Mong mỏi miễn học phí, giảm giá xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn vừa đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Đây không phải lần đầu vấn đề miễn học phí đối với cấp THCS được đặt ra. Từ năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình. Tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.
Như vậy đây là vấn đề đã được cân nhắc trong nhiều năm. Với quan điểm coi giáo dục là quốc sách và trong bối cảnh áp lực lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao như hiện nay thì thiết nghĩ đã đến lúc các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề xuất của ngành Giáo dục.
Năm học 2022 - 2023, các địa phương sẽ thực hiện nghị định 81 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, TPHCM đã dự thảo nghị quyết theo hướng các bậc học (không tính tiểu học) đều sẽ tăng học phí. Các tỉnh, thành khác dù chưa tính đến việc điều chỉnh học phí, song các tin tức về giá sách giáo khoa mới, các khoản chi sẽ phải đóng đầu năm học và nhất là những đợt tăng giá xăng dầu vừa qua…, đã trở thành áp lực cả về tâm lý cũng như thực tế chi phí cuộc sống hàng ngày của người dân. Bởi vậy, việc Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cấp THCS và mới đây Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế (bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng) với xăng dầu, chắc chắn đang được người dân mong mỏi hơn bao giờ hết, khi trở thành quyết sách chính thức thì đây chính là "cơn mưa giữa mùa nắng hạn".
Đây không chỉ câu chuyện giảm gánh nặng cơm áo của từng gia đình mà còn là quyết sách góp phần ghìm giá cả leo thang, không để ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.
Nhìn ra thế giới, không ít các quốc gia đã thực hiện bao cấp học phí, sách vở cho học sinh. Ví dụ Hàn Quốc, từ năm 2021, nước này đã miễn học phí cho cả 3 cấp học. Trong bối cảnh giá dầu mỏ tăng mạnh, nhiều nước đã giảm thuế giá trị gia tăng (Bỉ, Ba Lan, Croatia); giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (Australia, Thái Lan, Hà Lan...); một số quốc gia có chính sách trợ giá năng lượng bằng ngân sách cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt nhóm thu nhập thấp và trung bình (Pháp, Nhật Bản).
Riêng vấn đề học phí, trong 63 tỉnh, thành thì Hải Phòng đã áp dụng miễn 100% học phí từ mầm non đến THPT; còn TPHCM từng đề xuất miễn học phí cho bậc THCS từ năm 2018 song chưa thực hiện. Như vậy nếu đề xuất của Bộ GD&ĐT được phê duyệt thì sẽ đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh trên toàn quốc, tránh tình trạng "xôi đỗ" nơi miễn, nơi thu.
Theo tính toán, với khoảng 5,5 triệu học sinh THCS và học phí bình quân là 2 triệu đồng/năm học thì ngân sách cấp bù miễn học phí khoảng 11.199,8 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất của Bộ GD&ĐT, dự kiến ngân sách Nhà nước phải tăng thêm 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81). Trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tác động để trình các cấp có thẩm quyền theo hướng giảm khó khăn cho phụ huynh và học sinh, phù hợp với tình hình và điều kiện của đất nước tại thời điểm hiện nay.
Với diễn biến tích cực thu ngân sách trong nửa đầu năm (ước đạt 66,1% dự toán), người viết tin tưởng rằng, khoản cấp bù miễn học phí hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước. Mong rằng những quyết sách hợp lòng dân sẽ được quyết sớm!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!