Cấm trẻ em dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội
Nước Úc mới đây đã thông qua dự thảo luật cấm mạng xã hội với trẻ em dưới 16 tuổi. Quy định này được coi là một trong những biện pháp cứng rắn nhất nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro - vốn không còn tiềm ẩn mà vô cùng rõ ràng, trên mạng xã hội.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết, đạo luật được đưa ra nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em khỏi những nguy cơ như bắt nạt hay công kích thù ghét trên mạng. Luật mới đặt trách nhiệm lên công ty chủ quản của các nền tảng mạng xã hội, bắt buộc các nền tảng này phải thiết lập giới hạn tuổi chặt chẽ đối với người dùng. Những công ty vi phạm điều luật trên có thể phải chịu mức phạt 32 triệu USD.
Phụ huynh và trẻ em sẽ không bị phạt nếu vi phạm. Ông Albanese cho hay, "chúng tôi biết chắc chắn rằng trẻ em sẽ tìm cách để né những quy định này, nhưng đây là thông điệp cứng rắn chúng tôi gửi tới các công ty quản lý mạng xã hội để tìm ra giải pháp cho vấn đề này."
Tuy biện pháp kiểm soát cụ thể cũng như mạng xã hội nào sẽ bị kiểm soát vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, việc nước Úc triển khai quy định trên là một động thái được nhiều người hưởng ứng.
Là một người sử dụng mạng xã hội trong cả cuộc sống cá nhân lẫn công việc cũng như học về mạng xã hội, tôi thấy việc nước Úc mạnh tay với việc cấm sử dụng mạng xã hội cho trẻ dưới 16 tuổi là cần thiết.
Mạng xã hội là một bước tiến về ứng dụng công nghệ vào đời sống, có những đóng góp tích cực trong kỷ nguyên số, kết nối con người xuyên lục địa, tạo ra không gian giải trí mới và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng mạng xã hội cũng gây nên những tác động tiêu cực với người sử dụng, đặc biệt là với trẻ em trong tuổi vị thành niên. Riêng với trẻ em, nếu đặt những tác động tích cực của mạng xã hội lên bàn cân với ảnh hưởng tiêu cực, cán cân chắc chắn sẽ lệch về những ảnh hưởng tiêu cực.
Cấm trẻ em dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội không phải một đề xuất mới. Đầu năm 2024, nhà nghiên cứu nổi tiếng Jonathan Haidt xuất bản cuốn sách mang tựa đề "The Anxious Generation: How The Great Rewiring of Childhood is Causing an Epidemic of Mental Illness" (tạm dịch: Một thế hệ sống với lo âu: Làm thế nào mà những thay đổi khi trẻ còn nhỏ gây ra đại dịch rối loạn tâm lý). Trong 4 đề xuất đưa ra để hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội và điện thoại, ông đề cập tới việc nên cấm trẻ em dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội. Cuốn sách là một lời cảnh tỉnh cho nhiều bậc phụ huynh về việc mạng xã hội nói riêng và thế giới ảo nói chung mang đến những tác động tiêu cực cho trẻ, đặc biệt là trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên khi mạng xã hội tác động tới trẻ em gái tiêu cực hơn trẻ em nam.
Khi xét về tác động tiêu cực của mạng xã hội với trẻ vị thành niên, có 4 mối nguy tiềm ẩn phụ huynh có thể thấy với những thay đổi rõ ràng ở trẻ em.
Thứ nhất, việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên làm giảm chất lượng những tương tác xã hội thực tế của trẻ nhỏ. Khi trẻ em được cha mẹ cho sử dụng mạng xã hội nhiều, thời gian tương tác với bạn bè giảm rõ rệt. Một nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng, số thời gian trẻ dùng để tương tác với bạn bè giảm từ 122 phút/ngày vào năm 2012 xuống còn 67 phút/ngày vào năm 2019. Giảm tương tác ngoài đời thật đồng nghĩa với việc cơ hội để trẻ thực hành các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp thực tế sụt giảm. Đây là giai đoạn bản lề với trẻ khi các em bắt đầu hình thành nhiều nhóm kỹ năng giao tiếp quan trọng.
Tác động thứ hai của việc sử dụng mạng xã hội nhiều là những ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, bao gồm cả về chất lượng và số lượng. Một bản đánh giá dựa trên 36 nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên và vấn đề suy giảm giấc ngủ. Việc thiếu ngủ sẽ gây ra căng thẳng, rối loạn lo âu, suy giảm nhận thức, ảnh hưởng đến điểm số hay hành vi của trẻ trong cuộc sống thường nhất.
Tác động thứ ba của mạng xã hội là sự phân mảnh chú ý ở trẻ. Nói một cách đơn giản, khả năng tập trung của trẻ em bị suy giảm khi mỗi ngày phải tiếp nhận hàng chục hay hàng trăm những thông báo trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Một nghiên cứu chỉ ra trung bình một người trẻ sẽ tiếp nhận 192 thông báo mỗi ngày từ tất cả các nền tảng. Giảm khả năng tập trung là vấn đề gặp phải ở bất cứ đối tượng nào khi sử dụng mạng xã hội, trong đó cả những người trưởng thành như tôi. Tuy nhiên, khi trẻ nhỏ không còn khả năng tự kiểm soát hay hiểu được vấn đề mình đang gặp phải, các em sẽ chấp nhận buông theo sự mất tập trung.
Tác động thứ tư của mạng xã hội là khả năng gây nghiện. Những nhà phát triển mạng xã hội sử dụng nhiều kỹ thuật trong tâm lý học để khiến mạng xã hội trở thành một không gian khiến trẻ khó có thể dứt ra, và người dùng sẽ không bao giờ biết thuật toán chính xác để có nhiều lượt thích trên Facebook.
Nhà nghiên cứu về các vấn đề gây nghiện Anna Lembke từ đại học Stanford cho biết nhiều trẻ nhỏ có các triệu chứng nghiện mạng xã hội giống như cách những người máy chơi game ở sòng bạc, ảnh hưởng tới sức khỏe toàn diện.
Nhiều người có thể cho rằng, thay đổi về chính sách ở nước Úc chỉ là sự trùng hợp trong thời điểm mạng xã hội bùng nổ. Song, khi nhìn vào những số liệu như tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu ở trẻ vị thành niên, tỷ lệ người trẻ nhập viện vì những hình thức tự gây nguy hiểm bản thân tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn từ khoảng 2010 - thời điểm được nhiều nhà nghiên cứu xã hội cho rằng là khởi đầu cho sự bùng nổ của smartphone và mạng xã hội - trở lại đây, rõ ràng xã hội và các nhà lập pháp ở nhiều nước có lý do để quan ngại.
Tại Việt Nam, nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12 tới đây sẽ có những thay đổi trong cách quản lý mạng xã hội với trẻ nhỏ. Với những người dùng dịch vụ mạng xã hội là trẻ em dưới 16 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ phải đăng ký tài khoản bằng thông tin của người đó và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải trên mạng xã hội.
Tôi nghĩ rằng đây là một bước đi đúng đắn trong việc thắt chặt hơn việc sử dụng của mạng xã hội tại Việt Nam, song có lẽ vẫn chưa đủ. Cha mẹ có thể sẽ giám hộ trong thời gian đầu nhưng không đảm bảo được có thể theo dõi trẻ lâu dài, hoặc trẻ có thể tìm cách để lách được quy định đăng ký. Quy định trên cũng chưa đề cập tới trách nhiệm của các công ty quản lý mạng xã hội. Muốn trẻ em không sử dụng mạng xã hội và việc cấm được triển khai triệt để, cần có những áp chế mạnh hơn lên các công ty chủ quản mạng xã hội.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!