Tiết lộ bất ngờ về quyết định nghỉ hưu của CEO Intel
(Dân trí) - Pat Gelsinger đã bất ngờ rời khỏi chiếc ghế CEO của Intel trong bối cảnh kế hoạch tái thiết hãng chip này do ông đặt ra vẫn còn dang dở. Nhiều nguồn tin cho biết Gelsinger đã bị ép phải từ chức.
CEO Intel không tự nguyện từ chức
Pat Gelsinger đã bất ngờ từ chức khỏi chiếc ghế CEO của hãng chip Intel vào ngày 1/12 vừa qua. Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết Gelsinger không hề tự nguyện đưa ra quyết định này.
Nguồn tin cho biết quyết định của Pat Gelsinger được đưa ra sau một cuộc họp căng thẳng của hội đồng quản trị Intel vào tuần trước. Tại cuộc họp này, Gelsinger đã trình bày một kế hoạch nhằm giúp Intel giành lại thị phần và cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường chip như Nvidia và TSMC.
Tuy nhiên, hội đồng quản trị của Intel đã mất niềm tin vào chiến lược của Gelsinger trong việc tái thiết hãng chip đang gặp nhiều khó khăn này. Nguồn tin cho biết hội đồng quản trị Intel đã đưa ra cho Gelsinger 2 sự lựa chọn: Tuyên bố nghỉ hưu hoặc đối mặt với việc bị sa thải. Cuối cùng, Gelsinger chọn nghỉ hưu, rời khỏi vị trí CEO Intel sau chưa đầy 4 năm nắm quyền.
Việc Gelsinger bị ban lãnh đạo Intel ép phải từ chức được xem là động thái nhằm lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và tìm một hướng đi mới cho công ty.
Pat Gelsinger đã đưa ra một thông báo với cảm xúc lẫn lộn sau khi rời khỏi ghế CEO của Intel: "Hôm nay, tất nhiên là một ngày buồn vui lẫn lộn vì công ty này đã là một phần lớn trong sự nghiệp của cả cuộc đời tôi.
Tôi có thể tự hào nhìn lại tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau đạt được. Đây là một năm đầy thử thách đối với tất cả chúng ta khi phải đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết để đưa Intel tiến lên".
Pat Gelsinger bắt đầu sự nghiệp tại Intel từ năm 1979 nhưng rời đi vào năm 2005. Ông quay trở lại làm CEO Intel từ tháng 2/2021 đến khi nghỉ hưu vào tháng 12/2024.
Sau khi Pat Gelsinger từ chức, quyền điều hành Intel sẽ tạm trao lại cho Giám đốc tài chính (CFO) David Zinsner và Giám đốc điều hành (COO) Michelle Johnston Holthaus. Intel đang tích cực tìm kiếm một người có thể gắn bó lâu dài để nắm quyền điều hành và vượt qua các khó khăn hiện tại của công ty.
Điều hành sai lầm của Pat Gelsinger khiến Intel lâm vào khủng hoảng
Pat Gelsinger rời đi trong bối cảnh Intel đang gặp khó khăn chồng chất về tài chính. Hãng chip này đã công bố khoản lỗ 16,6 tỷ USD và phải dừng trả cổ tức cho các nhà đầu tư trong quý gần đây nhất.
Cổ phiếu của Intel đã mất hơn một nửa giá trị trong năm 2024 và vào tháng trước, Intel đã bị đưa ra khỏi danh sách 30 công ty lớn và ổn định nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu của Intel ước tính đã giảm 60% giá trị kể từ thời điểm Gelsinger mới đảm nhiệm vị trí CEO.
Giá cổ phiếu của Intel đã tăng nhẹ sau khi Gelsinger thông báo từ chức, nhưng sau đó lại tiếp tục đà sụt giảm.
Sau khi đảm nhiệm vị trí CEO tại Intel vào năm 2021, Gelsinger đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 20 tỷ USD ở bang Ohio và đổ thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại châu Âu.
Intel cũng đã được hưởng lợi khi nhận tài trợ hàng tỷ USD từ chính quyền Joe Biden để xây dựng các nhà máy sản xuất chip tại Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào các hãng sản xuất chip tại châu Á, điều mà Nhà Trắng lo ngại là một điểm yếu về an ninh.
Khác với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường chip như AMD hay Nvidia, Intel không chỉ thiết kế mà còn sản xuất chip. Dưới thời Gelsinger, công ty đã nỗ lực phát triển mảng kinh doanh nhà máy đúc, chuyên sản xuất chip theo đơn đặt hàng của công ty khác, nhằm cạnh tranh với hãng sản xuất chip TSMC của Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy nhiên, quá trình chi tiêu mạnh mẽ của Gelsinger diễn ra trong bối cảnh thị trường laptop và máy tính cá nhân sụp đổ sau đại dịch, đồng thời Apple cũng phát triển chip máy tính riêng thay vì tiếp tục sử dụng chip của Intel, điều này khiến doanh thu của Intel sụt giảm mạnh và giá cổ phiếu của công ty liên tục lao dốc.
Việc chi tiêu mạnh đã buộc Gelsinger phải đưa ra kế hoạch cắt giảm nhân sự. Vào tháng 8, Gelsinger đã công bố kế hoạch cắt giảm 15% lực lượng lao động của Intel, tương đương với 15.000 việc làm, như một phần trong nỗ lực cắt giảm chi phí hoạt động để tiết kiệm 10 tỷ USD vào năm 2025.
Gelsinger cũng đã thất bại trong việc tạo ra chip trí tuệ nhân tạo (AI) hiệu suất cao để cạnh tranh với Nvidia. Trong khi chip Nvidia liên tục "cháy hàng" vì nhu cầu sử dụng cho các hệ thống máy chủ xử lý AI, Intel lại đang chật vật "tìm chỗ đứng" trên thị trường máy tính AI.
"Bạn cần phải có một sản phẩm tiên tiến, thực sự đổi mới để tạo được đột phát trên thị trường. Không có bất kỳ sản phẩm nào như vậy của Intel được ra mắt trong giai đoạn Pat Gelsinger cầm quyền", Hans Mosesmann, chuyên gia phân tích thị trường, nhận xét.
Dường như việc chi tiêu quá mạnh tay nhưng không mang về doanh thu đủ lớn đã khiến ban quản trị Intel mất kiên nhẫn và đưa ra quyết định ép Pat Gelsinger phải từ chức.
"Cổ phiếu của Intel đã mất giá hơn 60% trong thời kỳ Pat Gelsinger điều hành, vì vậy việc ông ấy rời khỏi ghế CEO không phải là điều gây ngạc nhiên", Ryan Detrick, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty tư vấn đầu tư Carson Group, nhận xét.
"Intel cần một sự lãnh đạo mới mẻ để xoay chuyển tình thế. Dưới quyền lãnh đạo mới, bất kỳ quyết định chiến lược nào của Gelsinger trước đây đều có thể bị cắt bỏ, bao gồm cả chiến lược chuyển hướng đưa Intel trở thành hãng sản xuất chip theo hợp đồng", Ryan Detrick cho biết thêm.