"Cơ hội vàng" của nhà giáo
Thời gian qua, cho dù truyền thông đưa khá nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến ngành giáo dục, nhưng cá nhân tôi là một người làm việc trong ngành rất muốn chia sẻ rằng chúng ta đang đứng trước những điểm mới tích cực sẽ tạo đà phát triển cho giáo dục. Thậm chí thời điểm hiện nay là cơ hội vàng cho những nhà giáo mong muốn có sự đổi mới và được phát huy hết năng lực của mình.
Trước hết, chúng ta thử nhìn nhận vì sao lại có những ý kiến thiếu lạc quan về giáo dục? Vì nền giáo dục của chúng ta có quá nhiều tồn tại, hạn chế, hay thực ra đó là những vấn đề mà bất cứ nước nào cũng gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đổi mới ngành giáo dục nói riêng.
Qua nhiều trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế, chất lượng giáo dục Việt Nam còn được coi là hình mẫu về phát triển giáo dục với chi phí hợp lý. Cụ thể với giáo dục phổ thông, Việt Nam có các chỉ số giáo dục khá tốt qua các đánh giá như PISA hay của UNESCO. Các báo cáo trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia đang coi Việt Nam là một trường hợp điển hình cần nghiên cứu học hỏi.
Bên cạnh đó có thể dễ dàng nhìn thấy là tỷ lệ học sinh Việt Nam đủ trình độ để đi du học ngay sau khi học phổ thông ngày càng cao, kết quả thi vào các trường hàng đầu trên thế giới ngày càng nhiều… Thực tế đó cho thấy chúng ta cần phải ghi nhận rằng giáo dục phổ thông của Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định.
Thực tế rằng, rất hiếm nước nào người dân hài lòng về giáo dục quốc gia của mình. Nhiều báo cáo của các quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật Bản… các chuyên gia thẳng thắn bày tỏ quan ngại về chất lượng giáo dục của họ. Nhìn vào thực tế vấn đề tại Việt Nam, chúng ta cũng cần thừa nhận còn nhiều điểm cần khắc phục để có được cách tiếp cận tốt hơn cho giáo dục trong quá trình hội nhập.
Giáo dục là một ngành khoa học, nhưng nhiều khi công chúng thường có xu hướng đơn giản hóa và rất dễ dàng đưa ra các quan điểm cá nhân của mình với những phán xét và nghi ngờ không dựa trên nền tảng khoa học.
Chúng ta cũng có rất nhiều người tham gia vào quá trình tác nghiệp giáo dục mà thiếu đi sự hiểu biết nền tảng, và đôi khi chính việc đó vô tình gây khó khăn, dẫn đến tác dụng ngược lại với những người đang triển khai hoạt động giáo dục.
Dù sao, hơn ai hết những người đang làm việc trong ngành giáo dục cần bình tĩnh lắng nghe các góp ý và phản biện xã hội để từ đó tiếp thu có chọn lọc, sáng suốt đưa ra những quyết định dựa trên khoa học giáo dục để có một nền giáo dục tốt hơn cho học sinh Việt Nam.
Với đội ngũ giáo viên, tôi chia sẻ với các ý kiến nhận xét rằng trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một nước đang phát triển, đồng thời phải chịu áp lực lớn cả về tâm lý xã hội cho đến chuyên môn nghề nghiệp, các thầy cô giáo trên cả nước đã rất tận tụy và kiên nhẫn để thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Chúng ta cần phải nhận thấy và ghi nhận điểm sáng tốt đẹp này. Đồng thời nếu nhìn kỹ thì chúng ta sẽ thấy chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đổi mới giáo dục) đã bắt đầu đi sâu vào trong trường học, mang đến rất nhiều điểm tích cực và mở ra những cơ hội cho sự tiến bộ của giáo viên.
Ví dụ chương trình mới yêu cầu người giáo viên phải tự chủ hơn và trường học phải tự chủ hơn, có thể ứng dụng nhiều công nghệ trong giáo dục đào tạo để giúp bài giảng của mình, điều hành ở lớp được linh hoạt và hiệu quả hơn.
Trước đây chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta khá cứng nhắc, giáo viên rất khó đổi mới những nội dung đã được đóng khung. Nhưng bây giờ chương trình giáo dục của chúng ta cởi mở rồi. Các giáo viên nếu muốn đổi mới thì đây là cơ hội rất lớn và đặc biệt là các giáo viên trẻ, những người sẵn sàng cho những thay đổi.
Chỉ mới 5 năm trước thôi, một học sinh ở Hà Nội, TPHCM học gì thì cùng giờ đó, ngày đó, học sinh ở Mù Cang Chải hay hải đảo xa xôi cũng học nội dung đó. Rõ ràng sự cứng nhắc này là vấn đề. Còn bây giờ đã khác và sự chủ động, linh hoạt được trao cho người giáo viên.
Cá nhân tôi tin tưởng sâu sắc rằng giáo dục cần một cách tiếp cận đa dạng nên không thể có mô hình giáo dục hoàn hảo để đáp ứng tất cả nhu cầu của mọi người. Mỗi đứa trẻ là một cá nhân khác biệt, nhu cầu khác biệt nên không có một mô hình chung, một công thức chung cho trẻ được.
Quan trọng nhất là hiện nay tinh thần và nền tảng cho sự đổi mới đã có, vấn đề là giáo viên có tận dụng điều đó để khai thác, đổi mới được hay không. Nếu không thì ở thái cực ngược lại, nhiều giáo viên có thể còn phản đối những sự thay đổi đó vì tâm lý ngại thay đổi.
Lịch sử cũng cho thấy rất nhiều cuộc cải cách đều thất bại ở khâu triển khai của giáo viên cho nên năng lực triển khai là cực kỳ quan trọng. Cơ hội là rất lớn, chỉ là đội ngũ giáo viên có sẵn sàng hay không mà thôi.
Một điều nữa tôi cũng muốn nhấn mạnh là học sinh, phụ huynh, những người thụ hưởng sự đổi mới đó cũng cần thấu hiểu rằng trong quá trình chuyển đổi có thể sẽ có vấn đề, có thể nó sẽ có sạn nhưng về tương lai dài hạn không thể đi ngược lại thời đại được và nó sẽ tốt cho con em chúng ta.
Giáo dục Việt Nam vẫn luôn cần một hệ thống điều hành giáo dục hiệu quả, có tính cấu trúc cao và cần bổ sung ngay nguồn lực vào những mảng còn thiếu hụt ví dụ như về phát triển chương trình, chăm sóc tâm lý học đường…
Giáo dục đại học của Việt Nam đã định hình được mô thức mới, nơi mà học thật, làm việc thật, đầu vào dựa trên năng lực hơn là kết quả điểm thi đã bắt đầu hình thành. Giáo dục phổ thông đang manh nha khi áp dụng các cải cách mới và đây là cơ hội cho giáo dục phổ thông phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chúng ta đang trong giai đoạn rất thuận lợi cho việc cải cách và đổi mới. Nếu chúng ta đang là giáo viên thì phải tận dụng được quá trình cải cách này để thay đổi chính mình hơn là bị cải cách đó cuốn đi.
Cuối cùng, ngày Nhà giáo là dịp để mỗi chúng ta nghĩ về những người thầy của mình. Trên thế giới cũng có nhiều nước có ngày thầy giáo (Teacher's Day) nhưng quan điểm giáo dục của phương Tây về người thầy đơn giản hơn. Đối với họ thầy giáo cũng là một nghề, một công việc như nhiều công việc khác và họ không có khoảng cách lớn như là người thầy trong quan niệm giáo dục phương Đông.
Người thầy ở xã hội phương Đông ngoài nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, giúp học trò phát huy được tối đa năng lực của mình, còn có những sứ mệnh xã hội khác. Chính vì vậy nghề giáo viên được tôn vinh nhưng cũng có những đòi hỏi mà tất cả chúng ta phải nỗ lực hơn.
Tác giả: TS. Đàm Quang Minh từng là Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó. Hiện nay ông là chủ tịch một số Trường Phổ thông trong hệ thống giáo dục EQUEST và là một chuyên gia về đổi mới giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!