2 triệu tỷ đồng và bài toán tăng trưởng
Tại một cuộc họp báo gần đây, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay số liệu tăng trưởng tín dụng của năm 2023 là 13,71%, đồng nghĩa khối lượng tuyệt đối đã đưa vào nền kinh tế trong năm qua khoảng 1,6 triệu tỷ đồng.
Dự kiến tăng trưởng tín dụng cho năm 2024 là 15%. Như vậy, nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì có nghĩa là khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được tăng thêm vào năm nay.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến 15% là trong điều kiện tính toán hiện nay. Nếu như giữa năm, cuối năm điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ giao thêm cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng.
Từ những tháng cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt ở các ngân hàng lớn đã xuống rất thấp. Đây là điều kiện tiền đề để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho tiêu dùng cũng như đầu tư ở khu vực tư nhân trong thời gian tới.
Tuy nhiên đến nay phía lãi suất cho vay vẫn ở mức khá cao, chủ yếu do sức khỏe doanh nghiệp yếu, hồ sơ tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu của bên cung cấp tín dụng. Ngân hàng vẫn lo ngại về nợ xấu hiện tại cũng như những rủi ro từ tình hình tài chính và triển vọng doanh nghiệp trong tương lai, nên lãi suất phải đủ cao để bù đắp được những rủi ro đó.
Hệ thống ngân hàng luôn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế ở bất cứ nước nào, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm các nước cao nhất thế giới. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế những năm qua vẫn dựa nhiều vào cung tiền và tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, các kênh dẫn vốn dài hạn khác lại rất thiếu và yếu.
Trong dài hạn, các quốc gia không thể coi tăng trưởng cung tiền hay tín dụng là động lực để phát triển kinh tế, bởi nếu đơn giản như vậy thì các nước chỉ cần xây nhiều nhà máy in tiền và phình to hệ thống ngân hàng lên là được. Nói cách khác, việc bơm tiền, bơm tín dụng vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không phải lúc nào cũng đúng, nhất là khi việc này được thực hiện trong thời gian dài, từ năm này qua năm khác.
Tăng trưởng cung tiền hay tăng trưởng tín dụng chỉ tạo ra tăng trưởng kinh tế nếu như nó được sử dụng để tạo thành vốn (capital) và thúc đẩy được tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất của nền kinh tế… Còn nếu tăng trưởng tín dụng quá "nóng", quá cao so với sức hấp thụ của nền kinh tế thì khi đó dòng tiền sẽ chảy vào những lĩnh vực không tạo ra được tăng trưởng trong dài hạn, sức ép lạm phát sẽ trở nên thường trực, thị trường tài sản lên giá mạnh.
Do vậy, tôi cho rằng, khi tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, không đạt kỳ vọng thì trước hết cần xem xét kỹ liệu vấn đề có phải xuất phát từ việc tắc nghẽn nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng hay không, hay là do bản thân nền kinh tế và doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ? Theo đó, không nên dồn ép chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quá cao. Mức độ cung ứng tín dụng cần tương đương với nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Hoạt động điều tiết cung tiền, tín dụng, và lãi suất ngoài việc đảm bảo kiểm soát lạm phát thì còn phải tính đến sự cân đối tổng thể với các thị trường tài sản khác. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù cầu tiêu dùng yếu, sức ép lạm phát không phải quá cao nhưng nếu lãi suất huy động xuống quá thấp, nhiều khả năng sẽ kích hoạt các hoạt động đầu cơ, gây xáo trộn các thị trường tài sản, từ thị trường vàng đến ngoại tệ (tỷ giá), bất động sản - bởi quy luật của dòng tiền là tìm đến những nơi cho lợi nhuận cao. Nếu như tín dụng tăng quá cao sẽ tạo ra bất ổn tiềm ẩn.
Rõ ràng hệ thống ngân hàng hiện nay không thiếu vốn và vấn đề của ngân hàng là phải giảm được lãi suất cho vay với doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận được vốn với lãi suất hợp lý (khoảng 7-8%/năm).
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, sức khỏe các doanh nghiệp yếu đi, hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp không đủ tốt, hoặc phương án sản xuất kinh doanh còn nhiều rủi ro, không phù hợp với các tiêu chí của ngân hàng, cho nên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn. Hơn nữa, ngân hàng đang vướng vào nợ xấu, bất động sản thế chấp… Khi các tài sản đó xuống giá, mất thanh khoản thì trở thành gánh nặng nợ xấu. Điều này khiến lãi suất cho vay vẫn giảm chậm và neo ở mức cao để bù đắp những rủi ro mà ngân hàng đang phải gánh chịu. Do vậy, ngành ngân hàng cũng phải ưu tiên xử lý nợ xấu, điều này có khi là quan trọng hơn so với thúc tăng trưởng tín dụng.
Về "giải cứu" thị trường bất động sản, tôi cho rằng chúng ta cần xác định rõ được phân khúc mục tiêu ưu tiên nhắm đến, đó phải là nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu ở thực, bởi rằng, nhu cầu nhà ở của người dân hiện đang rất lớn. Muốn vậy, trước tiên phải tạo được sự thông thoáng về mặt pháp lý.
Hiện nay trong quá trình xử lý các sai phạm, rất nhiều dự án nhà ở của các doanh nghiệp bất động sản đang bế tắc, trì hoãn. Theo đó, các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, giao đất, xác định giá đất,… cần được tập trung giải quyết để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai. Bởi nếu không, nguồn lực của người dân, doanh nghiệp vẫn mắc kẹt ở các dự án là điều rất lãng phí!
Từ việc tháo gỡ được các vướng mắc về mặt pháp lý, doanh nghiệp cũng sẽ tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách dễ dàng hơn. Hiện nay, các ngân hàng đang e ngại những dự án có vấn đề về mặt pháp lý, nên nếu tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản thì cũng là giúp ngân hàng khơi thông được tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh giải quyết vấn đề pháp lý, các ngân hàng phải hạ được lãi suất cho vay, đặc biệt với các dự án lành mạnh, những doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt. Thực hiện điều này để nhằm đạt nhiều mục đích: một là giảm bớt sự mắc kẹt của các doanh nghiệp, người dân ở các dự án bất động sản; hai là giải quyết vấn đề nợ xấu đang tăng nhanh ở các ngân hàng; ba là đáp ứng được nhu cầu nhà ở thực của người dân và tránh được việc đẩy giá do tắc nghẽn nguồn cung. Qua đó, hỗ trợ lớn cho nền kinh tế. Từ sự khơi thông của thị trường bất động sản sẽ kéo theo sự hồi phục của một loạt ngành nghề liên quan.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng không nên can thiệp quá sâu theo hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bởi rằng ngân hàng là người hiểu rõ nhất hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp, họ phải đảm bảo sức khỏe doanh nghiệp đủ tốt, phương án kinh doanh có triển vọng thì họ mới cho vay.
Cốt lõi của chính sách điều hành hiện nay là đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, kiểm soát rủi ro, giữ mặt bằng lãi suất ở mức phù hợp, hạn chế các hoạt động đầu cơ tài sản như đã thấy manh nha thời gian gần đây. Định hướng của chính sách tiền tệ là giữ cho môi trường lạm phát và lãi suất ở mức thấp, phù hợp; do vậy cơ quan quản lý không nên can thiệp sâu vào các quyết định của ngân hàng nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tác giả: PGS.TS Phạm Thế Anh nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Manchester vào năm 2007; hiện là Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tài chính và từng giữ các vị trí: Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô; Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách công và Quản lý thuộc Trường Đại Học Kinh tế Quốc dân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!