Kỳ tích tăng trưởng và bài toán khó năm 2023
Đọc tin tức trong những ngày cuối năm, có lẽ mọi người đều phần nào cảm thấy phấn chấn vì những số liệu tổng kết cho thấy, chúng ta đã có một năm về đích thành công. Dự kiến năm 2022 này, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao, trong đó, dự báo tốc độ tăng trưởng đạt 8%, vượt chỉ tiêu được giao là 6-6,5%, đồng thời cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Mới mấy ngày trước, HSBC công bố báo cáo vĩ mô về châu Á cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 7,6% lên 8,1%. Tổ chức này đánh giá 2022 là năm phục hồi bùng nổ của Việt Nam với mức tăng trưởng tiếp tục vượt trội so với mặt bằng chung tại châu Á.
Con số tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 đến từ thành tích cao của xuất khẩu (đạt 2 con số), đầu tư công tăng mạnh khoảng 20%, đầu tư tư nhân và đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đóng góp quan trọng.
Tuy nhiên ẩn sâu con số đáng mừng về tăng trưởng 2022 là không ít nỗi lo về những vấn đề mà nền kinh tế có thể sẽ phải đối mặt trong tương lai. Nếu nhìn vào tình hình năm nay có thể thấy từ nửa cuối năm đã bộc lộ một số vấn đề cần theo dõi kỹ.
Kết quả của lĩnh vực xuất khẩu đóng góp rất lớn vào thành tích tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng gắn với rủi ro, khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại hoặc gặp bất ổn thì sẽ ảnh hưởng tới kinh tế trong nước.
Song hành với đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Về cơ bản, định hướng của chúng ta là xuất khẩu và thành tích xuất khẩu này lại có phần đóng góp rất lớn từ khu vực FDI. Khu vực FDI chiếm khoảng 74% tức gần 3/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tất nhiên, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đồng thời cũng đã được hưởng lợi về ưu đãi về đất đai, về lao động giá rẻ, về thuế, về những yêu cầu ràng buộc trong bảo vệ môi trường và cả những lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết…
Về đầu tư công, khoảng hơn chục năm về trước, kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào lĩnh vực này, tuy nhiên sau khi đối mặt với những vấn đề bội chi ngân sách, nợ công, sự kém hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước thì trong những năm gần đây, đầu tư công không còn đóng vai trò quan trọng bậc nhất với tăng trưởng nữa. Năm 2022, một trong những tiếc nuối mà tôi thấy chúng ta cần khắc phục thời gian tới đây là tiến độ giải ngân đầu tư công. Theo đó, tiến độ giải ngân của năm nay tương đối chậm, mặc dù tăng so với năm ngoái nhưng đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 70-75% kế hoạch đặt ra.
Một động lực khác của nền kinh tế mà chúng ta cũng cần phải quan tâm là sự hồi phục của khu vực dịch vụ, sự tăng trưởng của khách quốc tế vào Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam gần như đã mở cửa hoàn toàn như thời kỳ trước khi xảy ra dịch Covid. Cùng với sự mở cửa của Trung Quốc, nếu trong năm 2023, thế giới chi tiêu nhiều hơn cho du lịch thì chúng ta kỳ vọng lĩnh vực này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn và đóng góp đáng kể hơn cho GDP.
Mặc dù vậy, cũng phải lưu ý đến tình hình ở Trung Quốc hiện nay khi mà số ca nhiễm tại nước này đã tăng rất nhanh sau khi nới lỏng kiểm soát dịch, làn sóng dịch bùng phát trở lại mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, chúng ta không thể biết được liệu Trung Quốc có đảo chiều chính sách, định hướng mở cửa hay không. Thị trường khách du lịch từ Trung Quốc rất lớn, nếu có sự đảo chiều chính sách từ Trung Quốc thì mục tiêu tăng trưởng du lịch của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Một chỉ tiêu rất lớn khác về mặt vĩ mô đang được quan tâm là lạm phát. Lạm phát trong năm 2022 trên thế giới không chỉ do quá trình mở rộng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn 2020-2021, mà còn gặp thách thức lớn từ giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá nhiên liệu liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine. Để ứng phó với lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương đã phải đảo chiều chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt.
Những rủi ro đó truyền tải vào kinh tế Việt Nam rất rõ ràng khi doanh nghiệp trong nước phải đồng thời đối mặt với cả chi phí sản xuất cao hơn và nhu cầu suy yếu, hay ta gọi đó là tình trạng đình lạm. Ngoài ra, tình trạng mất giá VND cũng ảnh hưởng đến lạm phát trong nước qua kênh truyền dẫn nhập khẩu.
Về mặt con số thống kê dù đang có những băn khoăn nhất định song nhìn chung, nếu so với mặt bằng thế giới thì việc kiểm soát lạm phát tại Việt Nam vẫn là một thành công cần ghi nhận. Mức lạm phát ở Việt Nam không cao như các nước khác dù chịu nhiều áp lực.
Có ý kiến cho rằng, có phải chúng ta đã phòng thủ quá chặt, quá thận trọng trong điều hành theo lạm phát mục tiêu hay không. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh biến động của kinh tế thế giới như hiện nay, việc các ngân hàng trung ương cẩn trọng là dễ hiểu và đó là sự cần thiết. Bài toán khó cho chính sách tiền tệ không chỉ ở Việt Nam mà với tất cả các nước đó là phải dự báo được chính xác xu hướng lạm phát để có quyết sách phù hợp. Chẳng hạn, nếu ngân hàng trung ương dự báo lạm phát quá cao so với thực tế, từ đó đưa ra chính sách tiền tệ thắt chặt thái quá, thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng. Ngược lại, nếu như không dự báo được đầy đủ lạm phát, nhà điều hành lại nới lỏng tiền tệ thì rất khó kiểm soát lạm phát. Một khi lạm phát đã bùng phát rồi thì sẽ mất thời gian và chi phí để đưa nó trở lại bình thường. Bởi vậy, để có thể kiểm soát lạm phát tốt và có liều lượng chính sách phù hợp thì công tác dự báo phải chính xác, phải sát với thực tế.
Nhìn chung, hiện nay có vẻ như chúng ta đang đặt quá nhiều nhiệm vụ và tập trung vào chính sách tiền tệ, trong khi đó, để ứng phó với nền kinh tế có dấu hiệu đình lạm (suy thoái/tăng trưởng chậm lại nhưng sức ép lạm phát cao) thì vai trò của chính sách tài khóa phải lớn hơn.
Nếu sử dụng chính sách tiền tệ vào thời điểm tăng trưởng thấp, lạm phát cao thì sẽ không hiệu quả bằng việc sử dụng chính sách tài khóa, hỗ trợ nền kinh tế thông qua hỗ trợ giảm chi phí/thuế cho các doanh nghiệp, tăng cường giải ngân các gói an sinh xã hội và đầu tư công. Nếu thực hiện giải ngân một cách hiệu quả thì vừa giảm được chi phí cho các doanh nghiệp, vừa có thể kìm hãm được lạm phát, đồng thời lại hỗ trợ được tăng trưởng. Và bởi vậy, tôi cho rằng, có lẽ năm 2023 các nhà điều hành nên đặt trọng tâm hơn vào chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng thay vì chỉ chú trọng đến chính sách tiền tệ.
Trong năm 2023, hầu hết tổ chức lớn đều đánh giá triển vọng kinh tế thế giới chậm lại nhưng không đến mức suy thoái sâu, do vậy tác động tới nền kinh tế Việt Nam có lẽ là không quá nghiêm trọng. Các chỉ tiêu liên quan đến xuất khẩu, đầu tư nước ngoài có thể chững lại hoặc tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước đây nhưng sẽ không đến mức gây ra sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn có lẽ đến từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế, của hệ thống tài chính trong nước. Quá trình xử lý và khắc phục những sai phạm trước đây liên quan đến thị trường trái phiếu và ngân hàng đã khiến các thị trường này có sự đứt gãy nghiêm trọng mà cho tới nay chưa có sự hồi phục hoàn toàn. Dòng vốn trong nền kinh tế đang bị tắc nghẽn, các nhà đầu tư trên thị trường tài sản dường như đang thiếu niềm tin, nhiều doanh nghiệp và ngành nghề trong nền kinh tế hiện nay đang khó tiếp cận nguồn vốn. Tôi cho rằng, để kinh tế phát triển tốt hơn trong năm 2023, chúng ta cần phải xử lý các vấn đề nội tại một cách khéo léo để làm sao vận hành trơn tru hệ thống tài chính và tiền tệ, đồng thời phải phát huy tốt sự hỗ trợ của chính sách tài khóa.
Dù không kỳ vọng năm tới sẽ có sự nhảy vọt tăng trưởng ấn tượng 7-8% như năm 2022 nhưng mong rằng, với sự lựa chọn chính sách và điều hành đúng đắn, hợp lý thì tăng trưởng năm 2023 vẫn duy trì được những kết quả khả quan.
Tác giả: PGS.TS Phạm Thế Anh nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Manchester vào năm 2007; hiện là Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tài chính và từng giữ các vị trí: Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô; Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách công và Quản lý thuộc Trường Đại Học Kinh tế Quốc dân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!