Vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng: Cần nghiêm trị!
Những cái tát, những cú quăng quật, bóp đầu, bóp miệng, đánh đấm… Tôi bàng hoàng khi đọc tin và xem video về cảnh bạo hành bên trong cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, quận 12, TPHCM. Các em nhỏ đã phải gánh chịu sự tàn nhẫn không thể tưởng tượng nổi từ những người lẽ ra phải là chỗ dựa, bảo vệ các em.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật đã rõ ràng và không thể chấp nhận được.
Điều đáng lên án nữa là trước khi bị báo chí phanh phui sự thật, cơ sở này đã tự tô vẽ hình ảnh như một "mái ấm" với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nơi các em được chăm sóc, quan tâm chu đáo.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp Giấy phép hoạt động vào ngày 7/7/2023, số lượng không quá 39 trẻ. Thế nhưng trên thực tế, tổng số trẻ có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng là 85 trẻ; bao gồm 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi, 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi (đang đi học tại trường mầm non Sóc Bông), 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Từ cảnh chào đời đã chịu nhiều thiệt thòi khi bị bỏ rơi, khuyết tật, mồ côi, sống lang thang,… Đến lúc được "Mái ấm" chào đón, những tưởng các em sẽ bước vào một cuộc sống mới với đầy "hoa hồng", đầy tình yêu thương và hy vọng phía trước, nhưng không, đó lại là nơi các em phải chịu đựng những hành vi ngược đãi, bạo hành.
Có lẽ với các em, giây phút bình yên hiếm hoi là khi có các nhà hảo tâm, tình nguyện viên đến thăm. Các em được ôm ấp, nâng niu, được chăm sóc với những tình thương đúng nghĩa, được tôn trọng vì sự hiện diện quý giá của mình trên cuộc đời này.
Rõ ràng sự việc ở Mái ấm Hoa Hồng một lần nữa là sự cảnh báo về thói "đạo đức giả" che đậy khéo léo sau cái mác tình thương, sau câu chuyện phát tâm từ thiện từng lấy đi không ít nước mắt, sự xúc động của cộng đồng…
Sự tô vẽ giả dối đó khiến không ít nhà hảo tâm tin tưởng, chung tay hỗ trợ, với mong mỏi góp phần bù đắp những bất hạnh, thiệt thòi của các em ở Mái ấm Hoa Hồng. Nhưng đây không phải là một mái ấm như tên gọi của nó. Thật may mắn báo chí cùng cơ quan chức năng đã vào cuộc, và hiện các em nhỏ ở cơ sở này được chuyển sang nơi ở mới là cơ sở bảo trợ công lập.
Chủ của Mái ấm Hoa Hồng cùng một số người khác đã bị tạm giữ để điều tra các dấu hiệu bạo hành trẻ em và trục lợi quà từ thiện của các nhà hảo tâm. Bước đầu nhà chức trách xác định 5 bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ em. Chắc chắn là những hành vi này sẽ tiếp tục được làm rõ và nghiêm trị theo đúng quy định pháp luật!
Với các em nhỏ, những thương tích do bạo hành sẽ được chữa lành theo thời gian ở cơ sở mới. Tuy nhiên sự ám ảnh, sang chấn tâm lý có lẽ không dễ nguôi ngoai mà sẽ hằn sâu trong tâm trí các con.
Vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng đặt ra nhiều việc cần làm cả trước mắt và lâu dài. Công điện ngày 4/9 (ngay trong ngày báo chí phản ánh về vụ việc này) của Bộ trưởng LĐ - TB&XH gửi Chủ tịch UBND TPHCM đã đốc thúc xử lý vụ việc, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em.
Theo đó, việc khẩn cấp là thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại Mái ấm Hoa Hồng; đồng thời điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm…
Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo cơ quan quản lý lĩnh vực tại địa phương tiến hành rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn TPHCM bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành.
Cần khẳng định sự giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng với các cơ sở bảo trợ trẻ em là rất cần thiết. Tuy nhiên, từ thực tế Mái ấm Hoa Hồng từng nhiều lần bị kiểm tra nhưng chưa phát hiện vi phạm, thiết nghĩ bên cạnh kiểm tra định kỳ, phải tổ chức thêm những cuộc kiểm tra đột xuất và thiết lập hệ thống phản hồi độc lập.
Hệ thống này giúp nhân viên và trẻ em ở cơ sở bảo trợ có thể báo cáo hành vi sai trái (qua phương tiện thông tin liên lạc hoặc qua phỏng vấn, gặp gỡ riêng), đảm bảo tính bảo mật và can thiệp nhanh chóng từ các cơ quan chức năng khi có dấu hiệu bạo hành.
Ngoài ra, vai trò giám sát của cộng đồng nên được tăng cường để bổ sung cho các cuộc kiểm tra chính thức. Việc lắp camera giám sát cũng là biện pháp cần được áp dụng trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta không thể để một sự việc như Mái ấm Hoa Hồng xảy ra thêm lần nữa. Hệ thống pháp luật cần phải có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em.
Mọi đứa trẻ đều xứng đáng được yêu thương, chăm sóc, và được sống trong một môi trường an toàn. Những giải pháp mạnh mẽ và kịp thời là cần thiết để bảo vệ thế hệ tương lai, những mầm non của đất nước.
Tác giả: Đặng Việt Trinh là tác giả trẻ có nhiều bài đăng ở các tờ báo, tạp chí trong nước; chị hiện là chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực bất động sản và giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!