáo dục nói chung và nghề giáo nói riêng. Đây là điều không thể phủ nhận. Nhưng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cũng cần trả lời thấu đáo những câu hỏi về tình trạng nhiều thầy cô nghỉ việc và thiếu giáo viên hiện nay.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong đó đội ngũ thầy cô giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Phải chăng đã đến lúc cần có một chiến lược tổng thể cho ngành Giáo dục, chứ không thể giải quyết vấn đề theo kiểu "hỏng chỗ nào vá chỗ ấy" như hiện nay, bởi chuyện "trồng người" là chuyện hệ trọng, là chuyện "trăm năm".
Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!