Áo cử nhân trên vai trẻ thơ
Những năm gần đây, cứ tới mùa bế giảng, tôi lại vô tình lướt qua những bức ảnh dễ thương của các buổi lễ tốt nghiệp mầm non. Các em bé 5, 6 tuổi, gương mặt ngây thơ, đứng xếp hàng ngay ngắn trong... áo thụng, mũ vuông cử nhân, cùng với những cuộn bằng tốt nghiệp được buộc nơ đỏ trang trọng. Có cả những nhà trường hào hứng chia sẻ hình ảnh nghi thức vắt dải mũ từ trái sang phải (mang ý nghĩa công nhận một người đã thật sự trưởng thành và bắt đầu cống hiến cho xã hội), và màn tung mũ lên trời của học trò. Theo đó, là vô vàn tấm ảnh chụp cùng bố mẹ, ông bà, với những nụ cười, sự hài lòng về "thành tích" đầu đời của các em.
Tôi không biết từ khi nào, áo cử nhân trở thành trang phục quen thuộc trong lễ tốt nghiệp ở nhiều trường phổ thông và cả mầm non. Nếu chỉ là một hoạt động vui chơi, hóa trang nhằm tạo không khí phấn khởi cho các bé khi kết thúc năm học, có lẽ tôi sẽ không băn khoăn nhiều đến vậy. Nhưng khi áo cử nhân và toàn bộ nghi thức tốt nghiệp đại học được "thu nhỏ" một cách nghiêm túc, được gọi là "lễ tốt nghiệp" thực thụ của các bé mầm non, tôi không khỏi trăn trở.

Trên đôi vai trẻ thơ, hãy để các em mặc những chiếc áo đầy màu sắc và đôi cánh của trí tưởng tượng (Ảnh minh họa: CV)
Áo cử nhân trên vai trẻ thơ là biểu hiện sinh động của cách chúng ta đang áp đặt thước đo thành tích người lớn lên trẻ em. Tấm bằng tốt nghiệp (dù chỉ là một tờ giấy màu trang trí) bỗng trở thành sự hiện hữu của bệnh thành tích đối với đứa trẻ mới chỉ 5, 6 tuổi. Trong mắt nhiều phụ huynh, đây là cột mốc đáng tự hào. Nhưng không ít người quên rằng, ở tuổi này, điều trẻ chỉ thực sự quan tâm là những khoảng thời gian vui vẻ bên gia đình, bạn bè, thầy cô.
Chúng ta đang sốt ruột thế nào, khi hối hả đẩy con mình tiến lên những nấc thang giáo dục, mà quên mất rằng mỗi giai đoạn đều có giá trị riêng? Mầm non vốn là thời kỳ khi trẻ được học thông qua chơi, khám phá thế giới bằng những trò vui nơi sân trường, sáng tạo nghệ thuật bằng những mảng màu tươi sáng, hoặc xây tưởng tượng từ những khối gỗ đơn giản. Nhưng ngay cả không gian đầy màu sắc và niềm vui đó cũng bị chúng ta khép lại bằng một nghi thức "tốt nghiệp" trang trọng, như thể trẻ vừa hoàn thành một chương trình học thuật vô cùng khó khăn.
Tại Phần Lan hay Đan Mạch, trẻ mẫu giáo không có bài kiểm tra, không có điểm số, không có áp lực phải đạt được những cột mốc cụ thể. Thậm chí, trẻ em ở những nước này bắt đầu học đọc muộn hơn so với Việt Nam, nhưng kết quả lâu dài về khả năng tư duy, sáng tạo và học thuật của họ lại nằm trong nhóm hàng đầu thế giới.
Thật ra, chính Việt Nam cũng đã có những nỗ lực cải cách trong cách đánh giá học sinh. Từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định bỏ chấm điểm với học sinh tiểu học, thay vào đó sử dụng nhận xét để đánh giá quá trình học tập. Đây là bước tiến tích cực, giúp giảm áp lực thành tích cho trẻ nhỏ. Nhưng trong khi chính sách đã thay đổi, tư duy của nhiều người lại chưa theo kịp. Nghịch lý là ở cấp mầm non, nơi vốn dĩ không cần thiết phải có đánh giá thành tích, chúng ta lại vô tình tạo áp lực bằng những nghi thức "tốt nghiệp" trịnh trọng.
Sự vội vàng đưa những nghi thức của người lớn vào thế giới trẻ thơ không chỉ dừng lại ở chiếc áo cử nhân. Ở mức độ nhất định, nó còn là biểu hiện của bệnh thành tích.
Có người sẽ nói: "Chỉ là một lễ phục, một buổi lễ, đâu có gì to tát!". Nhưng, chính những điều nhỏ nhặt hàng ngày sẽ định hình nên tư duy và thái độ của xã hội đối với giáo dục. Khi chúng ta xếp trẻ 5 tuổi vào hàng ngũ, khoác lên các cháu chiếc áo cử nhân và chụp ảnh "tốt nghiệp", chúng ta đang ngầm truyền tải thông điệp rằng: "Thành tích, bằng cấp, nghi thức là rất quan trọng?".
Thật trớ trêu khi chúng ta đặt nặng việc đánh giá thành tích ở giai đoạn mà lẽ ra không nên, nhưng lại thấp thỏm lo sợ khi con bước vào đời thực với những kỳ thi thật sự: thi đại học, ứng tuyển việc làm, hay thậm chí đối mặt với những thách thức khác trong cuộc sống cá nhân. Phải chăng bệnh thành tích cũng gây nên một tác dụng ngược: biến những đứa trẻ được huấn luyện quá sớm thành những người trẻ dễ vỡ mộng khi không tìm thấy những "tấm bằng dễ dàng" trong cuộc sống thực?
Những năm tháng mầm non vô tư sẽ không bao giờ quay trở lại. Thay vì vội vàng khoác lên vai trẻ thơ chiếc áo cử nhân, hãy để các em tận hưởng trọn vẹn niềm vui của tuổi thơ. Hãy chụp cho con những bức ảnh vui đùa với bạn bè, say mê với món đồ chơi mà con thích, hay những khoảnh khắc tò mò trước một chú sâu, chú kiến bò qua sân trường. Không cần đến áo mũ cân đai, những khoảnh khắc đó mới thực sự là dấu ấn quý giá của tuổi thơ.
Khi trẻ biết mình được yêu thương vì chính con người mình, không phải vì thành tích hay những tấm bằng, các em sẽ phát triển lòng tự trọng và sự tự tin thực sự. Và đó chính là nền tảng vững chắc nhất cho mọi chặng đường tương lai, không chỉ giới hạn ở những thành tích trên giấy tờ, mà ở những thành công trong cuộc sống thực.
Áo cử nhân nên đợi đến ngày nó thực sự có ý nghĩa. Còn trên đôi vai trẻ thơ, hãy để các em mặc những chiếc áo đầy màu sắc và đôi cánh của trí tưởng tượng.
Tác giả: TS Hoàng Anh Đức là nghiên cứu viên tại Đại học RMIT Việt Nam, Tổng giám đốc hệ thống giáo dục Sky-Line. Ông vừa được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) nhiệm kỳ 2025-2030.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!