BOT và học phí
Dư luận đang lên tiếng lo ngại vì học phí đại học năm nay tăng rất cao. Nghị định 81 quy định học phí đại học khá kỹ, khá rõ các mức khung. Nhưng bên cạnh cửa khẩu chính ngạch thì vẫn còn rất nhiều "đường mòn, lối mở" để các trường vận dụng.
Nghị định 81 cho phép các ngành đạt kiểm định chất lượng được tự xác định mức học phí phù hợp. Và thế là có tình trạng các trường đổ xô vào làm kiểm định.
Kiểm định là tốt, nhưng chạy theo kiểm định vì học phí, để được quyết học phí ngoài trần quy định thì đó đơn thuần chỉ là thủ tục, là bệnh giấy tờ.
Tôi đã thử xem một số bộ hồ sơ kiểm định ngành học, riêng đầu mục các loại giấy tờ đã gần 200 trang, nếu tập hợp, nộp đủ thì cả nghìn loại tài liệu, minh chứng. Loại có sẵn thì cũng phải tìm, loại chưa có thì phải chế tạo thêm ra. Từ biên bản họp tổ, họp khoa, đề án mở ngành, kịch bản ngày hội tuyển sinh đến tin nhắn trao đổi giữa cố vấn học tập với sinh viên, tất tật đều phải lên danh mục, in ra và nộp…
Thủ tục, giấy tờ chất kín cả góc nhà nhưng thực chất vẫn là thầy đấy, vẫn bài giảng đấy, chưa chuyển hóa thành chất lượng được mà nhiều nơi chỉ chuyển hóa thành sự vất vả. Đáng lẽ theo tiến độ năm nay kiểm định một ngành này, sang năm hay năm sau nữa cân nhắc xem ngành nào đủ điều kiện kiểm định được. Nhưng bây giờ nhiều trường kiểm định ào ạt nhiều ngành cùng lúc, để những ngành học đó được quyết mức học phí theo cách của mình. Kiểm định cũng là dịch vụ, nên trung tâm nào khắt khe, khó tính thì các trường sẽ không chọn. Vậy nên có chương trình nào kiểm định mà không đạt đâu?
Với mức đầu tư xã hội hiện nay, học phí là nguồn thu chính của các trường đại học. Tỷ lệ đầu tư nhà nước ngày càng ít đi. Việc tăng được nguồn thu cũng thể hiện tài năng của người đứng đầu nhà trường. Cho nên là đây thành một làn sóng?
Như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu và tôi đã đề cập ở trên, năm nay có những ngành tăng học phí rất cao. Ví dụ có nơi ngành y, dược thu đến gần 80 triệu đồng/năm. Rất nhiều ngành tăng, đặc biệt là những ngành gọi là chất lượng cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chuẩn đầu ra như nhau cho nên là nhiều trường không gọi chất lượng cao nữa mà gọi là chất lượng quốc tế, tức là linh hoạt từ ngữ thôi nhưng để thu học phí cao lên. Làm sao chất lượng cao khi đầu vào thấp hơn và mẫu số chung chỉ là tăng một số tiết tiếng Anh, phòng học có điều hòa, giảm số lượng sinh viên một chút.
Tôi cho rằng những "đường mòn, lối mở" của Nghị định 81 ấy có thể tăng nguồn thu cho một số trường đại học nhưng nó sẽ khiến rất nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng phải nói rõ thế này, thậm chí có trường ngành học ấy không mở chất lượng thường mà chỉ mở chất lượng cao.
Bây giờ dự án BOT giao thông yêu cầu là đường cũ giữ nguyên, mở đường mới ra được tốt hơn. Ai có tiền thì đi đường mới, nhưng ít tiền thì vẫn đi được, chỉ là đường cũ hơn, có thể là đường xấu hơn, gập ghềnh hơn. Còn trong giáo dục, nhiều trường đại học bây giờ cũng làm BOT nhưng theo kiểu độc đạo.
Có ngành không còn chương trình đại trà nữa, chỉ còn chương trình chất lượng cao. Có trường đại học công lập lớn như báo chí phản ánh, cùng ngành học, đại trà thì học phí 20-30 triệu đồng, nhưng nay không còn chương trình đại trà thì học phí tăng gấp đôi, thậm chí lên 60 triệu đồng/năm. Không còn những ngành đại trà đấy nữa thì chỉ có con em nhà giàu mới được học những ngành này. Đây là vấn đề xã hội lớn hơn chuyện nguồn thu và tư duy thu của các trường.
Học phí đang là nguồn thu chính của các trường. Tăng học phí sẽ ít ai phản đối nếu chất lượng tăng. Tuy nhiên, cơ chế giải trình chưa rõ ràng và trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay thì cần một câu trả lời rõ ràng và sòng phẳng.
Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!