Phí nghỉ trưa và tình bạn học trò
Sự việc trường THPT Marie Curie (TPHCM) thu phí học sinh nghỉ trưa 15.000 đồng/buổi kéo theo những tranh cãi trái chiều, rằng như vậy là quan tâm đến học sinh hay lạm thu?
Theo lãnh đạo nhà trường, học sinh nào có nhu cầu thì đăng ký tham gia, còn không các em có thể về nhà, nghỉ trưa ở hành lang hoặc các khu vực khác trong trường.
Sự việc khiến tôi nhớ lại thời học cấp 3, hết giờ học buổi sáng, bác bảo vệ sẽ đi khóa hết các cửa, chiều có lớp học lại mở ra. Chúng tôi vạ vật ngoài sân, tìm bóng cây ngả lưng hoặc nằm ở hành lang lớp học, lấy dép và cặp sách làm gối. Không ngủ thì ngồi buôn chuyện. Thỉnh thoảng bác bảo vệ thương mở cửa cho vào, nhưng lũ học trò lại thích "tự do" hơn, thích được tự quyết định là sẽ chơi hay vào lớp ngủ.
Các em học sinh bây giờ thường phải sinh hoạt theo giờ giấc cố định, nhất là ở các thành phố lớn và nếu học bán trú, trưa ở lại trường. Còn lũ trẻ thời tôi có cái thú trốn nhà đi chơi trưa, từ những đứa 3-4 tuổi đến những đứa 15-16, nghe tiếng bạn gọi thì kể cả đào tường khoét vách cũng đi (thời đó là nhà tranh vách nứa). Chúng tôi học hỏi nhau, vui vẻ với nhau, đánh nhau qua những buổi trưa đó, rồi đêm về chưa đến 10h đã lăn quay ra ngủ, chân tay vẫn còn lấm lem bùn đất.
Dù có bị bố đánh, mẹ la cũng vẫn bỏ giường ngủ để đi chơi với bạn. Đám bạn của tôi còn nhiều lần thực hiện những phi vụ "cứu" tôi khỏi căn nhà đang khóa. Khi ngồi nhớ lại những kỷ niệm, tôi tự hỏi "ngủ trưa trong nhà tốt thế sao lũ trẻ chúng tôi không thích?". Tôi nhận ra rằng, chúng tôi thích có bạn hơn ngủ trưa trong nhà. Hễ có thời gian rảnh rỗi, chúng tôi muốn tìm kiếm nhau, cùng nhau leo trèo, chơi trốn tìm, đánh trận giả, bắt chuột, lấy củi và khám phá thiên nhiên.
Cũng có hôm chúng tôi đến nhà một đứa trong nhóm để ngủ và ăn hết nồi sắn luộc cho bữa chiều của gia đình nó. Khi ở bên nhau, đứa nào chơi thì cứ chơi, đứa nào ngủ thì cứ ngủ; khỏe thì chơi, mệt thì ngủ, suốt cả 4 mùa.
Theo Tâm lý học phát triển, nhu cầu kết bạn và duy trì tình bạn khởi phát từ tuổi ấu thơ và kéo dài suốt thời kỳ trưởng thành. Con người luôn muốn được tự do để kết nối.
Tất nhiên tuổi thơ của chúng tôi không có những yếu tố nguy cơ đối với trẻ em như điện thoại, máy tính, game, xe cộ, ma túy, buôn bán người, học tập quá mức … như bây giờ. Nhưng tâm hồn trẻ thơ thì vẫn vậy. Giờ con cháu của tôi cũng thế. Mỗi khi nhà có việc, anh em chúng nó chui vào gầm giường ngủ cũng được, miễn là được ở bên nhau. Những người lớn muốn tách chúng ra để ngủ, thì hoặc là chúng tìm cách giữ liên lạc với nhau, hoặc là khóc lóc kêu gào để được nằm cạnh nhau.
Các nghiên cứu giáo dục đã chỉ ra rằng thành tích học tập và các mối quan hệ bạn bè gắn liền với nhau từ những năm đầu đi học, nơi bạn bè đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến sự điều chỉnh, thái độ và hành vi ở trường của học sinh.
Chẳng hạn, khi quan sát các học sinh tuổi từ 11-16, các nhà nghiên cứu nhận thấy, kết nối với bạn bè sâu sắc làm tăng thành tích học tập. Nghiên cứu khác tại Phần Lan ở hơn 1.000 học sinh tuổi trung bình 16 chỉ ra tình bạn có tác động tới sự tham gia của các em vào các hoạt động của nhà trường, điều mà giải thích tại sao thành tích học tập tăng lên. Các nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học đường chỉ ra, mức độ gắn kết với bạn dự báo tương ứng mức độ sức khỏe tâm thần. Ở những người gặp khó khăn về phát triển thần kinh hoặc gia đình bất hòa, chất lượng tình bạn có thể điều hòa để chống lại hậu quả về sức khỏe tâm thần.
Nhiều bằng chứng cho thấy tình bạn dễ phát triển ở những học sinh có "địa vị xã hội" tương đương nhau. Vì vậy, theo tôi thu phí ngủ trưa là đúng khi chúng ta nhìn dưới góc độ chi phí cơ sở vật chất và quản lý, nhưng có thể dẫn đến những hệ quả ngoài mong muốn. Đó là, việc nhà trường "đóng cửa" với những em không nộp tiền nghỉ trưa có thể tạo ra suy nghĩ về bất bình đẳng thu nhập và phân biệt đối xử khi sử dụng tiện ích xã hội.
Chúng ta thấy phí ngủ trưa chỉ bằng giá ly cà phê vỉa hè, nhưng khi được nhân lên theo số ngày học trong tháng, nó sẽ là khoản chi phí đáng kể đối với một gia đình có thu nhập khiêm tốn. Chúng ta cũng biết rằng, trường học là đơn vị sự nghiệp được hưởng ưu đãi từ nhà nước (kể cả trường tư cũng được ưu đãi), nhằm mục tiêu giúp người dân được tiếp cận một cách bình đẳng các tiện ích xã hội để phát triển bản thân.
Trong khi đó tổ chức ngủ trưa có thu phí là cung cấp nguồn lực hưởng ưu đãi xã hội (lớp học, bàn ghế…) cho những trường hợp có chọn lọc. Đành rằng là cha mẹ, ai cũng muốn con mình sẽ được hưởng những gì tốt nhất và giúp họ có thể quản lý con tốt nhất. Tuy nhiên những gia đình không đóng phí nhiều khả năng họ đang gánh áp lực tài chính. Những tranh cãi của cộng đồng trong thời gian qua phần nào phản ánh vấn đề này.
Từ góc độ một người nghiên cứu về tâm lý, tôi quan tâm đến việc nếu hoạt động nghỉ trưa có thu phí kéo dài và mở rộng quy mô sang các nhà trường khác nhau, tình bạn giữa các em học sinh ở những ngôi trường đó có thể thay đổi như thế nào? Ví dụ, hai đứa trẻ chơi thân với nhau, sau bữa trưa một em bắt buộc vào lớp điểm danh để ngủ và một em thì chờ ở bên ngoài. Điều gì sẽ xảy ra trong nhận thức và cảm xúc của những đứa trẻ về địa vị của chúng, về quyền ưu tiên, về sự bình đẳng và công bằng?
Cũng chẳng có gì sai nếu một người nghĩ rằng "Khi tôi có tiền, tôi muốn con tôi được thoải mái nhất", hoặc là "Người lớn phải có trách nhiệm bảo vệ con trẻ". Người lớn đóng tiền - thu tiền một lần, nhưng trẻ em trải nghiệm nhiều buổi trưa chúng không được ở cùng với bạn.
Trong tình huống lưỡng nan khi mà mỗi bên đều cảm thấy có lý với ý kiến của mình, việc quan sát lại toàn bộ hoạt động của những người liên quan là cần thiết. Điều này giúp chúng ta trở lại điểm tiếp cận ban đầu và có thể tìm được lối ra, như tính toán chi phí và sự đồng thuận của phụ huynh.
Tôi chỉ nghĩ rằng, khi người lớn quyết định điều gì với đứa trẻ thì nên xem xét tới thứ chúng thực sự cần, trong đó có tình bạn. Đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận tiện ích trường học cho các em không có nghĩa là cào bằng. Nhưng tôi tự hỏi rằng, nếu những đứa trẻ đã đủ lớn và nếu nhà trường và gia đình thực sự coi trẻ em là trung tâm, sao không để chúng có cơ hội lên tiếng sắp xếp ngủ trưa như thế nào?
Khi mối quan hệ trong lớp học được xây dựng trên tình bạn thân thiện, tôi tin rằng các em có hoàn cảnh khó khăn vẫn được chào đón vào lớp học để nghỉ trưa. Và như vậy chúng ta sẽ tạo môi trường lành mạnh cho thực hành tình bạn của các em. Hãy dành những gì tốt nhất cho các em, còn những gì "khó nói" thì nhà trường và các phụ huynh có thể ngồi lại tìm giải pháp.
Tác giả: Tiến sĩ Lê Thị Huyền Trang tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên tại Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; nhận học bổng của chương trình NORPART (Na Uy) về sức khỏe tâm thần toàn cầu cho trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp.
Hiện Tiến sĩ Trang đang nghiên cứu độc lập và trị liệu lâm sàng về các rối loạn liên quan đến căng thẳng tại Viện Nghiên cứu lâm sàng về xã hội, tâm lý và giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!