Cúm A "nóng": Nhà thuốc hét giá 80.000 đồng một viên Tamiflu

Nhóm PV Sức khỏe

(Dân trí) - Các chuyên gia y tế cảnh báo việc tự ý sử dụng thuốc có thể gây nguy hiểm, đồng thời khuyến cáo người dân nên thăm khám và tuân theo chỉ định của bác sĩ khi điều trị cúm A.

Loạn giá thuốc Tamiflu

Sự gia tăng của các ca mắc cúm A, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc trong thời gian vừa qua khiến thuốc Tamiflu trở thành một mặt hàng được "săn lùng".

Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Dân trí, nhiều cửa hàng thuốc tại Hà Nội hết sạch thuốc Tamiflu, trong khi một số khác có tình trạng giá thuốc tăng cao do nhu cầu lớn.

Tại một nhà thuốc lớn ở đường Láng Hạ, sau khi phóng viên mô tả mình có các triệu chứng như: ho, nhức đầu, sổ mũi, đau người, nhân viên liền khẳng định đây là triệu chứng của bệnh cúm A.

Khi đề cập việc muốn mua thuốc Tamiflu để điều trị, nhân viên nhà thuốc không hỏi đơn thuốc của bác sĩ (Tamiflu là thuốc kê đơn) mà tư vấn luôn liều dùng.

Cúm A nóng: Nhà thuốc hét giá 80.000 đồng một viên Tamiflu - 1

Một quầy thuốc trên đường Láng Hạ bán với giá 83.000 đồng/viên Tamiflu (Ảnh: P.V.).

"Nếu đã bị 7 ngày rồi thì chỉ cần uống thuốc 3 ngày thôi, mỗi ngày uống 2 viên", người này tư vấn.

Tại cửa hàng này, giá bán thuốc Tamiflu là 83.000 đồng/viên.

Nhân viên nhà thuốc còn cho biết, đây là thuốc ngoại của Thụy Điển và là hàng nhập khẩu chính ngạch, không phải xách tay.

Giá thuốc đã tăng thêm 10.000 đồng/viên so với tuần trước. "Hiện nhà thuốc chỉ còn một hộp này thôi", nhân viên nhà thuốc nói.

Tại một nhà thuốc khác ở quận Đống Đa, người bán thông báo hết thuốc Tamiflu do nhiều người mua, phải chiều tối hoặc sáng hôm sau thuốc mới về lại.

Cúm A nóng: Nhà thuốc hét giá 80.000 đồng một viên Tamiflu - 2

Một quầy thuốc tại quận Đống Đa đã hết sạch thuốc Tamiflu tại thời điểm ghi nhận (Ảnh: P.V.).

Khi được hỏi về giá thành, người bán cho biết hiện giá niêm yết trên hệ thống là 510.000 đồng cho mỗi hộp 10 viên nhưng đến hôm sau giá thuốc có thể thay đổi.

Ghi nhận tại các nhà thuốc ở đường Giải Phóng, đoạn đối diện Bệnh viện Bạch Mai cũng có tình trạng loạn giá thuốc Tamiflu.

Trong khi hầu hết các nhà thuốc lớn và nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc yêu cầu cần có đơn của bác sĩ mới được mua Tamiflu, thì việc mua loại thuốc này lại khá dễ dàng ở các quầy thuốc nhỏ.

Cúm A nóng: Nhà thuốc hét giá 80.000 đồng một viên Tamiflu - 3

Ở mỗi nhà thuốc trên đường Giải Phóng lại có một mức giá cho thuốc Tamiflu (Ảnh: P.V.).

Hỏi mua thuốc Tamiflu tại nhà thuốc T.A.D., người bán thông báo giá 80.000 đồng/viên. Khi phóng viên mô tả các triệu chứng bệnh, người bán tư vấn cần uống 5 ngày, mỗi ngày 2 viên Tamiflu. Tuy nhiên, người này cũng khẳng định không bán thuốc nếu không có đơn.

Ở nhà thuốc L.T. ngay gần đó, thuốc Tamiflu lại có giá chỉ 52.000 đồng/viên. Tại đây cũng chỉ có thể mua được thuốc nếu có đơn của bác sĩ.

Trong khi đó, cũng tại một nhà thuốc trên đường này, Tamiflu được bán với giá lên đến 850.000 đồng/hộp và không cần đơn thuốc. Khi chúng tôi phàn nàn giá thuốc quá cao, nhân viên cho biết có thể mua lẻ thuốc theo viên.

Người này cũng khẳng định thuốc đang rất khan hiếm và cửa hàng chỉ còn một hộp duy nhất.

Cúm A nóng: Nhà thuốc hét giá 80.000 đồng một viên Tamiflu - 4

Nhân viên tại một quầy thuốc trên đường Giải Phóng khẳng định chỉ còn một hộp Tamiflu duy nhất trong cửa hàng do dịch cúm A gia tăng (Ảnh: P.V.).

Nhiều nhà thuốc khác ở gần đó cũng chào bán Tamiflu với giá trên dưới 80.000 đồng/viên, kèm lời giải thích thuốc tăng do có dịch cúm A.

Theo thông tin từ một hệ thống nhà thuốc lớn có chi nhánh trên toàn quốc, so với trung bình tháng 12, thì từ mồng 4 Tết (tức 1/2 dương lịch) đến nay lượng khách đến hệ thống này mua các nhóm hàng liên quan đến ho, cảm cúm như: siro ho, viên ngậm ho, khẩu trang tăng 15% đến 25% tùy từng nhóm.

Mỗi ngày đang có khoảng hơn 100.000 lượt khách mua các sản phẩm liên quan đến các nhóm cảm cúm, viên ngậm siro ho, khẩu trang nêu trên. Tuy nhiên số này chỉ là thống kê tương đối, mang tính tham khảo. Chi phí dao động khoảng 110.000 đồng - 130.000 đồng trên mỗi hóa đơn.

Tamiflu nhan nhản chợ mạng, giá rẻ bất ngờ

Khác với tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu ở các nhà thuốc truyền thống, trên mạng xã hội Facebook, không khó để tìm được người bán loại thuốc này.

Trong nhóm "Hội nhà thuốc, quầy thuốc Việt Nam", nhiều tài khoản đăng bài bán thuốc Tamiflu.

Theo ghi nhận, có 2 loại thuốc Tamiflu được bán phổ biến nhất, được người bán gọi với tên lóng "hàng công ty" và "hàng Pháp".

Liên hệ hỏi mua thuốc Tamiflu, tài khoản Facebook có tên T.K.K.T. giới thiệu Tamiflu hàng công ty có giá 515.000 đồng/hộp và hàng Pháp có giá 489.000 đồng/hộp.

Đây cũng là mức giá chung của nhiều người bán khác trên chợ mạng.

Cúm A nóng: Nhà thuốc hét giá 80.000 đồng một viên Tamiflu - 5

Nhan nhản những bài đăng, comment bán Tamiflu trong các hội nhóm bán thuốc trên Facebook (Ảnh: Chụp màn hình).

Ngoài ra, người bán cũng cho thấy mình có số lượng lớn thuốc Tamiflu để bán chứ không hề khan hàng.

Đáng nói, mặc dù Tamiflu là thuốc kê đơn nhưng chỉ cần đặt hàng là thuốc sẽ được vận chuyển đến tận nơi. Ngoài ra, nhiều người bán còn khuyến khích mọi người nên mua dự phòng sẵn thuốc Tamiflu trong nhà khi mùa cúm tới.

Cảnh báo nguy hiểm khi tự ý dùng Tamiflu

Hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế Việt Nam, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và CDC đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao.

BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện.

Cúm A nóng: Nhà thuốc hét giá 80.000 đồng một viên Tamiflu - 6

BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Quang Trường).

Theo chuyên gia này, không phải bất kỳ trường hợp nhiễm cúm nào cũng điều trị bằng thuốc kháng virus đặc hiệu như Tamiflu.

Những trường hợp có nguy cơ tiến triển nặng cao, bác sĩ mới xem xét việc sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu để giảm nguy cơ tiến triển thành nặng. Cũng giống Covid-19, đa phần trường hợp nhiễm cúm đều có thể tự khỏi.

Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng, giúp làm giảm tình trạng khó chịu trong giai đoạn nhiễm cấp tính của bệnh nhân. Bên cạnh đó, theo dõi và phát hiện những dấu hiệu nặng và nguy cơ tiến triển nặng để cho bệnh nhân nhập viện thăm khám kịp thời.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo, người dân có dấu hiệu nghi ngờ cúm như: sốt, chảy nước mũi, đau họng, khàn giọng... đặc biệt là sau khi có phơi nhiễm virus cúm, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, làm xét nghiệm khẳng định. Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.