Bệnh cúm: Vòng tròn của sự chủ quan và nỗi sợ hãi
Kể từ năm 1900 đến nay, cúm đã gây ra 4 đại dịch trên toàn cầu, với đại dịch cúm gần nhất là cúm A(H1N1)pdm09 xuất hiện năm 2009 mà hậu quả là đến giờ, 15 năm sau đại dịch, các chủng cúm A(H1N1)pdm09 đã trở thành cúm mùa và chiếm tới trên 80% các trường hợp mắc.
Bệnh cúm là một bệnh rất phổ biến, nên có thể vì thế mà sự chủ quan của cộng đồng đến từ sự quen thuộc với loại bệnh này. Khi còn trẻ, chúng ta mắc bệnh cúm, không chỉ một mà là nhiều lần, rồi cứ vậy, một vài năm một lần, chúng ta dần trở nên quen thuộc với bệnh và nghĩ rằng bệnh cúm là bệnh nhẹ, không cần chữa cũng sẽ khỏi. Mọi người quên mất rằng chúng ta đang già đi, người thân chúng ta đang già đi, và bệnh cúm chỉ chờ có vậy.
Ai cũng có thể mắc cúm, nhưng những người có nguy cơ tiến triển thành cúm nặng tập trung vào người cao tuổi (trên 65 tuổi), người mắc bệnh lý nền như bệnh lý tim, phổi mạn tính, tiểu đường, xơ gan, các bệnh lý ung thư, những bệnh nhân điều trị thuốc ức chế miễn dịch… Đây là những người có nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh cúm.
Chính vì vậy theo thời gian, khi chúng ta già đi, khi có bệnh lý nền thì nguy cơ trở thành nạn nhân của bệnh cúm cao hơn. Và không phải mỗi bản thân chúng ta già đi, bố mẹ và người thân của chúng ta cũng vậy, và thực tế là ai cũng có thể bị cúm nặng, thậm chí tử vong vì "lưỡi hái" của bệnh cúm.
Năm 2024, cả nước ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm, 8 ca tử vong. Tuy số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108), nhưng số tử vong tăng 5 trường hợp. Hiện nay bệnh cúm có chiều hướng gia tăng, một số trường hợp nhập viện và phải thở máy.
![Bệnh cúm: Vòng tròn của sự chủ quan và nỗi sợ hãi - 1 Bệnh cúm: Vòng tròn của sự chủ quan và nỗi sợ hãi - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/lyBJ1fP0xbKipNzYYyBX0lTmyS0=/2025/02/08/cum-a1censored-1738829812373-1738994479642.jpg)
Một bệnh nhân lớn tuổi mắc cúm A được điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Chúng ta luôn đổ tội cho mỗi dịch cúm là virus đang trở nên nguy hiểm hơn, độc tính virus cao hơn mà quên mất việc chính chúng ta lơ là, chủ quan nên mới trở thành nạn nhân của bệnh cúm.
Rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và bệnh cảm cúm (còn gọi là cảm lạnh). Bệnh cúm là bệnh do virus cúm gây ra, có tên khoa học là influenza virus. Các virus cúm có thể gây ra bệnh cúm ở người, bệnh cúm ở gia cầm, bệnh cúm mùa, bệnh cúm đại dịch.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm rất đơn giản, bao gồm sốt, ho, hắt hơi chảy nước mũi, đau mỏi người nhưng người bệnh có thể tiến triển nhanh chóng thành viêm phổi, suy hô hấp và tử vong.
Bệnh cảm cúm (hay cảm lạnh) cũng rất phổ biến, nhưng đây lại là bệnh do các virus như parainfluenza, adenoviruses, enteroviruses… Các virus này cũng gây ra triệu chứng giống bệnh cúm nhưng mức độ nhẹ hơn, hiếm khi gây ra triệu chứng nặng cũng như tử vong.
Do sự chồng lấp về triệu chứng, phần lớn cộng đồng sẽ không phân biệt được hai bệnh cảnh (triệu chứng khi mắc bệnh) này và đánh đồng tất cả các triệu chứng giống cúm đều nhẹ như nhau. Sự chủ quan đó khiến nhiều người coi thường việc khám bệnh, tự ý sử dụng thuốc cũng như đến viện khi đã muộn.
Năm nào cũng có dịch cúm, và cộng đồng luôn tò mò rằng dịch cúm năm nay có gì khác so với năm trước không mà thấy thông báo số ca mắc nặng lại tăng, số ca nhập viện tăng.
Thực tế từ khi cúm H1N1 gây ra đại dịch vào năm 2009 trở thành cúm mùa, virus cúm không biến đổi nhiều trong vòng 15 năm qua. Sự gia tăng số ca mắc nặng và số ca tử vong không thực sự phản ánh cho độc lực virus tăng hay virus biến đổi, mà gián tiếp cho thấy việc lây lan cúm trong cộng đồng đang diễn biến mạnh.
Mặc dù các biện pháp phòng bệnh cúm rất đơn giản, như tiêm vaccine, che chắn khi ho và vệ sinh đường hô hấp đúng cách, cách ly ca bệnh, vệ sinh bàn tay nhưng không phải ai cũng nhận thức được đó là các biện pháp hiệu quả nhất.
Những người từng tiêm vaccine cúm thường xuyên kêu ca là tiêm rồi nhưng vẫn mắc bệnh, mà họ quên mất rằng hiệu quả của vaccine không phải chỉ là phòng nhiễm cúm, mà còn giúp cho họ bị mắc cúm nhưng không tiến triển nặng, có tiến triển nặng cũng không bị nguy kịch, có nguy kịch nhưng sẽ giảm tỷ lệ tử vong.
Cùng với đó, các thói quen, hành vi của chúng ta cũng cần thay đổi, như hạn chế đi thăm người ốm trong mùa dịch, thông báo cho nhà trường khi con em chúng ta có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp, rửa tay thường xuyên…
![Bệnh cúm: Vòng tròn của sự chủ quan và nỗi sợ hãi - 2 Bệnh cúm: Vòng tròn của sự chủ quan và nỗi sợ hãi - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/IUIosQ0T-MqHpPVkKQoL9eY6YHU=/2025/02/08/9ba1887d83e33cbd65f2-1738918666210-1738994745692.jpg?watermark=v1,v2)
Bệnh nhân cúm thở máy đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Thùy Dương).
Do bệnh cúm là một bệnh tiềm ẩn nguy cơ thành đại dịch, nên sự chủ quan của cộng đồng sẽ dần bị lấn át và trở thành nỗi sợ hãi mỗi khi có những trường hợp đầu tiên tử vong, đặc biệt khi người tử vong là người của công chúng, những người nổi tiếng. Theo báo Dân trí, ngay từ thời điểm Tết Nguyên đán và đặc biệt là sau khi thông tin nữ minh tinh Từ Hy Viên tử vong vì bệnh cúm được đưa tin rộng rãi, lượng người đi tiêm vaccine cúm nhiều nơi ở nước ta đã tăng mạnh.
Trong bối cảnh trên, hàng loạt loại thực phẩm chức năng, các thuốc không rõ nguồn gốc lại được quảng bá tràn lan, thậm chí những thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh được bán không cần đơn, hoặc được bán với những mức giá ở trên trời. Hậu quả của sự sợ hãi là những tổn thất đáng kể về kinh tế, về tinh thần. Hiện tại, không một loại thực phẩm chức năng nào đã được chứng minh là có hiệu quả phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng hay điều trị được bệnh cúm.
Giống như mọi dịch, đại dịch là sau giai đoạn đỉnh dịch, dịch sẽ dần thoái lui. Tất cả những người thoát khỏi dịch, sống sót và hồi phục sau dịch sẽ lại sớm quay trở lại cuộc sống bình thường và lại dần lãng quên cũng như chủ quan với bệnh cúm. Chỉ những người yếu thế, những người có nguy cơ cao sẽ không còn cơ hội nói lên bài học đối phó với dịch vì họ đã ở lại phía sau.
Với những thay đổi về kinh tế xã hội, chúng ta đang dần đông đúc hơn, ngày càng già đi và càng ngày càng có nhiều các bệnh lý về chuyển hóa, chắc chắn câu chuyện về bệnh cúm sẽ còn được kể tiếp tục năm này sang năm khác nữa và chắc chắn thế giới sẽ còn đối mặt với một đại dịch cúm tiếp theo. Chỉ có điều chúng ta không biết khi nào đại dịch sẽ xảy ra.
Nếu chúng ta sống sót qua mỗi vụ dịch, hãy chuẩn bị tốt nhất cho bản thân để vượt qua vụ dịch tiếp theo thay vì chủ quan nghĩ rằng mình sẽ mãi mãi may mắn. Cách tốt nhất để đối phó với dịch chính là chủ động tiêm vaccine, chủ động thay đổi hành vi và tự bảo vệ bản thân bằng cách tuân thủ những khuyến cáo khoa học.
Tác giả: TS.BS Vũ Quốc Đạt là giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú tại Trường Đại học Y Hà Nội, có kinh nghiệm điều trị các bệnh lý nhiễm trùng nặng và thực hiện các nghiên cứu liên quan đến các bệnh truyền nhiễm tại Việt nam. Đồng thời ông là thành viên nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật cho các bệnh nhiệt đới bị lãng quên của Tổ chức Y tế Thế giới.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!