Từ chuyện cử nhân lương thấp hơn shipper
"Học đại học làm gì, ra trường có việc làm đâu, nếu có việc làm thì lương còn thấp hơn lương công nhân, thấp hơn thu nhập của shipper". Vâng, đấy là suy nghĩ của khá nhiều bạn trẻ cũng như của không ít bậc phụ huynh trong những năm gần đây.
Rồi lại có những bạn trẻ lập luận rằng: "Học đại học làm gì, bỏ học đi mà khởi nghiệp, các tỷ phú giàu nhất thế giới như Bill Gates, Steve Job, Larry Ellison, Mark Zuckerberg, Michael Dell, Jack Dorsey toàn bỏ học đại học, lập công ty để khởi nghiệp ngay từ năm thứ 2 đấy thôi".
Các bạn có biết các tỷ phú trên có những điểm chung gì không? Trước hết họ đều là những người rất xuất sắc, có trí tuệ vượt trội ngay từ khi họ học phổ thông đến khi họ vào năm thứ nhất, thứ hai đại học. Thứ hai, họ đều học ngành "khoa học máy tính", ngành "phần mềm", những ngành cần kiến thức cơ bản về toán học, về tư duy logic, đấy chính là kiến thức nền tảng cho việc tự học sau này.
Hãy nghe Steve Job, người đã làm thay đổi thế giới bằng những chiếc iPhone, iPad, iPod tuyệt vời lý giải cho việc bỏ học mà lại thành công của mình: "Tôi đã may mắn được vào học máy tính khi nó còn là một ngành rất trẻ và lý tưởng, những người học máy tính là những người xuất sắc về toán học, vật lý, âm nhạc, động vật học, bất cứ thứ gì. Họ yêu thích nó, và không ai thực sự tham gia vì tiền", "Có những người quanh đây thành lập công ty chỉ để kiếm tiền, nhưng những công ty vĩ đại, à, đó không phải là mục tiêu của họ".
Vâng, nếu bạn tự tin rằng bạn thuộc top những người xuất sắc nhất, thông minh nhất trong thế hệ của mình, nếu bạn có nền tảng của toán học, vật lý học (những kiến thức cơ bản cho mọi ngành nghề), đặc biệt là bạn rất yêu thích một công việc gì đó mà bạn nhất định phải làm chứ không phải chỉ để kiếm tiền, thì khi ấy bạn có thể học theo các tỷ phú trên bằng việc rẽ ngang việc học hành để khởi nghiệp.
Còn nếu câu trả lời của bạn là "không" thì bạn nên nhớ rằng "nếu bỏ học đại học giữa chừng thì tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói và nợ nần của bạn sẽ tăng lên 4 lần thay vì bạn tốt nghiệp đại học" không (đấy chính là kết quả của một thống kê trong số 34 triệu sinh viên Mỹ).
Các bạn nên nhớ rằng kiến thức và tư duy học được, tích lũy được trong những năm đại học chính là nền tảng về tư duy và tri thức cho cả sự nghiệp của bạn sau này, nó giống như móng của ngôi nhà. Nên nhớ rằng móng ngôi nhà có chắc thì mới có thể xây ngôi nhà cao được, nền tảng có vững thì chúng ta mới có thể tự học thêm được các kiến thức cần thiết khác, giúp chúng ta đứng vững trước các thay đổi chóng mặt về khoa học công nghệ, về xu thế tiêu dùng, về mô hình kinh doanh và mô hình quản lý luôn luôn thay đổi và phát triển nhanh trong thời đại toàn cầu hóa và Internet ngày nay.
Các bạn đừng sốt ruột khi những năm đầu của sự nghiệp, nhiều bạn cùng trang lứa có thu nhập cao hơn, hãy ghi nhớ rằng ngôi nhà của bạn (sự nghiệp của bạn) có lên cao được hay không phụ thuộc hoàn toàn vào móng của ngôi nhà của bạn, tức nền tảng kiến thức, kinh nghiệm và tư duy của bạn có được xây đắp tốt, được tích lũy tốt trong những năm học đại học và trong những năm đầu của sự nghiệp.
Các bạn cũng đừng lo sợ rằng không khởi nghiệp sớm sẽ bỏ lỡ cơ hội, sợ tuổi trẻ sẽ qua đi, bởi thực tế đã chứng minh rằng thời điểm để khởi nghiệp không hề liên quan đến tuổi tác.
Khi khởi nghiệp năm 1988, anh Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, đã bước sang tuổi 32, còn tuổi trung bình của 13 nhà sáng lập FPT lên đến 32,9 tuổi. Jeff Bezos, tỷ phú giàu thứ 3 thế giới, ông chủ của Amazon, hãng E-Commerce lớn nhất thế giới cũng khởi nghiệp ở tuổi 30. Đặc biệt nhất là David Sanders còn khởi nghiệp ở tuổi 65, thế mà ông vẫn thành công bằng việc tạo ra chuỗi đồ ăn nhanh KFC lớn nhất thế giới.
Cuối cùng tôi muốn nói rằng: Học là việc chúng ta phải làm trong suốt cả cuộc đời, trong đó tự học là quan trọng nhất, kiến thức, tri thức, sự hiểu biết mới là mục tiêu cao nhất chứ không phải bằng cấp, bởi chúng không chỉ giúp cho chúng ta thành công trong sự nghiệp mà còn giúp chúng ta có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!